Thân nhân các liệt sĩ thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM ngày 27-7 - Ảnh: NGỌC HIỂN |
“Đã là đồng đội thì suốt đời là đồng đội nên dù đã nằm xuống hay vẫn còn sống mình vẫn quý nhau, vẫn thương và tìm đến nhau. Tình cảm chiến sĩ trong quân ngũ thì trước sau cũng như một thôi |
Cựu binh Nguyễn Văn Liêm |
Với những người vợ, người mẹ cũng vậy. Trong nỗi nhớ thương về chồng, về con, vẫn nguyên vẹn hình ảnh chồng, con trong màu áo lính oai hùng.
Mái tóc bạc bên những mộ phần
Chuyến xe chở thân nhân các liệt sĩ Q.12 vừa dừng bánh trước nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM, bà Đinh Thị Nam (83 tuổi) vịn tay vào hai người cháu trai, thấp thỏm hướng thẳng bước chân vào khu mộ các liệt sĩ huyện Hóc Môn, nơi có tên Nguyễn Minh Cảnh.
Mấy người cháu trai đi cùng lặng lẽ đặt hương hoa rồi thắp những nén nhang đưa cho bà cắm lên phần mộ người con trai đã hi sinh khi mới tuổi 20.
“Thương dữ lắm, con đi gần 40 năm rồi mà cứ nhớ như in khuôn mặt, giọng nói của con, đêm về cũng nằm mơ như con vẫn còn đó” - bà Nam sụt sùi. Liệt sĩ Cảnh hi sinh năm 1978 trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam khi nhập ngũ tròn hai năm.
“Chiến tranh mà, người ta sao mình nấy thôi. Giờ cứ năm hai lần lên đây thắp hương cho con, đến chừng nào không đi được nữa thì thôi, để con lại trong quân ngũ thôi” - bà Nam chia sẻ.
Bên cạnh bà, nhóm cựu thanh niên xung phong (TNXP) Q.Tân Phú cất lên ca khúc Màu hoa đỏ với những ca từ xúc động: “Việt Nam ơi, Việt Nam, núi cao như tình mẹ, bốn mùa tóc bạc nỗi thương con...”.
Cách không xa khu mộ của các liệt sĩ huyện Hóc Môn, má Đào Thị Nhiều (78 tuổi) ngồi tựa lưng bên ghế đá nhìn vào mộ phần chồng của mình - liệt sĩ Trần Văn Ba, hi sinh năm 1969 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Cứ đến ngày 27-7, má cùng hai người con gái lặn lội từ Tây Ninh xuống đây. Trong cảnh chiến tranh loạn lạc, người chồng thứ nhất của má tham gia kháng chiến rồi hi sinh năm 1960, đến năm 1969 người chồng thứ hai của má cũng hi sinh khi vừa chui lên khỏi hầm trú ẩn.
“Cả hai lần trong cuộc đời má đều ngất lịm khi hay tin chồng tử trận, rồi cả hai lần má đi gom xác chồng, khóc không biết bao nhiêu nước mắt. Nhưng thôi cả hai người chồng của má cũng vì đất nước mà” - má Nhiều tâm sự.
Cứ nhắm mắt là thấy màu áo xanh
Quá trưa 27-7, các cựu binh, đồng đội của các liệt sĩ vẫn còn ngồi lại giữa nghĩa trang cất lên những tiếng hát hào hùng gợi nhớ những tháng ngày ở chiến trận. Sau khi cất vang bài hát Màu hoa đỏ, bà Hồ Ngọc Cẩm cùng các đồng đội của mình lặng lẽ đến từng phần mộ đặt lên đó những đóa hoa hồng màu vàng.
Năm nào cũng hai lần, bà đến nghĩa trang liệt sĩ TP và đền tưởng niệm liệt sĩ TNXP ở Tây Ninh để thắp nhang cho đồng đội. Bà Cẩm tham gia lực lượng TNXP năm 1976 ở liên đội Dũng Trí, sau đó di chuyển lên Tây Ninh làm y tá trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam.
Trở về sau những ngày tháng khốc liệt của bom đạn chiến tranh, những năm sau đó bà đều đặn đến các nghĩa trang, mang theo rượu, hoa hồng để đặt lên các mộ phần, gửi những lời tri ân để đồng đội của bà cảm thấy ấm lòng.
“Dù các đồng đội chúng tôi đã hi sinh nhưng với chúng tôi họ là bất tử, là niềm tự hào của lực lượng TNXP. Chúng tôi vừa giữ niềm tự hào của TNXP, tri ân những người đã khuất và nhắc nhở thế hệ TNXP sau phải biết giữ gìn truyền thống đó” - bà Cẩm nói.
Với cựu binh Nguyễn Văn Liêm (quê Bắc Giang), đồng đội là hình ảnh đã nằm trong tâm trí nên không chỉ đến ngày 27-7 mà những khi nỗi nhớ đồng đội, ông lại tìm về các nghĩa trang, nơi đồng đội ông đã vĩnh viễn nằm lại.
Trưa 27-7, người cựu binh này ngồi bên phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Đăng Cân trò chuyện, gợi nhắc lại những ngày tháng chiến đấu tại Campuchia với người đồng đội đã khuất. Liệt sĩ Cân nguyên là đại đội trưởng đại đội trinh sát E7, Quân đoàn 3, nơi cựu binh Liêm từng phục vụ.
“Tình cảm đồng đội thiêng liêng lắm, nhắm mắt lại là cứ thấy màu áo xanh bộ đội, nghe tiếng cười nói của từng người, từng bữa ăn giữa chiến trường” - cựu binh Liêm chia sẻ.
Khi vừa rời chiến trường biên giới Tây Nam, cựu binh Liêm lại trở ra Bắc chiến đấu, bảo vệ biên giới phía Bắc. Nhiều đồng đội của ông đã nằm lại chiến trường và được quy tập về nhiều nghĩa trang trong cả nước.
Riêng tại nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM có đến 15 liệt sĩ của đại đội trinh sát E7, đều là những đồng đội thân thiết với cựu binh Liêm. Những năm trở lại đây, ngoài việc đến thăm các liệt sĩ, cựu binh Liêm còn lặn lội ra tận Cao Bằng, Phú Thọ, Thái Nguyên... tìm lại những đồng đội còn sống.
Cựu binh Liêm đã tìm được người con gái của liệt sĩ Nguyễn Đăng Cân, nay đang sống tại Bình Dương để liên lạc, kể lại cho cô nghe những ngày tháng chiến đấu của cha mình.
“Gặp lại đồng đội ai cũng quý, mừng nhưng nhiều khi cũng buồn, cũng thương bởi nhiều người khó khăn quá. Đã là đồng đội thì suốt đời là đồng đội nên dù đã nằm xuống hay vẫn còn sống mình vẫn quý nhau, vẫn thương và tìm đến nhau. Tình cảm chiến sĩ trong quân ngũ thì trước sau như một thôi” - ông Liêm nói.
“Ông ơi về ăn bánh...” Ngoài ốp nhang to, bà Dương Thị Hồng (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) mang đến nghĩa trang liệt sĩ tỉnh những chiếc bánh do chính tay bà làm. “Hồi ổng còn sống thích ăn bánh do tui làm”. Ở mỗi hàng bia mộ vô danh bà xếp những chiếc bánh ngay ngắn, thắp nhang cho từng phần mộ rồi khấn: “Ông ơi về ăn bánh, bánh ông thích ăn nhất”. Lúc chồng hi sinh bà Hồng không được gặp mặt lần cuối và đến nay bà cũng chẳng biết ông đã nằm ở đâu trong số những liệt sĩ vô danh được cải táng ở nghĩa trang này. “Mỗi lần nhớ ổng tui thắp nhang cho hết khu này, biết đâu...” - bà Hồng bỏ lửng câu nói. Ở hàng bia mộ đối diện, bà Lê Thị Chấm (quê ở Hưng Yên) lần mò xem quê quán và năm hi sinh ở từng bia mộ với hi vọng tìm được phần mộ của anh trai và người cháu ruột. Nhiều năm qua, trên suốt hành trình tìm kiếm bà Chấm còn mang theo cả di nguyện của hai người mẹ. “Mẹ tôi và em gái tôi lúc mất đều chẳng yên lòng vì chưa tìm được nấm mộ của con, của cháu” - bà Chấm rơm rớm nước mắt. Hôm qua dù chưa tìm được phần mộ người thân nhưng bà Chấm lại tìm được phần mộ của một người bạn cũ. “Đây, phần mộ của bạn tôi quê quán ghi rất rõ là ở Bãi Sậy, Hưng Yên. Tôi phải báo ngay cho người ở quê, chắc họ mừng lắm” - bà Chấm chia sẻ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận