Những ngày rời xa gia đình, quê hương khăn gói lên thành phố học tập, em đã “ngộ” ra rất nhiều điều, trong đó có sự hối hận của mình vì trong những năm học phổ thông, em đã coi nhẹ các bộ môn khoa học xã hội.
“Con hối hận quá thầy ơi. Lúc trước con học lớp toán (chuyên toán) nên đã có khoảng thời gian con bỏ bê và xem nhẹ các môn như văn, công nghệ, giáo dục công dân… Nhưng bây giờ con mới nhận ra chính các môn đó mới giúp được con trong công việc hiện tại, thầy ạ! Con thấy có lỗi với mấy thầy cô dạy con quá!”.
Chúng ta thường nói về chuyện “học lệch” của học sinh. Nhưng “lệch” cỡ nào, khoảng nào thì có thể chấp nhận được vì không ai “giỏi toàn diện” được! Những giờ toán, vật lý, hóa học của các lớp chuyên sôi nổi bao nhiêu thì các giờ văn, lịch sử, giáo dục công dân càng đìu hiu bấy nhiêu!
Bản thân tôi chấp nhận cho học sinh “học lệch” vì không thể cào bằng, dàn hàng ngang mà tiến trong học tập. Phải có những môn “mũi nhọn” để các em có tương lai sau này tốt hơn.
Vì vậy, môn ngữ văn - dù các em không mặn mà mấy, tôi vẫn dạy bằng cả sự say mê của mình cho các em.
Những kiến thức cơ bản, trọng tâm; những hiểu biết vừa sức các em được truyền thụ. Học nhẹ nhàng mà thấm sâu còn hơn “bưng bê” cả khối kiến thức nặng nề mà các em không nhớ nổi, không cảm nổi.
Không ít thầy cô ở các bộ môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân nhiều khi cảm thấy mình “bị xem thường” vì giờ học các em không chú ý học. Có thầy cô bỏ mặc, buông xuôi: “Em muốn học thì học, không học thì thôi, thầy không ép!”.
Các em đã được gia đình, xã hội định hướng cho việc học các bộ môn đó để thi vào các trường đại học.
Một khi đã tập trung đầu tư cho các môn khoa học tự nhiên thì việc coi nhẹ “như lông hồng” đối với các bộ môn khoa học xã hội không có gì lạ.
Hiện tượng một học sinh giỏi toán, siêu hóa khi đứng lên diễn đạt một vấn đề luôn tỏ ra ngắc ngứ, lúng túng không phải là hiếm!
Nhưng dù “vật đổi sao dời” thế nào, việc học các bộ môn khoa học xã hội vẫn rất cần thiết trong nhà trường. Vấn đề là người dạy phải tự “làm mới” mình, không ngừng học hỏi; không ngừng năng động, sáng tạo, tìm ra những cách dạy hấp dẫn, lôi cuốn các em học bộ môn.
Có phương pháp cung cấp lượng kiến thức vừa sức, làm sao cho các em cảm nhận được, hiểu được và vận dụng được vào cuộc sống; phải mạnh dạn giảm, bỏ bớt những kiến thức hàn lâm, xa rời thực tế...
Sự hối hận muộn màng của em học sinh trên cũng là điều dễ hiểu vì khi va chạm với thực tế cuộc sống, các em mới “sáng mắt sáng lòng” bởi những kiến thức xã hội cần thiết mà mình chưa được trang bị đầy đủ.
Sau khi tôi trả lời thì em nhắn tin tiếp: “Bây giờ nói ra được điều đó, con thấy nhẹ nhõm trong người”. Tôi khuyên em hãy dành thời gian đọc sách, bởi việc đọc sách sẽ giúp mình “tự giáo dục”, làm giàu vốn sống, vốn hiểu biết về cuộc sống của mình…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận