Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Lương Thế Vinh học chơi bóng rổ trong tiết thể dục - Ảnh: Xuân Bình |
Chuông reo Tưởng các em sẽ tiếc nuối cuộc chơi đang dở dang, nhưng không, nhiều em reo lên đến giờ học thể dục rồi .
Từng tốp học sinh chạy ra sân bóng đá phía sau dãy phòng học, có tốp lại dừng chân ngay giữa sân trường với giáo viên dạy bóng rổ, rất nhiều học sinh nữ chạy ra giữa sân với thầy giáo dạy cầu lông...
Theo thầy Nguyễn Trí Sang - giáo viên dạy thể dục Trường tiểu học Lương Thế Vinh, đây là giờ học thể dục của học sinh khối 1, cứ ba lớp cùng khối học chung với nhau, em nào đăng ký môn học gì thì chạy ra địa điểm dạy môn học đó, giáo viên đứng chờ các em đến chứ không phải hò hét dẫn các em ra sân.
Trận đấu gay cấn
Tại sân bóng đá: sau màn khởi động cơ thể, hơn 40 nam sinh lớp 1 háo hức giơ tay để được thầy giáo gọi tên mình tham gia chơi trò “cua kẹp”. “Thầy cần hai bạn làm cua. Tất cả các bạn còn lại mỗi bạn hãy lấy chân đạp lên quả bóng đi. Các bạn có nhiệm vụ kiểm soát bóng trong chân, không để cho “cua” đá vào bóng, hiểu chưa nào?”. Cả nhóm học sinh “dạ”, ngay lập tức tiếng còi “tuýt” vang lên, trò chơi diễn ra đầy hào hứng cùng với những tiếng cười giòn giã của cả thầy và trò. Khi nhận thấy nhóm “cua kẹp” thở mạnh hơn, thầy giáo tuýt còi: “Ngưng chơi cua kẹp, các con đi uống nước đi”.
Tiếng còi lại vang lên: “Các bạn tập hợp lại thành ba hàng cho thầy” (lúc này một giáo viên khác phát cho học sinh mỗi hàng một màu áo: đỏ, cam, trắng). “Bây giờ hàng nào muốn đá (bóng) trước?”. “Dạ con”, “Dạ, con thầy”, “Con thầy ơi”, “Con thầy ơi”...
“Thầy chọn đội áo đỏ và đội áo cam ra sân đấu, đội áo trắng đứng không ngay hàng lại còn nói chuyện riêng nên lui về làm cổ động viên”. Trong khi đội cam, đỏ nhảy cẫng lên sung sướng thì các học sinh áo trắng ỉu xìu lủi thủi quay về chỗ ngồi. Thấy thế, thầy giáo trấn an: “Nếu các con ngoan thì sẽ được thi đấu trận tiếp theo”.
Sau hồi còi báo hiệu của thầy giáo, trận đấu bóng đá giữa đội áo đỏ và đội áo cam bắt đầu. Các cổ động viên áo trắng hò hét rất nhiệt tình: “Áo cam ơi, cố lên, cố lên”, “Tới luôn đi, tới luôn”, “A...vào...”. Thầy giáo gọi to: “Thủ môn ném bóng ra đi con, ném đi”. “Rồi! Đá đi Vinh, đá đi, giỏi! Sút vô, sút vô. Rồi, không được rồi”, “Nè nè không chơi tay nha. Áo cam sao giành nhau vậy con? Đá đi đâu vậy, sao con đá về phía đội mình?”. Mặc dù các “cầu thủ” mới 6 tuổi, mặc dù chỉ là tiết học nhưng các “cầu thủ” đã chơi nhiệt tình và trận đấu diễn ra gay cấn không kém gì các trận đấu bóng đá trên tivi.
Ở khu vực dạy bóng rổ, không khí cũng “nóng” không kém gì bên bóng đá mặc dù có rất nhiều nữ sinh tham gia. Nhẹ nhàng và ít hò hét nhất là khu vực dạy cầu lông vì chủ yếu là học sinh nữ.
"Học vui quá!"
Theo thầy Hà Thanh Hải, hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Thế Vinh: “Bắt nguồn từ mục tiêu đào tạo con người có sức khỏe và có tri thức, cách đây khoảng ba năm nhà trường đã cải tiến chương trình dạy thể dục: ngoài chương trình do Bộ GD-ĐT quy định thì học sinh được chọn một trong các bộ môn: bóng rổ, cầu lông, bóng đá và bơi. Mỗi tuần các em sẽ học hai tiết thể dục theo bộ môn mình đã chọn. Trường chúng tôi có hai giáo viên thể dục diện biên chế, nhà trường đã phải hợp đồng thêm 10 giáo viên chuyên sâu cho từng bộ môn để đáp ứng yêu cầu trên”.
Sau hai tiết thể dục, các “vận động viên” lớp 1 thở hổn hển chạy ra uống nước ừng ực, chúng tôi làm quen với các em: “Trời ơi, các bạn ra mồ hôi nhiều quá, ướt hết áo rồi". “Dạ, học vui quá chừng, ra mồ hôi cũng được mà cô” - Nguyễn Duy, học sinh lớp 1L, đáp. “Chắc là các bạn mệt lắm?”. Cả nhóm nhao nhao: “Dạ đâu có mệt cô. Khỏe lắm mà. Tụi con mong đến tiết thể dục để được học, được chơi” (mặc dù lúc đó có nhiều em vẫn còn thở hổn hển). Thậm chí, Phan Gia Lĩnh và Phạm Lê Hoàng Quân - lớp 1K, Hoàng Thiên Phú - lớp 1E, Đào Lê Khang - lớp 1L... còn ước: “Tụi con mong trường cho học thể dục nhiều hơn nữa chứ mỗi tuần hai tiết ít quá”.
Thế nhưng, nói như thầy Hà Thanh Hải thì: “Trường chúng tôi có thuận lợi lớn là được cha mẹ học sinh đồng lòng, hỗ trợ cho những sáng kiến của trường. Khi nhà trường thông báo về mong muốn học sinh học thể dục thì sẽ chơi được ít nhất một môn thể thao, phụ huynh nhất trí và đóng góp chi phí để làm sân bóng đá, trả lương cho giáo viên hợp đồng, mới đây còn làm thêm mái che cho sân trường để những ngày mưa học sinh cũng có thể học thể dục...”.
Học thể dục phải ra mồ hôi “Theo chương trình thể dục của Bộ GD-ĐT, học sinh lớp 1 sẽ học về đội hình đội ngũ (xếp hàng, đi thẳng hàng, đi đều…), một số trò chơi vận động đơn giản và bảy động tác thể dục rèn luyện tư thế cơ bản. Trước đây, khi nhà trường chưa đưa các môn thể thao chuyên sâu vào chương trình, đến tiết thể dục mà nhiều em học sinh uể oải, chán nản, toàn nói chuyện riêng. Ngay cả việc kêu học sinh thực hành, các em cũng lười không muốn làm. Có em làm theo lời thầy nhưng làm cho có chứ không hào hứng khiến giáo viên cứ phải nhắc nhở suốt. Tôi nghĩ rằng đã học thể dục thì học sinh phải khỏe, phải ra mồ hôi. Thế nhưng, khi lồng vào những môn thể thao chuyên sâu, các em rất thích. Thậm chí, đối với một số học sinh hiếu động, không siêng năng học văn hóa thì giáo viên thể dục sẽ ra điều kiện: “Con phải ngoan, học giỏi mới được ra sân”. |
Tập thể dục giữa giờ trên nền nhạc bài Trống cơm “Hiện nay TP.HCM chỉ có hai trường tiểu học xây dựng được sân bóng đá trong khuôn viên nhà trường là Trường tiểu học Lương Thế Vinh, quận 7 và Trường tiểu học Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú. Việc tổ chức cho học sinh học thêm các môn thể thao chuyên sâu (ngoài chương trình thể dục do Bộ GD-ĐT quy định) như Trường tiểu học Lương Thế Vinh là một nỗ lực lớn của nhà trường, rất đáng hoan nghênh. Sở GD-ĐT TP.HCM đã có chỉ đạo các trường tiểu học, tùy theo điều kiện và hoàn cảnh của từng trường, cần tăng cường các hoạt động giáo dục thể chất cho học sinh, có thể đưa vào giảng dạy trong giờ chính khóa của buổi học thứ hai như Trường Lương Thế Vinh hoặc dạy sau giờ học chính khóa dưới dạng câu lạc bộ như Trường tiểu học Tân Sơn Nhì. Ngoài ra, đến thời điểm này, 24 quận, huyện ở TP.HCM cũng đã có rất nhiều trường tiểu học tổ chức cho học sinh tập thể dục giữa giờ trên nền nhạc của bài dân ca Trống cơm. Một số trường còn lồng ghép các điệu múa dân gian, múa dân vũ vào tiết thể dục giữa giờ tạo sự hứng thú cho học sinh”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận