Một đống xà bần to khủng bị đổ bừa trên đường Nguyễn Văn Linh
Đường Nguyễn Văn Linh dài 17,8 km, nối từ quận 7 đến quốc lộ 1A (đoạn đi qua huyện Bình Chánh), kết nối với đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Đây là đại lộ được quy hoạch lộ giới 120m, 10 làn xe, từng là một trong những con đường có cảnh quan đẹp của TP.
Nhiều bãi rác tự phát
Rác thải được tấp hàng đống vào lề đường, lấp kín gốc cây, tràn xuống kênh rạch, bốc mùi hôi thối. Một số hộ dân kinh doanh trên lề đường thường xuyên đốt rác, để lại những vệt cháy nham nhở, nhếch nhác làm mất mỹ quan đô thị. Vào mùa mưa cũng như các đợt triều cường, rác không được xử lý kịp thời, nước rỉ từ những bãi rác chảy xuống ao, kênh rạch, gây ô nhiễm lâu dài.
Chạy dọc tuyến đường này, cứ vài trăm mét là có một bãi rác tự phát to nhỏ nối nhau. Có những lô đất trống cũng bị biến thành nơi tập kết rác. Được biết, chính quyền địa phương đã nhiều lần phối hợp với công ty môi trường đô thị thu gom rác trên đại lộ Nguyễn Văn Linh. Thế nhưng chỉ ít ngày sau khi thu dọn, người dân vẫn thản nhiên mang rác ra vứt trên trục đường này.
Theo chị Nguyễn Thanh Hà (bán giải khát ven đường Nguyễn Văn Linh), con đường này dài, thưa dân sinh sống, nên nhiều người ở nơi khác cũng mang rác ra đây đổ. Ít thì vài ba bao, nhiều thì cả xe ba gác. Xác động vật chết người ta cũng đem ra đây.
Thỉnh thoảng các nhóm thanh niên kéo đến các bãi đất trống tổ chức ăn nhậu, hát hò rồi không hề dọn dẹp. Những người bán dạo nông sản cũng vô tư trút rác xuống hai bên đường. Riết rồi con đường này rác nối tiếp rác. Người dân đã nhiều lần phản ảnh đến chính quyền địa phương, nhưng tình trạng trên vẫn không giảm mấy.
... khi thủy triều xuống, lộ ra bãi rác khổng lồ ven kênh Tẻ (quận 7) - Ảnh: T.NGHI
Đủ loại rác xả thẳng xuống kênh
Dọc theo đường Trần Xuân Soạn (quận 7) là hàng chục hộ gia đình, đa số là người dân đến từ các tỉnh, sinh sống và buôn bán trên các xuồng ghe đậu san sát nhau. Chợ nổi này kéo dài hàng trăm mét với mặt hàng chủ yếu là các loại trái cây, nông sản và hoa kiểng (những ngày giáp Tết). Do người bán sống trên ghe nên hằng ngày họ xả thẳng xuống kênh một khối lượng khá lớn rác thải đủ loại.
Một người sống tại khu cư xá Ngân hàng cho biết không chỉ rác thải của những người dân buôn bán trên kênh mà còn có sự góp tay của nhiều hộ dân trong khu vực này. Thêm vào đó là một lượng không nhỏ rác thải do người từ nơi khác mang đến bỏ lén dọc bờ kênh. Cứ chỗ nào có bãi đất trống là có rác.
Từ trên bờ cho đến dưới lòng kênh ngập tràn đủ loại rác từ bao nilông, quần áo cũ, cây cối, thùng xốp đến bàn ghế hư hỏng, xà bần, phế phẩm nông sản, xác động vật... Đó là chưa kể rác từ đâu theo dòng nước chảy về cộng với số rác từ các cống ngầm tích tụ theo dòng nước cuốn ra kênh, dẫn đến phía cuối dòng ngày càng ô nhiễm trầm trọng. Khi thủy triều lên, rác trôi ra giữa dòng, nổi lềnh bềnh. Thủy triều xuống, nhiều bãi rác dưới lòng kênh phơi ra bốc mùi hôi thối.
Chuyện ghi lại ở tuyến đường Nguyễn Văn Linh, dòng kênh Tẻ là điển hình cho nhiều con đường và kênh rạch khác thuộc địa bàn TP.HCM cũng rơi vào tình trạng tương tự. Chính quyền địa phương giám sát và xử phạt không xuể.
Việc ghi hình, xử phạt xả rác qua camera vẫn còn bất cập nhất là với người từ nơi khác mang rác đến dù có ghi nhận được biển số xe cũng khó tìm ra tên tuổi, địa chỉ của họ. Cho nên gần như chỉ còn cách trực ở các điểm nóng để bắt quả tang.
Cần thêm những quy định tăng nặng mức xử phạt, bổ sung chế tài bắt buộc như công khai tên tuổi trên phương tiện truyền thông, gửi thông báo về địa phương và cơ quan chủ quản, phạt lao động công ích... đối với những người cố tình tái phạm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận