Lực lượng chức năng phong tỏa lối vào nhà ba nạn nhân ở Q.Bình Tân, TP.HCM. Trong vụ việc này Trương Tín đã sát hại ba người thân trong gia đình gồm bà ngoại, mẹ và dì - Ảnh: NGỌC KHẢI
Khi người cha ấy chạy về đến nhà, ông thét lên và khuỵu xuống vì vợ, mẹ vợ, em vợ của ông đã bị chính đứa con nghiện ngập của mình sát hại.
Thảm cảnh được báo trước
Người cha ấy là ông T.V.H. (62 tuổi). Nhà ông H. nằm trong một con hẻm nhỏ ở Q.Bình Tân (TP.HCM).
Hơn một tuần trước khi chúng tôi ghé thăm, nằm giữa ngôi nhà này là ba cỗ quan tài của ba người ruột thịt ông H. xếp hàng ngang. Căn nhà nay đã ấm hơn vì có nhiều người thân của gia đình ông H. từ xa về nhưng chẳng ai giấu được nỗi buồn trên gương mặt.
"Cứ chiều đến là buồn đứt ruột. Giờ tôi khóc không ra nước mắt nữa. Nhớ mẹ, thương em tôi..." - bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, chị vợ của ông H., đau xót khi nhắc chuyện mới xảy ra. Bà đã mất mẹ và hai người em gái chỉ trong một đêm bởi chính đứa cháu trai lên cơn "ngáo đá".
"Nguyên nhân chỉ là vì chiếc xe máy. Trước đó một tháng, nó bắt đầu vặn vẹo mẹ nó để mua cho bằng được một chiếc xe máy. Mẹ nó chỉ làm thuê, nghèo. Cái đêm xảy ra chuyện cũng là hai mẹ con cãi nhau về chuyện mua xe máy" - bà Vân mở đầu câu chuyện.
Em gái bà có ba người con trai thì hai người con trước đều đã lập gia đình và chí thú làm ăn, chỉ có Trương Tín - 29 tuổi, đứa con út nghiện ngập. "Hồi trước nó nghiện (PV - nghiện heroin) thì cũng không quá như bây giờ. Giờ thì quá trời quá đất.
Trước đó gia đình tôi đã gọi công an để đưa nó đi cai rồi nhưng lúc công an ngồi lập hồ sơ, nó tự đâm cây bút vào ngang đầu, máu chảy lênh láng phải vào viện, công an chưa đưa đi được. Giờ thì xảy ra sự việc như vầy..., đau lòng quá!" - bà Vân nói trong nước mắt và gửi lời khuyên: "Tôi chỉ mong những thanh niên trẻ khi đọc được câu chuyện này thì suy nghĩ về việc dùng ma túy hay cần sớm đi cai nghiện để tránh hậu họa cho gia đình và xã hội".
Sống trong sợ hãi
Cũng rơi vào thảm cảnh giống như gia đình ông H., đến giờ những người thân của Nguyễn Hoàng Nam (26 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) vẫn không thể hiểu nổi tại sao Nam có thể ra tay sát hại cả cha lẫn mẹ và bà nội.
Lực lượng chức năng kiểm đếm số ma túy đá thu được ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An - Ảnh: TÂN BẢO
Người thân của Nam kể: từ nhỏ Nam đã theo bạn bè ăn chơi, sau đó vướng vào vòng lao lý nhiều năm về tội cướp tài sản. Mãn hạn tù, Nam về nhà mẹ ở xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn), làm công việc chiên gà bán, thỉnh thoảng về xã Xuân Thới Thượng thăm bà nội đã 82 tuổi và người cha 50 tuổi.
Sau đó Nam lấy vợ nhưng không được bao lâu thì chia tay và quen người khác. "Nam có lúc bán gà chiên sả để kiếm tiền sinh sống. Tưởng rằng Nam đã tu chí làm ăn, nào có ngờ lại dính vào ma túy rồi ra tay tàn bạo với ba người thân trong nhà" - một người thân của Nam bàng hoàng kể lại.
Bà Nguyễn Thị Lạc (61 tuổi), bác ruột của Nam, cho biết mẹ bà có ba người con, ông Đức - cha của Nam - là con trai út. Ông Đức và vợ có hai người con và Nam cũng là út. "Giờ mẹ và em tôi đều không còn, nhà tôi chỉ còn lại hai chị em gái. Mẹ tôi hiền lắm, thấy xung quanh lối xóm ai bị tai nạn, chân cẳng bị té, trật tới bà già chữa là hết, làm phước chứ không ăn tiền ăn bạc gì. Vậy mà bà đã bị chính đứa cháu ruột mình chém chết..." - bà Lạc lau nước mắt, nói.
Trước thông tin về những vụ "ngáo đá" sát hại người thân liên tiếp xảy ra gần đây, gia đình ông P. (ngụ Q.Bình Tân) cũng đang ngày ngày sống trong sợ hãi.
Nhiều năm nay, gia đình ông đã không ít lần phải khổ sở với người em họ là Đ. (28 tuổi) nghiện ma túy đá. Tuy ông P. và người em họ không sống chung nhà, nhưng cứ mỗi khi thấy Đ. xuất hiện là ông P. cùng những người trong nhà đều cảm thấy bất an, luôn trong tâm thế cảnh giác vì sợ em họ có thể manh động.
Ông P. kể: em họ ông học hết cấp II thì nghỉ học, sau đó theo bạn bè rủ rê rồi nghiện lúc nào không hay. "Em họ tôi hay tụ tập dùng heroin và cả ma túy đá với bạn bè, cũng có khi chơi một mình. Sau nhiều năm gia đình mới phát hiện, tá hỏa đưa đi cai nghiện nhiều lần nhưng em tôi vẫn tái nghiện" - ông P. nói.
Để có tiền thỏa mãn cơn nghiện, Đ. viện đủ cớ để xin tiền gia đình và những người thân. Thậm chí Đ. đã trộm xe máy, đồ đạc của những người thân mang đi bán. "Em tôi bây giờ thoắt ẩn thoắt hiện không rõ sống ở đâu, với ai. Lâu lâu nó rảo xe máy đến trước nhà tôi, mắt trừng trừng nhìn tôi rồi xin tiền. Sợ, tôi phải đưa tiền dù biết nó sử dụng để mua ma túy. Giờ tôi chỉ mong sao Đ. cai nghiện được và tu chí làm ăn, gia đình tôi mới không nơm nớp lo sợ" - ông P. lo lắng nói.
Chưa có phác đồ điều trị hiệu quả
Thượng tá Ngô Văn Hải - phó trưởng phòng 3 - Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - mới đây phát biểu: Điều nguy hiểm nhất là nhiều người nhận thức sai lầm rằng sử dụng ma túy tổng hợp là không gây nghiện, cứ dùng. Trong khi hiện nay chưa có phác đồ điều trị hiệu quả người nghiện ma túy tổng hợp...
Về vấn đề này, đại tá Trần Quốc Việt - phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175 - cũng chia sẻ thêm: Bộ Y tế đã quan tâm chỉ đạo để xây dựng phác đồ điều trị nghiện ma túy tổng hợp. Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở y tế mới điều trị, xử lý các biểu hiện rối loạn cảm xúc, thần kinh, trầm cảm, ngộ độc cấp ma túy... còn phác đồ cai nghiện như thế nào hiệu quả thì vẫn chưa có.
Ẩn họa từ "con nghiện trôi nổi"
Nhận định về số con nghiện "lọt sổ", tại buổi lễ khen thưởng thành tích phá chuyên án ma túy 218LP và bắt giữ 895 bánh heroin của Công an TP.HCM tổ chức chiều 29-3, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhận định: người nghiện ma túy tại TP.HCM cao nhất cả nước.
Tính đến cuối năm 2018 TP có hơn 23.500 người nghiện, chiếm hơn 10% toàn quốc, tạo ra nhu cầu sử dụng ma túy rất lớn. Tuy nhiên, theo bộ trưởng, con số trên chỉ là số có hồ sơ quản lý, còn "con số thực tế theo lực lượng nắm được phải gấp 10 lần con số ấy".
Ma túy đá bị bắt giữ - Ảnh: TTO
Nhìn ở góc độ khác, một lãnh đạo Công an TP.HCM cho hay: vướng mắc lớn nhất hiện nay có căn nguyên xuất phát từ quan điểm xem người nghiện là người bệnh, xã hội cần phải giúp đỡ, tạo điều kiện... đã dẫn đến nhiều khó khăn trong xác định biện pháp để đấu tranh.
Trong khi việc sử dụng ma túy (nhất là ma túy tổng hợp) hiện nay lại đơn giản. Người nghiện dần trở thành gánh nặng cho xã hội (chứ không chỉ riêng cho gia đình) và khó để ngăn ngừa có hiệu quả đối với những nguy hiểm đe dọa an toàn đối với cộng đồng từ người nghiện. Do đó cần thay đổi quan điểm để quản lý người nghiện được tốt hơn.
THÁI AN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận