Triển lãm Chào Sài Gòn trưng bày đến ngày 3-12 tại Nguyen's Art Garden (37 đường 103, Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức).
Giữa khu vườn xanh mát bên sông Sài Gòn của họa sĩ Hoài Hương, buổi khai mạc diễn ra ấm áp, thân tình với nhiều bạn bè đồng nghiệp từ cả hai miền đến chúc mừng ba nữ họa sĩ trẻ.
Những người phụ nữ vẽ cho chính mình
Ba nữ họa sĩ với ba cá tính, ba phong cách và hành trình theo đuổi đam mê rất khác nhau, nhưng lại gặp nhau trong sự nữ tính, lãng mạn và tình yêu chung cho hội họa.
Đó là những bức sơn dầu phong cảnh thiên nhiên với sắc màu bảng lảng, man mác nhưng không u buồn mà đầy linh khí của họa sĩ Vương Linh.
Tranh vắng bóng người, nhưng đong đầy tâm tư và những vui buồn của tác giả được hòa tan thành màu sắc.
Những bức chân dung tự họa sắc nét, mạnh mẽ, bộc lộ cá tính và cảm xúc mãnh liệt trong cuộc độc thoại với chính mình của họa sĩ Ly Trần.
Trở về Việt Nam sau hơn 20 năm ở nước ngoài, cô lấp đầy mảnh ghép còn thiếu của chính mình bằng những bức vẽ về quê hương, về nội tâm và những đường tơ "chạm" nhau đầy vương vấn.
Hay những bức tranh hoa sen với màu son trên giấy dó vừa nồng nhiệt yêu đời, vừa dịu dàng trầm tư đầy chiêm nghiệm với những cảm xúc đậm chất thiền xuất phát từ tình yêu âm nhạc Trịnh Công Sơn của họa sĩ Hương Giang Hoàng.
Sự giao hòa của ba sắc màu riêng biệt đó tạo nên sức hút đa chiều, thú vị cho Chào Sài Gòn.
"Đây là điều vui khi hội họa thành phố có dịp chào đón thêm những nữ họa sĩ với tâm tình rất khác đến từ Hà Nội.
Tôi thích vẻ đẹp nồng nàn của bức tranh màu khoáng trên giấy dó của Hương Giang. Ly Trần có bút pháp và màu sắc mạnh mẽ, nội lực. Còn tranh Vương Linh rất đằm thắm, nhiều lớp lang, nền tảng vững vàng.
Cả ba đều còn trẻ, thanh xuân rất nồng nàn và chặng đường dài phía trước" - nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cảm nhận.
Những cuộc hành trình với đam mê hội họa
Với ba nữ họa sĩ, triển lãm Chào Sài Gòn không chỉ là dịp gặp gỡ, mà còn là lời tạm biệt một đoạn hành trình và bắt đầu cho những hướng đi mới mạnh mẽ, quyết liệt hơn.
Từng được biết đến với dòng tranh sỏi cách đây hơn 5 năm, sau thời gian im ắng vì nhiều biến động đời sống, Hương Giang Hoàng trở lại với những tranh vẽ hoa trên giấy dó. Cô tìm tòi để nâng tầm chất liệu và hình tượng hoa sen bằng cách sử dụng màu khoáng làm từ những bột đá quý, đắt hơn cả sơn mài.
Cô cũng đi qua một chặng chiêm nghiệm đời sống riêng với những tâm tình đồng điệu từ nhạc Trịnh, để vẽ nên những bức tranh hoa sâu lắng gói ghém cả quá khứ, hiện tại và tương lai của chính mình.
Với Ly Trần, đó là hành trình dài từ một cô bé thích vẽ, du học thiết kế công nghiệp ở Nga, làm kinh doanh tại Mỹ và cuối cùng quyết ngừng kinh doanh để tìm về hội họa hơn 3 năm qua.
Yêu nghệ thuật đường phố và cuộc chơi với sắc màu, tranh của cô là sự kết hợp trường phái ấn tượng và biểu hiện cùng cảm xúc nội tâm. Cô dùng nhiều chất liệu từ sơn mài, tổng hợp... để vẽ mọi điều mang đến cho mình cảm hứng.
Một năm qua ở Việt Nam cho Ly Trần nhiều tình cảm ấm áp, nhiều mối quan hệ thân thiết và cả động lực để cô tiếp tục dấn thân với đam mê.
Sau triển lãm, cô sẽ về lại Mỹ, tiếp tục vẽ và triển lãm ở nhiều sân chơi quốc tế, và ưu tiên về Việt Nam thường xuyên.
Còn với Vương Linh, đó là hành trình nỗ lực khẳng định mình của một cô bé "con nhà nòi". Là con của đạo diễn Vương Đức, diễn viên Ngọc Bích, nhưng từ bé Vương Linh không được bố mẹ ủng hộ theo nghệ thuật.
Bằng viên phấn màu, cô đã vẽ khắp nơi đến khi thuyết phục được bố cho theo thầy - họa sĩ Thẩm Đức Tụ học vẽ.
Nhờ các thầy và từ bố, cô hiểu muốn giỏi bất cứ điều gì phải biết quan sát, và tạo hóa thiên nhiên là nguồn cảm hứng tốt nhất.
Vậy là Linh vẽ phong cảnh, vẽ linh khí của cây, vẽ bằng góc nhìn ánh nắng trong trẻo hồn nhiên, bằng yêu thương của bố mẹ, và cô sớm tìm được lối đi riêng.
Khi tranh Linh dần được yêu thích, sưu tầm từ nhiều cá nhân quốc tế, cô thêm tự tin vào nội lực của chính mình.
Sống nội tâm, thích vẽ trong bóng tối, từng vẽ nhiều năm nơi xưởng vẽ chỉ rộng 4 mét vuông để không ai chú ý đến mình, nhưng Linh vẫn miệt mài với đam mê. Cô hiểu mình còn trẻ, cứ vẽ cả khi buồn vui lẫn lộn, vì đi đến tận cùng chính mình, đó là nghệ thuật.
Một số hình ảnh tại triển lãm Chào Sài Gòn:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận