29/08/2012 09:38 GMT+7

"Con đường thâu tóm" của một đại gia

NGỌC TRÍ
NGỌC TRÍ

TT - Cuộc thanh trừng các ông trùm oligarch đã để lại nhiều bài học mà qua đó người ta có thể rút ra được vì sao và như thế nào mà các nhóm lợi ích hình thành và lũng đoạn toàn diện hệ thống tài chính Nga giai đoạn 1980-1990.

5YNY8LLx.jpgPhóng to
Khodorkovky (bìa phải), lúc đó đã là chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Yukos, được Yeltsin tiếp kiến năm 1998 - Ảnh: NYT

Câu chuyện về con đường “tiến thân” của Mikhail Khodorkovsky đã cho thấy điều đó...

Từ phó bí thư Đoàn đến chủ ngân hàng

Nước Nga thập niên 1980 có một từ thời thượng: khozraschyot - tự quản tài chính - nói về xu hướng các cơ quan ban ngành nhà nước phải vận động tư duy để tự thu chi tài chính. Nói cách khác là tự kiếm sống.

Tháng 6-1986, một năm sau khi Mikhail Gorbachev nắm quyền, Khodorkovsky vừa lấy bằng kỹ sư hóa ở Viện Hóa kỹ thuật Mendeleev, nơi mình giữ ghế phó bí thư Đoàn thanh niên cộng sản (Komsomol). Trong mắt Khodorkovsky, làn gió chuyển đổi đang mang lại nhiều cơ hội. Một trong những mục tiêu đầu tiên mà Khodorkovsky nhắm đến là Viện Nhiệt độ cao, một trong những trung tâm nghiên cứu chủ lực một thời của Liên Xô. Thành lập thập niên 1960, Viện Nhiệt độ cao phát triển cực nhanh và đến thập niên 1980 đã có 4.000 nhân viên. Người đứng đầu là viện sĩ Alexander Sheindlin.

Một ngày kia, Khodorkovsky cùng nhóm đồng nghiệp đến gõ cửa văn phòng ngài viện trưởng Sheindlin. Thể hiện bằng phong thái nhiệt huyết, nhóm Khodorkovsky nói rằng họ đang ấp ủ một số dự án khoa học và cần được viện tài trợ, từ đó có thể giúp viện thực hiện được kế hoạch tự quản tài chính. Thế là ngài viện sĩ hàn lâm, vốn chỉ quen với đèn sách học thuật và hoàn toàn thiếu hẳn kinh nghiệm cũng như mánh lới lọc lừa của thời kinh tế chuyển đổi, đã bị “thuốc”. Ông đồng ý đưa ra 170.000 rup - số tiền lớn thời điểm đó. Khi được hỏi lại về vụ việc, Sheindlin nói rằng ông hoàn toàn không biết nhóm Khodorkovsky làm gì với khoản tiền trên. Tuy nhiên, Khodorkovsky đã tìm ra được bí quyết “xử lý” các nguồn tiền có được, thậm chí còn nhiều hơn thế. Vụ việc ở Viện Nhiệt độ cao chỉ là một cánh cửa nhỏ...

Sau những màn làm ăn nhỏ lẻ như “đánh hàng xén” ngoại nhập những mặt hàng đại loại rượu Napoleon giả, vodka Thụy Sĩ đến jeans wash, Khodorkovsky bắt đầu len vào nơi mà từ đó giúp mình trở nên giàu sụ và nổi tiếng thế giới. Đó chính là hệ thống ngân hàng.

Thời điểm đó, Gosbank được chia làm năm hệ thống phân cấp (nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, mậu dịch nước ngoài, tiền gửi tiết kiệm, và Zhiltsotsbank - nơi xét cấp vốn cho các chương trình cộng đồng xã hội, chẳng hạn nhà ở). Ngày nọ, Khodorkovsky xuất hiện tại một văn phòng Zhiltsotsbank hỏi vay tiền. Không được! Nhân viên ngân hàng giải thích. Họ chỉ có thể cho doanh nghiệp nhà nước vay mà phải kèm điều kiện doanh nghiệp nọ phải trình một dự án cụ thể được nhà nước đồng ý cấp phép. Có cách gì lách được?

Thế là kịch bản thành lập một ngân hàng thương mại với Zhiltsotsbank là nhà đồng sáng lập đã ra đời. Và “dự án kinh doanh” của ngân hàng thương mại trên là mua bán máy tính. Như thế, Zhiltsotsbank đã có thể sẵn sàng đáp ứng “nhu cầu vay vốn” trong dự án của ngân hàng mới thành lập trên. Dễ thế sao? Vâng, như Khodorkovsky từng nói: “Vấn đề không phải là tiền mà là sự đỡ đầu”. Cuối năm 1988, Ngân hàng Menatep của Khodorkovsky ra đời. Và đến năm 1990, Khodorkovsky đã chính thức trở thành “người” của hệ thống, đánh dấu bằng sự kiện được Gorbachev mời đến Kremlin bàn về công cuộc đổi mới...

ncPeRow9.jpgPhóng to
Đại gia Khodorkovsky không bao giờ tin có ngày mình bị còng tay như thế này - Ảnh: NYT

Bắt đầu thâu tóm và xâm nhập chính trường

Với công cụ Menatep, Khodorkovsky đã có thể “vắt sữa” nhà nước một cách trực tiếp. Đương sự bắt đầu lùng sục vào các hành lang quyền lực để tìm những nguồn “bảo trợ chính trị” mạnh hơn. Cuối cùng, không biết bằng cách nào, Khodorkovsky trở thành cố vấn của Thủ tướng Ivan Silayev!

Hệ thống kết nối quyền lực đã giúp Menatep nhanh chóng mở rộng hoạt động ra nước ngoài, từ Thụy Sĩ đến Gibraltar, từ Cyprus đến Mỹ. Phải nói là Khodorkovsky có biệt tài trong xây dựng quan hệ. Ngân hàng Menatep có tất cả đường dây vận động hành lang liên kết với hầu hết bộ trưởng cũng như thứ trưởng thuộc các bộ ngành thiết yếu.

Menatep phất nhanh nhờ mạng lưới các chương trình cho vay của chính phủ, từ chi tiêu quốc phòng đến thu mua thực phẩm. Bộ Tài chính Nga là một trong những khách hàng chủ lực của Menatep và các khoản mà nhà nước vay của Menatep chiếm đến hơn ½ hoạt động cho vay của ngân hàng này vào năm 1995! Kỹ thuật “vắt sữa” nhà nước của Khodorkovsky như thế nào? Thông thường, Bộ Tài chính sẽ lập tài khoản ở Menatep rồi chỉ thị họ phân phối nguồn tiền xuống các địa phương. Những gì mà Menatep làm là sẽ “tạm giam” chương trình cho vay và đẩy tiền vào những thương vụ đầu tư sinh lãi cao hơn, kiếm được hàng chục triệu USD bằng chính “nguồn vốn” của chính phủ.

Phất lên cực nhanh nhờ Menatep nhưng Khodorkovsky không muốn cam phận làm ông chủ nhà băng. Đương sự muốn mình phải là một ông trùm công nghiệp. Trong giai đoạn tư nhân hóa ào ạt, Khodorkovsky thu tóm nhiều doanh nghiệp, chỉ bằng... nước bọt, khi cam kết đưa những công ty này thoát khỏi bờ vực phá sản bằng những kế hoạch đầu tư táo bạo của mình.

Tháng 9-1995, Khodorkovsky lập ra một tập đoàn tài chính-công nghiệp tên Rosprom để kiểm soát 29 công ty thuộc các lĩnh vực luyện kim, hóa chất, chế biến thực phẩm, dệt may, bột giấy, giấy in... Và trong đầu Khodorkovsky đã có một kế hoạch tấn công khác. Đó là công nghiệp dầu, nơi đang có sẵn một đường dây “nội tuyến” hữu dụng: Vladimir Lopukhin, bộ trưởng nhiên liệu và năng lượng. Không chỉ thế, bằng cách “có qua có lại”, Khodorkovsky đã được Lopukhin đưa vào bộ với ghế thứ trưởng, đặc trách “quỹ đầu tư” của bộ. Với vị trí này, Khodorkovsky có thể tiếp cận được nhiều nguồn tin nội bộ quan trọng, gần gũi được các “tư lệnh tối cao” trong công nghiệp dầu khí Nga. Chính nhờ như thế mà không lâu sau đó, Khodorkovsky đã có thể đánh bại được tất cả đối thủ trong cuộc chiến giành thầu mua Tập đoàn Dầu khí Yukos.

Khi thông tin đấu thầu mua cổ phần Yukos được thông báo, một liên minh ba ngân hàng đã hăm hở nhảy vào. Đó là Inkombank của Vladimir Vinogradov, Alfa Bank của Mikhail Friedman và Rossiiky Kredit của Valery Malkin. Tuy nhiên, liên minh tay ba trên thật ra không có đủ tiền. Họ cần phải có 350 triệu USD để “dằn cọc”. Lấy đâu bây giờ? Ra nước ngoài!

Một trong những nhà đầu tư mà liên minh tay ba tiếp cận là tỉ phú dầu hỏa Mỹ Martin S. Davis. Những gì mà liên minh tay ba không hề biết là Khodorkovsky đã chơi trên cơ họ bằng một nước cờ độc. Thứ trưởng Khodorkovsky đã bí mật phái một tùy viên sang Mỹ gặp Davis, dọa rằng theo luật Liên bang Nga về đầu tư nước ngoài, Davis sẽ mất trắng không còn một xu nếu dính vào “bọn kia”. Tất nhiên Davis không thể chấp nhận rủi ro với cả trăm triệu USD.

Nhiều năm sau, một viên chức cấp cao của liên minh trên đã nói với nhà báo Mỹ David E. Hoffman rằng: “Khodorkovsky đã mua Yukos bằng chính tiền của Yukos!”. Một khi Bộ Tài chính đã nằm trong tay Khodorkovsky, điều đó cũng chẳng có gì là lạ...

_______________________________________________

Khodorkovsky “mua” được tất cả và điều đó không có gì là lạ. Nhưng, chuyện lạ đã xảy ra: đế chế khổng lồ của ông trùm Khodorkovsky đã bị quật ngã bằng cú ra đòn “de ashi barai” của võ sĩ judo Vladimir Putin.

Kỳ tới: Putin: “Việc này phải chấm dứt, ngay lập tức!”

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Mảnh đất màu mỡ cho thế lực ngầm Kỳ 2: “Câu lạc bộ Đồi Chim Sẻ” Kỳ 3: Khi nhóm lợi ích ra tay! Kỳ 4: Chính trường rối ren, Putin xuất hiện

NGỌC TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp