09/09/2003 09:37 GMT+7

Con mắc nợ, mẹ bị kê biên nhà

CHI MAI
CHI MAI

TT(TP.HCM) - Theo qui định, khi án có hiệu lực, người phải thi hành án (THA) nếu có tài sản mà không chịu tự nguyện thi hành thì sẽ bị cơ quan THA cưỡng chế, kê biên tài sản buộc phải THA. Thế nhưng có nhiều trường hợp hết sức vô lý là đương sự chẳng liên quan gì trong vụ án bỗng nhiên lại bị kê biên tài sản...

fZt2WUD2.jpgPhóng to
Căn nhà 44/91A Lương Ngọc Quyến của bà Nguyễn Thị Lang đã bị cơ quan thi hành án kê biên.
TT(TP.HCM) - Theo qui định, khi án có hiệu lực, người phải thi hành án (THA) nếu có tài sản mà không chịu tự nguyện thi hành thì sẽ bị cơ quan THA cưỡng chế, kê biên tài sản buộc phải THA. Thế nhưng có nhiều trường hợp hết sức vô lý là đương sự chẳng liên quan gì trong vụ án bỗng nhiên lại bị kê biên tài sản...

Không tranh chấp vẫn phải khởi kiện ra tòa?

Điều tưởng như đùa này lại là sự thật. Đó chính là nỗi bức xúc của gia đình chị Kiên Thị Hoa, ngụ 44/91A Lương Ngọc Quyến, phường 5, quận Gò Vấp, TP.HCM. Căn nhà trên do mẹ của chị Hoa là bà Nguyễn Thị Lang mua từ năm 1999, có giấy tờ mua bán đầy đủ (có chứng nhận quyền sở hữu của chủ nhà cũ mang tên Thái Thị Hiền, giấy bán nhà từ bà Hiền sang cho bà Lang).

Bà Lang cho chị Hoa và một số người con khác của bà đến ở trong căn nhà này. Vì cần tiền làm ăn, chị Hoa đã tự ý lấy giấy tờ căn nhà trên của bà Lang đưa cho ông Nguyễn Ngọc Tiến (ở Vũng Tàu) làm tin để vay bốn lượng vàng SJC và 3,4 triệu đồng.

- Căn cứ để đội THA quận Gò Vấp kê biên tài sản của bà Lang chính là dựa vào qui định tại điều 29 của pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự (qui định về trường hợp người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến tài sản phải THA có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình).

Về qui định tại điều khoản này, thẩm phán Nguyễn Hoàng Đạt cho biết: “Hiện có sự nhầm lẫn của cơ quan THA về cách hiểu của điều 29 pháp lệnh THA dân sự.

Điều khoản này chỉ để giải quyết các trường hợp kê biên tài sản mà có sự tranh chấp của người khác đối với tài sản của người bị THA; có nghĩa là tài sản phải THA thuộc về sở hữu của người phải THA, nhưng khi cơ quan THA kê biên thì phát hiện tranh chấp với người là đồng sở hữu của tài sản đó.

Đối với trường hợp cơ quan THA không có căn cứ để xác định tài sản có phải thuộc sở hữu của người phải THA hay không, như trường hợp nhà không có giấy tờ sở hữu rõ ràng hoặc giấy tờ đứng tên người khác thì không được quyền kê biên tài sản đó”.

- Điều 29 pháp lệnh THA dân sự qui định: khi kê biên tài sản, chấp hành viên kê biên tài sản thuộc sở hữu riêng của người phải THA trước, sau đó kê biên phần tài sản thuộc sở hữu chung của người phải THA với người khác.

Nếu có tranh chấp về tài sản giữa người phải THA với người khác thì cơ quan THA vẫn tiến hành kê biên; người được THA, người phải THA, người có quyền, lợi ích liên quan đến tài sản tranh chấp có quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng.

Tháng 6-2002, Tòa án quận Gò Vấp xét xử buộc chị Hoa phải trả cho ông Tiến khoản nợ nói trên, ông Tiến giao lại cho chị Hoa giấy tờ mà ông đã giữ. Khi ông Tiến có đơn THA, tháng 5-2003, đội THA quận Gò Vấp đã ra quyết định cưỡng chế THA đối với chị Hoa, kê biên căn nhà 44/91A Lương Ngọc Quyến mà chị Hoa cùng các chị em khác đang ở.

Khi chị Hoa và bà Lang khiếu nại vì căn nhà bị kê biên là tài sản của bà Lang, chị Hoa chỉ là người ở nhờ khi gặp khó khăn thì cơ quan THA giải thích: nếu bà Lang có tranh chấp căn nhà với chị Hoa thì phải khởi kiện ra tòa án để giải quyết. Quá thời hạn ba tháng mà bà Lang không khởi kiện thì cơ quan THA sẽ tiến hành định giá, phát mãi tài sản theo qui định (?!).

Dù bà Lang có đưa bao nhiêu giấy tờ mua bán chứng minh căn nhà của mình, khiếu nại nhiều lần nhưng vẫn không được cơ quan THA xem xét. Quá bức xúc trước nguy cơ bị phát mãi nhà, bà Lang và chị Hoa đành đưa nhau ra tòa để “khởi kiện vụ án tranh chấp” theo yêu cầu của đội THA.

Tuy nhiên, khi xem xét yêu cầu của hai bên, Tòa án nhân dân quận Gò Vấp đã từ chối thụ lý vụ án vì cho rằng giữa bà Lang và chị Hoa không có tranh chấp gì (chị Hoa và bà Lang đều thừa nhận căn nhà là của bà Lang, chị Hoa chỉ là người ở nhờ) nên tòa không thể giải quyết. Đến nay, thời hạn ba tháng để khởi kiện đã hết trong khi tòa án vẫn không thụ lý giải quyết tranh chấp căn nhà theo yêu cầu của cơ quan THA, nguy cơ mất nhà của bà Lang đến gần vì cơ quan THA đang tiến hành làm thủ tục định giá, phát mãi căn nhà đã kê biên.

Kê biên tài sản không thuộc sở hữu của người bị THA là sai!

Trao đổi với chúng tôi về trường hợp kê biên căn nhà 44/91A Lương Ngọc Quyến của đội THA quận Gò Vấp, luật sư Lê Đình Phạt (Đoàn Luật sư TP.HCM) đã khẳng định: “Việc kê biên này hoàn toàn không có cơ sở!”.

Theo luật sư Phạt, cơ quan THA chỉ được cưỡng chế, kê biên tài sản thuộc THA thì phải có chứng cứ để chứng minh, chứ không thể kê biên tài sản của người khác rồi buộc người chủ sở hữu tài sản phải đi kiện để tranh chấp tài sản với người phải THA.

Theo thẩm phán Nguyễn Hoàng Đạt, phó chánh tòa dân sự Tòa án nhân dân TP.HCM: “Tòa án quận Gò Vấp không thụ lý giải quyết vụ án là đúng. Bởi vì trong trường hợp này, căn cứ theo pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, giữa các bên đương sự không có sự tranh chấp với nhau nên không có lý do gì để thụ lý thành vụ kiện theo yêu cầu của cơ quan THA”.

Kiện ra tòa cũng không xong!

Ngoài căn nhà 44/91A Lương Ngọc Quyến trên đây, theo tìm hiểu chúng tôi được biết còn có nhiều vụ kê biên tương tự của cơ quan THA đã gây rất nhiều bức xúc cho đương sự và những người liên quan đến tài sản THA. Chủ sở hữu hợp pháp của tài sản bị kê biên bỗng dưng bị kéo vào vụ án, bị buộc phải đi kiện tranh chấp tài sản của chính mình, tốn nhiều thời gian, công sức mà vẫn chưa được giải quyết.

Cụ thể, tương tự như trường hợp của chị Hoa và bà Lang, anh Lâm Tấn Thành cũng buộc phải kiện ra Tòa án nhân dân quận 9 để tranh chấp căn nhà với mẹ mình là bà Nguyễn Thị Thu Nga (bà Nga là người phải THA trong một vụ án dân sự). Vụ kiện này tuy đã được Tòa án nhân dân quận 9 thụ lý từ ba năm trước nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra xét xử.

Thậm chí mới đây Tòa án nhân dân quận 9 còn cho mời đương sự lên... để trả lại đơn kiện vì không biết phán xử ra sao. Anh Thành không nhận lại đơn vì nếu nhận lại, căn nhà của anh sẽ bị cơ quan THA phát mãi để thi hành cho nghĩa vụ của mẹ anh! Anh Thành và bà Nga nhiều lần yêu cầu tòa án phải giải quyết, xác nhận căn nhà là tài sản của anh (có rất nhiều loại giấy tờ chứng minh căn nhà trên của anh xây dựng, bà Nga, mẹ anh, cũng thừa nhận điều này) nhưng vụ án vẫn rơi vào im lặng, các đương sự lại tiếp tục chờ...

CHI MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp