Phố cổ chỉ còn vài ngôi nhà mang kiến trúc cổ nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà mới được xây dựng lại - Ảnh: N.LINH
Việc sửa, xây mới nhà ở Bao Vinh mặc dù UBND xã không cấp phép nhưng cũng không cấm người dân thực hiện. Sửa theo quy hoạch thì người dân không có tiền, mà cứ để họ ở trong căn nhà xuống cấp như vậy thì lại nguy hiểm.
Ông Trần Quốc Thắng (chủ tịch UBND xã Hương Vinh)
Giữ, bỏ hay sửa đổi quy hoạch bảo tồn phố cổ Bao Vinh là câu hỏi mà chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế đang loay hoay tìm câu trả lời.
Sống khổ trong khu phố cổ
Phố cổ Bao Vinh gắn liền với khu cảng Thanh Hà, cách kinh thành Huế không xa về phía đông. Đây là khu cảng sầm uất của xứ Đàng Trong vào thế kỷ thứ 18 và cũng là thương cảng của kinh thành Phú Xuân vào giai đoạn đầu của triều đại nhà Nguyễn.
Ngày nay khi về với phố cổ Bao Vinh, người ta chỉ còn cảm thấy tiếc nuối khi khu phố thị sầm uất một thời đã không còn mang dáng dấp của một khu phố cổ như tên gọi.
Thay vào đó là hai dãy phố với những ngôi nhà mới xây theo kiến trúc hiện đại, nằm san sát nhau, cùng với hệ thống dây điện dọc ngang chằng chịt trên con đường dẫn vào khu phố cổ.
Có chăng còn lại ở đây là hơn 10 căn nhà rường được đánh giá còn mang nét kiến trúc cổ của phố cổ Bao Vinh xưa. Trong số đó có căn nhà gỗ 2 tầng của ông Phan Tâm (80 tuổi) được đánh giá "độc nhất vô nhị" ở khu này đã xuống cấp trầm trọng.
"Ở đây có tiền cũng không sửa nhà hay xây mới được mô. Muốn sửa thì phải được ủy ban xã cho phép và sửa theo quy hoạch nhà cổ chi đó. Như rứa thì nhiều tiền lắm, mà dân nghèo như tui làm chi có tiền" - ông Tâm thở dài.
Quy hoạch mà ông Tâm nói đó là quy hoạch xây dựng bảo tồn và phát huy đô thị cổ Bao Vinh được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt vào năm 2003. Theo quy hoạch này, khu vực quy hoạch phố cổ có tổng diện tích 8ha.
Quy hoạch này yêu cầu các công trình như nhà ở, hàng quán... nằm trong diện tích trên khi muốn cải tạo hay xây mới thì phải có giấy phép tháo dỡ của cơ quan có thẩm quyền và phải phù hợp với kiến trúc, quy hoạch phố cổ. Điều này khiến nhiều hộ dân ở đây rơi vào tình cảnh khó khăn như ông Tâm.
Lý giải cho việc không được cấp phép sửa nhà, ông Phan Gia Đắc - chủ nhân của ngôi nhà rường hơn 100 tuổi ở đây - nói rằng nhà bằng gỗ khi sửa thì cũng phải sửa bằng gỗ, theo kiến trúc nhà rường xưa, như vậy thì rất tốn kém.
Bên trong căn nhà cổ đã xuống cấp khá nghiêm trọng của ông Phan Tâm ở phố cổ Bao Vinh - Ảnh: NHẬT LINH
Chỉ nên chọn vài ngôi nhà để bảo tồn?
Không chỉ trong việc sửa nhà, người dân ở Bao Vinh còn "than trời" vì không thể tách thửa đất do liên quan đến khu vực bảo tồn phố cổ. Đơn cử như trường hợp của ông Trương Thái (trưởng thôn Bảo Vinh) muốn tách thửa khu đất rộng hơn 248m2 để làm sổ đỏ cho các thành viên trong gia đình theo di chúc của bố ông để lại nhưng không được.
"Vì đất nằm trong quy hoạch phố cổ nên không được phép tách thửa. Muốn mua bán đất ở đây thì phải mua hết toàn bộ cả khu đất. Vậy nên giá đất ở đây rẻ lắm vì người ngoài không ai muốn trở thành công dân phố cổ cả" - ông Thái nói.
Ông Thái còn cho biết việc không tách thửa, làm sổ đỏ được nên nhiều người dân gặp khó khăn trong việc thế chấp, vay vốn làm ăn ở ngân hàng. Ông Trần Quốc Thắng, chủ tịch UBND xã Hương Vinh, cũng thừa nhận quy hoạch bảo tồn phố cổ Bao Vinh khiến UBND xã gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý xây dựng ở địa phương.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế, không nên giữ khư khư quy hoạch bảo tồn phố cổ Bao Vinh như hiện nay mà nên thay đổi cho phù hợp, thích nghi với cuộc sống.
Ông Hoa cho rằng chỉ nên chọn một vài ngôi nhà có kiến trúc cổ ở Bao Vinh để tập trung bảo tồn thay vì cả một khu vực rộng lớn nhưng không mang lại điểm nhấn gì.
"Dù chọn phương án nào để bảo tồn phố cổ Bao Vinh đi nữa, muốn thành công thì cần phải có một sự quyết tâm cao độ mang tính chiến lược từ phía những người đứng đầu của tỉnh" - ông Hoa nhấn mạnh.
Phố cổ Bao Vinh thành phố đi bộ
Theo thống kê của UBND xã Hương Vinh, năm 2003 đô thị cổ Bao Vinh còn tồn tại 40 ngôi nhà cổ và 9 kiôt. Tuy nhiên hiện nay số nhà cổ còn khoảng 10 căn.
Theo quy hoạch năm 2003, một công viên vui chơi giải trí ở khu vực Cồn Lớn sẽ được xây dựng để khai thác du lịch cùng nhiều bến thuyền, điểm dừng chân cho du khách. Tuy nhiên, hiện nay những công trình nêu trên hoàn toàn chưa được đầu tư xây dựng.
Phố cổ Bao Vinh ngày nay không còn giữ được cho mình dáng dấp của một khu phố cổ như tên gọi - Ảnh: NHẬT LINH
Trong khi đó, mới đây ông Hoàng Hải Minh, giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết trong đề án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương cũng đã đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị của phố cổ Bao Vinh.
Cụ thể, sẽ bảo tồn tổng thể phố cổ thông qua việc tái sử dụng những ngôi nhà truyền thống, tạo không gian buôn bán các mặt hàng của các làng nghề truyền thống ở đây.
Cũng theo đề án này, khu phố cổ Bao Vinh sẽ trở thành một trong những không gian đi bộ của Huế. Trong không gian khu đi bộ sẽ có quảng trường, bến thuyền nhằm thu hút du khách đến đây tham quan và tổ chức lễ hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận