Gia đình bà Phượng vui vẻ lạc quan trước giờ phẫu thuật ghép gan - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Ngày 30-6, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã chia sẻ về hai ca ghép gan mà bệnh viện đã tự thực hiện trong mùa dịch COVID-19.
Hai bệnh nhân này đều cần được ghép gan ngay nên các bác sĩ Việt Nam đã tự ghép gan cho hai bệnh nhân trong mùa dịch, khi các chuyên gia nước ngoài không thể sang hỗ trợ các bác sĩ của bệnh viện ghép gan như 9 ca trước đó.
Thực hiện phép mầu
Ngày 30-6, sức khỏe người hiến gan cứu sống mẹ của mình - anh Trương Hoàng Nguyên (29 tuổi, ngụ ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đã hồi phục được 70-80%.
Mẹ anh Nguyên, bà Huỳnh Thị Phượng (61 tuổi) bị xơ gan giai đoạn cuối, bị hôn mê gan... Các bác sĩ đánh giá nếu không ghép gan kịp thời, tỉ lệ tử vong sẽ lên đến 50% trong vòng 3 tháng tới.
Nghe bác sĩ nói vậy, cả ba anh em đều mong muốn được hiến gan để cứu mẹ, nhưng chỉ có người con trai út là anh Nguyên đủ tiêu chuẩn hiến gan cho mẹ.
Ngày 15-6, với sự nỗ lực của êkip ghép gan của bệnh viện, ca phẫu thuật ghép gan thứ 11 của bệnh viện đã thành công tốt đẹp. Sau phẫu thuật 5 ngày, anh Nguyên đã có thể ăn uống, sinh hoạt bình thường.
Anh Nguyên cùng anh chị của mình đến thăm mẹ tại phòng hồi sức sau ghép. Anh Nguyên nói nhiều năm rồi ba anh em nhà anh chưa khi nào thấy mẹ anh lại vui, khỏe như thế!
Trường hợp khác là anh Hồ Văn Lượng, 37 tuổi, ngụ tại TP.HCM, ca ghép gan thứ 10 tại Bệnh viện Đại học Y dược. Anh Lượng nói: "Sau khi tôi được ghép gan, tôi được xem lại quy trình chuyển gan từ một người phụ nữ ở ngoài Hà Nội vào TP.HCM để ghép cho tôi, tôi thật sự rất xúc động. Mỗi lần nghĩ đến tấm lòng của người hiến tạng cho tôi, tôi vẫn luôn đong đầy cảm xúc. Tôi mong cho gia đình người hiến gan luôn nhiều sức khỏe, hạnh phúc...".
7 năm trước đó, anh Lượng đã phát hiện mắc bệnh viêm gan siêu vi B, sau đó dẫn tới xơ gan. Anh đã may mắn được nhận trọn vẹn lá gan từ một người phụ nữ chết não tại Hà Nội. Anh Lượng đã được thực hiện ghép gan ngay trong đêm khi lá gan được chuyển đến bệnh viện.
Sau phẫu thuật, sức khỏe anh Lượng hồi phục thần kỳ. Chỉ hai tuần, anh Lượng đã có thể xuất viện trở về với gia đình.
Chất lượng sống tốt hơn
TS Trần Công Duy Long, phó trưởng khoa ngoại gan - mật - tụy Bệnh viện Đại học Y dược, chia sẻ mỗi ca ghép gan là một câu chuyện. Bệnh viện đã thực hiện ghép gan cho 11 trường hợp thì mỗi trường hợp là một câu chuyện đầy tình người và sự sẻ chia trong đó.
TS Duy Long từng chứng kiến người con gái duy nhất trong một gia đình phấn đấu trong 6 tháng giảm được 10kg để hiến gan cứu sống ba, có người vợ đang có con nhỏ nhưng sẵn sàng hiến gan cho chồng, có người con rể sẵn sàng hiến gan để cứu ba vợ...
Theo TS Duy Long, ghép gan là biện pháp triệt để cho các trường hợp người bệnh bị xơ gan, ung thư gan giai đoạn sớm và chức năng gan kém.
Ghép gan giúp người bệnh có chất lượng sống tốt hơn. Đối với người hiến, sau khi hiến gan, các tế bào gan có thể tái tạo, phục hồi để đảm bảo chức năng hoạt động của gan giống với người bình thường.
Ông Trương Quang Bình, phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết theo kế hoạch trong thời gian tới, bệnh viện sẽ thực hiện ghép tim vào năm 2021, ghép phổi vào năm 2022 và sau đó có thể sẽ tiến hành ghép ruột non…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận