27/12/2019 15:05 GMT+7

Con gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Ba tôi đã ra đi nhẹ nhàng, thanh thản

Q.N.
Q.N.

TTO - Rất đông các nhạc sĩ lão thành, bằng hữu đã đến viếng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vào sáng 27-12 tại Nhà tang lễ TP.HCM.

Con gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Ba tôi đã ra đi nhẹ nhàng, thanh thản - Ảnh 1.

Nghệ sĩ nhân dân Trần Hiếu, một trong những ca sĩ thể hiện thành công các ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - đến viếng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý từ sớm - Ảnh: T.T.D.

Theo di nguyện của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, 8h sáng 27-12, gia đình đã thực hiện tang lễ tại nhà riêng của nhạc sĩ ở đường Trần Khắc Chân (Q.1, TP.HCM) theo nghi thức Công giáo trước khi di quan ra Nhà tang lễ TP lúc 10h để đồng nghiệp, bạn bè, công chúng đến tiễn biệt ông lần cuối.

Nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Linh, con gái thứ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, cho biết dù những năm gần đây nhạc sĩ chịu nhiều căn bệnh của tuổi già nhưng ông luôn lạc quan, yêu đời.

Trước khi mất ba ngày, nhạc sĩ mới bắt đầu có nhiều dấu hiệu mệt mỏi, cơ thể không hấp thụ thức ăn hay sữa được nữa. "Tuy nhiên, ba chúng tôi đã ra đi rất nhẹ nhàng, thanh thản. Chúng tôi mừng cho ông vì điều đó" - cô Thái Linh chia sẻ.

Video thành viên Hội Âm nhạc TP.HCM đến viếng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng 27-12 - Video: T.T.D.

Khi đã di quan nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý qua Nhà tang lễ TP, cô Thái Linh cũng chia sẻ thêm là nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vốn rất yêu chiều cô.

Cô nói: "Một trong những ca khúc nổi tiếng của ba tôi là bài Mẹ yêu con. Đó là ca khúc ông viết dành tặng tôi, sau ngày mẹ sinh tôi, khi đất nước còn chìm trong bom đạn và mẹ đã không ít lần ôm tôi chạy trốn đạn bom.

Sau này mỗi khi bất chợt nghe ca khúc này vang lên đâu đó, tôi đều khóc vì nhớ mẹ. Còn giờ đây, tôi biết mình sẽ không thể cầm được nước mắt khi nghe ca khúc này, nhớ về hai đấng sinh thành.

Nghe ca khúc Mẹ yêu con của Nguyễn Văn Tý do Anh Thơ hát

Ngày tôi còn nhỏ, gia đình chúng tôi sống ở nhà tập thể 96 Phố Huế, Hà Nội. Khi đó, mỗi tối khi ngủ tôi rất hay đi vệ sinh nhưng lại sợ ra ngoài một mình. Mỗi lần như thế, tôi chỉ cần khều nhẹ là ba dắt tôi đi.

Lần duy nhất tôi thấy ba tôi khóc cũng là vì tôi. Đó là năm 1972, khi tôi có giấy báo trúng tuyển sang Nga học nhưng phải hoãn lại một năm vì một lá thư nặc danh, tố ba tôi thuộc nhóm Nhân Văn giai phẩm".

Con gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Ba tôi đã ra đi nhẹ nhàng, thanh thản - Ảnh 4.

Cô Thái Linh, con gái thứ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, ôm di ảnh ba từ nhà di quan đến Nhà tang lễ TP.HCM sáng 27-12 - Ảnh: Q.N.

Ngoài nghệ sĩ Thái Linh, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý còn cô con gái cả Nguyễn Thị Như Mỹ đang sống tại Hà Nội. Vì chưa kịp bay vào TP.HCM nên tang lễ của nhạc sĩ do cô Thái Linh và em trai út của ông là Nguyễn Văn Phúc cùng Hội Âm nhạc và Hội nhạc sĩ TP.HCM lo liệu.

Ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên hiệu phó Trường Sân khấu - điện ảnh trước đây - và cô Thái Linh đều cho biết do chiến tranh loạn lạc cùng hoàn cảnh lịch sử có nhiều biến động thời đó nên năm sinh được công bố của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý không chính xác.

"Anh tôi chính xác là sinh năm 1924, năm Giáp Tý nên các cụ cũng đã đặt tên cho anh là Tý. Lâu nay các phương tiện truyền thông đại chúng vẫn ghi ông sinh năm 1925, có chỗ ghi một 1923 là không chính xác.

Trong ba anh em trai, anh Tý đẹp trai, tài hoa nhất nhà. Nhưng thời trẻ chúng tôi lại không có điều kiện bên nhau nhiều. Anh Tý rời gia đình đi theo phong trào Việt Minh từ năm 1945 khi tôi mới 10 tuổi".

Con gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Ba tôi đã ra đi nhẹ nhàng, thanh thản - Ảnh 5.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn (áo vest) - chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật và Hội Âm nhạc TP.HCM - dẫn đoàn đến viếng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - Ảnh: T. T. D.

Đến Nhà tang lễ TP.HCM viếng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sớm nhất là nhạc sĩ trong Hội Âm nhạc, Hội Nhạc sĩ TP.HCM. Nhạc sĩ Thế Hiển - phó chi hội 1, Hội Âm nhạc TP.HCM, nơi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh hoạt từ khi vào sinh sống tại TP.HCM - cho hay: "Sáng nay, Hội Âm nhạc TP.HCM đã có cuộc họp tổng kết cuối năm tại văn phòng hội và anh em chúng tôi đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ đến nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng như các nhạc sĩ đã chia tay chúng ta trong năm nay.

Tôi tin rằng nhạc sĩ đã chọn hôm nay, ngày tổng kết năm của Hội Âm nhạc TP, để ra đi. Ông đã chọn một ngày mà có rất nhiều anh em hội tụ về, để được gặp lại tất cả mọi người lần cuối.

Những năm trước, khi sức khỏe còn tốt, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý luôn đến dự và chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý giá cho chúng tôi ở những buổi tổng kết thế này.

Tôi còn nhớ cách đây mấy năm, khi cùng chúng tôi ra Hà Nội để dự Đại hội của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có nói rằng có lẽ đây là chuyến công tác Hà Nội cuối cùng của ông. Và rất tiếc là ông đã nói đúng.

Một vài năm gần đây vì tuổi cao sức yếu, không tiện đi lại nên vào những dịp đặc biệt trong năm, hội chúng tôi đều đến thăm, chia sẻ những khó khăn về sức khỏe với ông và luôn nhận được nhưng lời chia sẻ, động viên ngược lại.

Với tôi, sự ra đi của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là mất mát lớn cho nền âm nhạc Việt Nam. Nhưng tôi tin là những tác phẩm của ông, tình cảm của ông sẽ được lưu giữ mãi mãi".

Con gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Ba tôi đã ra đi nhẹ nhàng, thanh thản - Ảnh 6.

Nữ nhạc sĩ Trương Tuyết Mai chia buồn cùng con gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - Ảnh: T.T.D.

Cũng đến viếng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý rất sớm là nhạc sĩ Trương Tuyết Mai. Bà chia sẻ: "Tôi hay tin ông mất từ tối hôm qua và cứ bần thần mãi. Tôi đã ngồi soạn hình ảnh để nhớ lại những kỷ niệm với ông. Trong đó, tôi tìm thấy những tấm hình trong ngày sinh nhật 60 của tôi.

Lúc đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã đến dự và có đôi lời phát biểu, chúc mừng. Với tôi, ông là người thầy, người anh trong nghề. Những năm sau này, thỉnh thoảng tôi có đến thăm ông và được chính ông hát cho tôi nghe những ca khúc của ông, có những ca khúc sau này chưa từng được phổ biến.

Trong các sáng tác của ông, ngoài Dư âm, Bài ca năm tấn, tôi còn ấn tượng với bài Mẹ yêu con - là một câu chuyện riêng, tình cảm riêng nhưng được ông khái quát thành những vấn đề xã hội. Ông viết được đủ đề tài, với lối viết hiền hậu, không phô trương...".

Trong khi đó, nghệ sĩ nhân dân Trần Hiếu lại kể những kỷ niệm khác: "Tôi kém anh Tý đúng một giáp. Anh em tôi quen nhau từ thời chống Mỹ, chống Pháp. Có nhiều ca khúc anh khi sáng tác, anh Tý đưa tôi đi cùng, tôi hát ngay tại chỗ sáng tác của anh.

Có thể kể đến là: Cụ già bắn rơi máy bay, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa... Chính anh Tý cũng là khán giả trong tim tôi. Tôi quý anh nhiều không chỉ bởi những sáng tác của anh mà còn vì tính ngay thẳng, rõ ràng, không phải ai cũng có được của anh".

Con gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Ba tôi đã ra đi nhẹ nhàng, thanh thản - Ảnh 7.

Bút tích của nhạc sĩ Trần Hiếu trong sổ tang viếng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - Ảnh: T.T.D.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý qua đời vào 17h15 ngày 26-12 tại nhà riêng ở đường Trần Khắc Chân (quận 1, TP.HCM) vì tuổi cao sức yếu. Nhạc sĩ hưởng thọ 95 tuổi.

10h ngày 27-12, linh cữu ông được di quan ra Nhà tang lễ TP.HCM. Lễ an táng ông vào sáng 29-12 tại nghĩa trang hoa viên Bình Dương - nơi có nhiều nghệ sĩ đang yên nghỉ như: nhạc sĩ Phạm Duy, nhà văn Sơn Nam, soạn giả Viễn Châu, GSTS Trần Văn Khê, nhà thơ Kiên Giang...

Trong suốt sự nghiệp sáng tác, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có hơn 130 ca khúc cùng các tác phẩm nhạc phim hoạt hình, múa rối và các vở chèo.

Năm 2000, ông được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Dư âm một thuở ngậm ngùi Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Dư âm một thuở ngậm ngùi Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Dư âm còn lại Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Dư âm còn lại Đêm nhạc tôn vinh nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý Đêm nhạc tôn vinh nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý
Q.N.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp