07/09/2017 12:46 GMT+7

Con muốn học, làm bác sĩ, chữa bệnh cho mẹ

DIỆU NGUYỄN
DIỆU NGUYỄN

TTO - Đó là mong ước của bà mẹ nghèo Lê Thị Xuân Chinh, tạm trú tại P.16, Q.Gò Vấp, TP.HCM.

Con muốn học, làm bác sĩ, chữa bệnh cho mẹ - Ảnh 1.

Lữ Thị Xuân Thảo (13 tuổi) học sinh lớp 8 trường Phan Tây Hồ (Q.Gò Vấp) nhiều năm liền là học sinh giỏi và xuất sắc - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Căn nhà thuê nằm sâu cuối hẻm, số nhà cũng không phải rõ ràng để dễ dàng tìm đến là nơi trú ngụ của gia đình 4 người nhà bà Chinh. Bà vốn bị bệnh tiểu đường từ khi mang thai đứa con đầu tiên đến nay đã 13 năm, trải qua không biết bao nhiều nghề để kiếm sống, giờ bước vào tuổi 50 kèm thêm nhiều bệnh bà không còn đủ sức để chạy chợ kiếm cơm mà đi làm giúp việc.

Mẹ con chia nhau cây đèn bàn

"Có được công việc này tui cũng mừng lắm, cực thì làm gì cũng cực nhưng con cái càng ngày càng lớn cần có thời gian để chăm sóc con nhiều hơn, lo được cho chồng bữa cơm tử tế. May mắn được người quen giới thiệu nên mới có việc làm này" - bà Chinh tâm sự.

Chồng bà năm nay 54 tuổi - ông Lữ Phương Trung, làm bảo vệ cho một công ty ở KCN Sóng Thần (Bình Dương). Nhà trọ xa chỗ làm nhưng gia đình quyết vẫn không chuyển để con cái được thuận tiện việc học.

Với ông bà, gia tài và niềm an ủi cho sự cực nhọc là thành tích học tập của con gái - Lữ Thị Xuân Thảo (13 tuổi) học sinh lớp 8 trường Phan Tây Hồ (Q.Gò Vấp) suốt nhiều năm liền là học sinh giỏi và xuất sắc. Con gái thứ hai còn nhỏ đang học lớp 3.

Để tiết kiệm cả gia đình sống trong ánh điện leo lắt của bóng đèn huỳnh quang 1,2m. Tranh thủ nhận thêm đồ sửa ban đêm, nên mấy mẹ con chia nhau cái đèn bàn, mẹ sửa đồ thì dùng, con tạm học không có điện.

Vật dụng trong nhà cũng đơn giản, phòng khách là nơi các con học bài. "Nhà chẳng mấy khi có khách, nếu có chạy sang nhà bà chủ nhà mượn đỡ cái bàn cái ghế" - bà Chinh cười kể thẹn thùng. Ngăn một bức màn vải là nơi để ngủ và cái bếp nhỏ bên dưới.

Tương lai gia đình là ở con cái

"Con muốn sau này được làm bác sĩ, đơn giản là vì để có thể chữa bệnh cho mẹ mà không phải tốn tiền, cũng kiếm được nhiều tiền nữa. Con không biết được bao nhiêu là nhiều nhưng con nghe mọi người nói vậy. Nhưng có lần con đến bệnh viện chữa bệnh thì con thích luôn bác sĩ, oai, làm việc tốt cứu người nữa…" - cô bé Xuân Thảo hồn nhiên nói về ước mơ của mình.

Trò chuyện thân thiết hơn, cô bé thủ thỉ, ở trường lớp con vẫn bình thường chỉ đôi khi thấy thương cho mẹ, vừa đau bệnh đủ thứ, nhiều lúc nhìn mẹ mỏi mệt lắm con cũng chẳng làm được gì, nhiều lần đóng học phí trễ con không thấy tủi thân chỉ thấy tội ba mẹ lại phải vất vả lo mình ăn học…

Có khi con nghĩ mình nghỉ học thì ba mẹ đỡ vất vả hơn. Nhưng lại suy nghĩ không biết mình sẽ làm được gì ở tuổi này, rồi sau này cũng phải lao động vất vả tối mặt tối mày như ba mẹ mà vẫn thiếu thốn đủ thứ, nhiều khi mấy ngày chẳng nhìn thấy ba vì ba làm ca đêm, giờ giấc thất thường.

Hồi trước mẹ còn chạy chợ, bán buôn cũng đâu có mấy khi mẹ con nói chuyện được với nhau, về đến nhà mẹ đã lăn ra ngủ vì mệt. Con chỉ có thể giúp được những công việc lặt vặt trong nhà, phụ mẹ làm đồ để bán…

Giờ mẹ nói làm giúp việc nhà thì tốt rồi, con không phải lo lắng mà nghỉ học, chỉ cần học cho giỏi, lo cho em, học giỏi tiếng Anh càng nhiều càng tốt sau này đi du học. Nhưng con chỉ thích học ở đây, làm bác sĩ, lo cho gia đình là quá tốt rồi.

"Làm lụng đã khó khăn còn bị người ta lừa, vừa mất tiền vừa mang nợ xã hội đen nên hoàn cảnh lại càng túng thiếu. Cũng nhờ trời thương nên được phước phần con cái" - bà Chinh nói.

Dù gia đình khó khăn là vậy, nhưng bà con hàng xóm xung quanh lại thương, bà chủ nhà thấy khó khăn quá bớt tiền thuê nhà từ 3,5 triệu xuống còn 3 triệu đồng/ tháng; cô giáo dạy tiếng Anh cho con học thêm nhưng đóng tiền chưa bằng một nửa các bạn.

"Không chỉ bà con hàng xóm quan tâm, khi được chị họ hướng dẫn xin học bổng cho con, tui không biết phải làm sao, cũng nhờ chị giúp, chính quyền hỗ trợ xét duyệt để xác nhận gia đình khó khăn. Thấy mình cũng được an ủi" - bà Chinh nói.

Cô giáo chủ nhiệm cũ lớp 7/12 của Thảo cũng cho biết, em là một học sinh không chỉ có học lực giỏi mà còn là một cán bộ lớp hoạt bát, năng động...

100 suất học bổng

Từ ngày 24-7 đến 20-10, báo Tuổi Trẻ sẽ giới thiệu 100 gương học sinh (từ tiểu học đến THPT) vượt khó vươn lên trong học tập trên tuoitre.vn. Mỗi tấm gương hiếu học nhận một suất học bổng "", trị giá 3 triệu đồng/suất.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức.

DIỆU NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp