Nguyễn Minh Hùng và các bị cáo trong vụ án - Ảnh: HỮU KHOA
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đã có quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM theo hướng hủy toàn bộ bản án để điều tra lại.
Trong quyết định, Viện KSND cấp cao đã phân tích về tội danh, kết luận giám định của Bộ Y tế, vấn đề xử lý vật chứng và trách nhiệm của Cục Quản lý dược. VKS cũng cho rằng bản án sơ thẩm có dấu hiệu để lọt người, lọt tội.
Có dấu hiệu bỏ lọt người, lọt tội
Theo quyết định kháng nghị của Viện KSND cấp cao, trong vụ án này, Nguyễn Minh Hùng - nugyên tổng giám đốc VN Pharma, và Võ Mạnh Cường cùng bàn bạc từ việc xây dựng hồ sơ đến việc nhập và tiêu thụ lô thuốc H-Capita 500mg Caplet có nhãn mác do Công ty Helix Canada sản xuất.
Để có đầy đủ thủ tục nhập khẩu thì Cường cung cấp một loạt giấy tờ chứng nhận giả sản xuất lô thuốc của Canada. Sau đó Nguyễn Minh Hùng đã chỉ đạo cấp dưới làm giả một loạt giấy tờ của phía Việt Nam.
Như vậy, các bị cáo biết rõ làm và sử dụng các giấy tờ giả, con dấu giả để nộp cho Cục Quản lý dược để được cấp giấy phép nhập khẩu.
Hành vi làm và sử dụng tài liệu, giấy tờ và con dấu giả đã có dấu hiệu của tội "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" theo điều 267 Bộ luật hình sự.
Cấp sơ thẩm không điều tra, xét xử Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường, Nguyễn Trí Nhật, Phan Cẩm Loan, Ngô Anh Quốc và Lê Thị Vũ Phương về tội này là bỏ lọt tội phạm.
Đối với Bùi Ngọc Duy, Phạm Anh Kiệt và Phạm Văn Thông, cấp sơ thẩm xét xử tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức cũng là bỏ lọt tội phạm.
Theo VKS, toàn bộ hồ sơ nhập khẩu giả và làm giả hồ sơ kỹ thuật của VN Pharma cũng như mục đích phạm tội của bị cáo Hùng và bị cáo Cường thì 3 bị cáo này đều biết rõ Duy làm giả chữ ký của giám đốc và nhân viên công ty Helix Canada để nộp cho Cục Quản lý dược.
Kiệt không phải là người của công ty Helix Hong Kong nhưng Kiệt vẫn sử dụng con dấu của công ty và con dấu chữ ký khống cung cấp cho Nguyễn Minh Hùng. Đến cuối năm 2013 Kiệt chuyển luôn những con dấu này cho Hùng quản lý.
Còn Vũ Phương là người nhiều lần chuyển tiền ra nước ngoài và ký chuyển tiền thanh toán chi hoa hồng cho các bác sĩ, nghĩa là tham gia từ giai đoạn đầu đến giai đoạn cuối.
Như vậy, cả 3 bị cáo này có vai trò đồng phạm với Hùng và Cường. Cấp sơ thẩm đã chỉ xét xử 3 bị cáo này một tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Nguyên TGĐ VN Pharma Nguyễn Minh Hùng bị tuyên 12 năm tù về tội buôn lậu. Các bị cáo còn lại có mức án từ 12 tháng đến 2 năm tù cho hưởng án treo - Ảnh: HỮU KHOA
Phải giám định lại
Ngoài ra, kháng nghị còn nêu đến các nội dung khác như vấn đề tội danh.
Theo hồ sơ, các bị cáo đã sử dụng hàng loạt con dấu, giấy tờ giả, làm giả giấy tờ hợp pháp hóa lãnh sự và giả chữ ký của tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Canada; làm giả hồ sơ kỹ thuật thuốc và tiêu chuẩn, phương pháp kiểm nghiệm thuốc; tự viết bản hướng dẫn sử dụng thuốc đưa vào hồ sơ và từng hộp thuốc….
Đồng thời, công văn của Bộ Ngoại giao xác định Công ty Helix có địa chỉ tại Canada là không có thật.
Đồng thời, về mặt ý thức của các bị cáo từ khi nhận thỏa thuận mua bán, làm đơn đặt hàng, thiết lập hồ sơ xin phép nhập khẩu lô thuốc, chuẩn bị bán hàng thông qua đấu thầu, chi trước tiền hoa hồng cho bác sĩ... đến khi làm thủ tục thông quan là để bán hàng giả nhằm thu lợi bất chính bất chấp hậu quả xảy ra.
Do vậy, hành vi này của các bị cáo là phải xem xét toàn diện trong mối quan hệ với các chứng cứ khác, đặc biệt là kết luận giám định lại để đảm bảo xác định đúng bản chất vụ án và tội danh, trên cơ sở đó mới xác định đúng đường lối xử lý vụ án đúng pháp luật.
Mặt khác, liên quan đến kết luận giám định, kháng nghị cho rằng kết quả giám định của Bộ Y tế có mâu thuẫn và không phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế khách quan của vụ án.
Giám định cho rằng thuốc này: "Không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người" trong khi các bị cáo nhập về với mục đích chữa bệnh ung thư cho người, nhưng cũng chính kết luận này cho rằng đây là thuốc kém chất lượng, mà không kết luận là thuốc giả.
Bởi vậy phải trưng cầu giám định lại với thành phần hội đồng giám định khác, bởi kết luận giám định là một trong những quyết định quan trọng làm cơ sở cho việc xác định tội danh các bị cáo.
Cạnh đó, quyết định kháng nghị cũng cho rằng cần phải điều tra, làm rõ vai trò trách nhiệm của Cục Quản lý dược trong vụ án này.
Cụ thể, cấp sơ thẩm đã chưa làm rõ trách nhiệm cấp phép nhập khẩu lô thuốc trên và 3 lô thuốc khác đã nhập khẩu vào Việt Nam của Cục Quản lý dược - Bộ Y tế.
Chính việc làm tắc trách của Cục Quản lý dược đã tạo điều kiện thuận lợi cho các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. Bởi vậy cần phải làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm của tổ thẩm định và lãnh đạo Cục Quản lý dược để xử lý theo pháp luật.
Theo hồ sơ, Nguyễn Minh Hùng, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma, đã thông qua môi giới là Võ Mạnh Cường (giám đốc Công ty TNHH thương mại và hàng hải quốc tế H&C) đặt mua thuốc Capita 500mg Caplet để chữa bệnh ung thư.
Theo thỏa thuận, 2 bên sẽ làm thủ tục nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet, thành tiền tương đương 5,3 tỉ đồng.
Để thực hiện được việc mang lô thuốc vào Việt Nam, Cường đã liên hệ với Raymondo (không xác định được nhân thân và lai lịch) cung cấp lô hàng với giá 18 đôla/hộp kèm các giấy tờ liên quan (sau này được xác định là giấy tờ giả).
Hùng chỉ đạo người thuê dược sĩ Phạm Văn Thông viết hồ sơ kỹ thuật thuốc rồi làm giả hợp đồng mua bán và làm giả hợp đồng thanh toán chuyển tiền lòng vòng rồi chuyển về Việt Nam cho các bị cáo rút ra.
Bản án sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường 12 năm tù về tội buôn lậu; 7 bị cáo khác từ 2 năm (án treo) đến 5 năm tù về tội buôn lậu và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận