01/06/2011 08:22 GMT+7

Con đường mang tầm nhìn vượt thời gian

NGUYỄN TRIỀU
NGUYỄN TRIỀU

TT - Nhân kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2011), ngày 31-5 tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh - hành trình tìm đường cứu nước” do Thành ủy TP.HCM, Ban Tuyên giáo trung ương, Học viện Chính trị - hành chính quốc gia, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp tổ chức.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh, Trần Đại Quang, Lê Thanh Hải... và nhiều nhà nghiên cứu đã đến dự, phát biểu tham luận.

2LTGtG02.jpgPhóng to
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (phải) trao đổi cùng các đại biểu tham dự hội thảo khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh - hành trình tìm đường cứu nước” sáng 31-5 - Ảnh: Minh Đức

Báo cáo đề dẫn của Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua nhấn mạnh mục đích của hội thảo nhằm nâng cao nhận thức và tôn vinh công ơn của Bác Hồ, khẳng định ý nghĩa lịch sử và thời đại của sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước ngày 5-6-1911 như một mốc son trong lịch sử dân tộc. 139 tham luận đã được gửi tới hội thảo, trong đó có 16 tham luận được trình bày.

Quyết định sáng suốt

Phát biểu tham luận với chủ đề “Vững bước trên con đường Người đã chọn - tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc lại sự kiện tròn 100 năm trước, ngày 5-6-1911 từ bến cảng Sài Gòn, Bác Hồ - lúc đó là người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - đã bắt đầu cuộc hành trình 30 năm (1911-1941) tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. “Chính chủ nghĩa yêu nước và những năm tháng tìm tòi không mệt mỏi về lý luận và hoạt động trong phong trào công nhân quốc tế đã dẫn dắt người thanh niên VN Nguyễn Tất Thành bất chấp mọi hiểm nguy đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, trở thành nhà hoạt động quốc tế xuất sắc Nguyễn Ái Quốc” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Tham luận của nguyên tổng bí thư Lê Khả Phiêu và các nhà nghiên cứu cũng nhận định sự lựa chọn con đường “sang phương Tây để tìm cách đánh Tây” trong bối cảnh sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta bế tắc về đường lối, biết bao cuộc khởi nghĩa và phong trào yêu nước bị thực dân Pháp dìm trong biển máu của người thanh niên Nguyễn Tất Thành khi ấy là một sự lựa chọn, một quyết định sáng suốt. Và như nhận xét của ủy viên Bộ Chính trị - trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Đinh Thế Huynh trong phát biểu khai mạc hội thảo: “Thật là kỳ diệu, sự khởi đầu đó đã đi vào lịch sử dân tộc như một sự kiện lớn lao, một mốc son đánh dấu giai đoạn lịch sử vẻ vang, mở ra cuộc hành trình của toàn dân tộc VN đoàn kết một lòng, kiên cường đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, thống nhất non sông, vững bước đi lên xây dựng CNXH”.

Tầm nhìn vượt thời gian

Các tham luận tại hội thảo cũng khẳng định chín năm sau khi rời bến cảng Sài Gòn đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã đến với luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, bắt đầu quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng VN. Đó là con đường cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo đánh đổ đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc, thực hiện người cày có ruộng, sau đó tiến lên thực hiện cách mạng XHCN.

Theo Thủ tướng, dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, lớp lớp thế hệ người VN đã vững bước theo “con đường mang tầm nhìn vượt thời gian” mà Người đã chọn. Thủ tướng nhận định những quan điểm, giải pháp cốt lõi của chiến lược phát triển được soi rọi bởi tư tưởng Hồ Chí Minh.

Chẳng hạn, quan điểm “phát triển bền vững” đã được Bác Hồ xác định từ rất sớm khi từng căn dặn “công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa phải tiến hành từng bước”, “Tiến nhanh, tiến mạnh không phải là phiêu lưu, làm ẩu. Phải thiết thực đi từng bước, phải tiến vững chắc”. Và Thủ tướng nhìn nhận trên thực tế quan điểm đó có lúc có nơi chưa được nhận thức đầy đủ và quán triệt sâu sắc trong hành động, vì vậy kinh tế phát triển còn kém bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp.

Đây là nguyên nhân sâu xa tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô, làm giảm khả năng chống chịu của nền kinh tế nước ta trước những tác động từ bên ngoài trong một thế giới toàn cầu hóa và biến động không ngừng. “Đó là khuyết điểm lớn mà chúng ta, trước hết là những người lãnh đạo, quản lý - những học trò của Bác - phải nghiêm túc khắc phục. Phải quán triệt sâu sắc, kiên trì thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đại hội XI về phát triển bền vững” - Thủ tướng nhìn nhận.

Điểm hẹn lịch sử

Nhiều phát biểu, tham luận tại hội thảo cũng làm rõ vai trò lịch sử của Sài Gòn - Gia Định trên hành trình lịch sử tìm đường cứu nước của Hồ Chủ tịch. Ông Đinh Thế Huynh phân tích: “Theo nhiều nhà nghiên cứu, Bác Hồ trải qua hai cuộc hành trình lớn. Hành trình thứ nhất từ tuổi ấu thơ đến tuổi thanh niên của Nguyễn Tất Thành, đi từ miền Trung quê hương của Người, dọc theo hướng nam vào đến Sài Gòn - Gia Định.

Rồi chính vùng đất này trở thành điểm xuất phát để bắt đầu một cuộc hành trình thứ hai tìm đường cứu nước của Người vào năm 1911. Như vậy, vùng đất Sài Gòn - Gia Định năm xưa, TP.HCM ngày nay trở thành điểm hẹn lịch sử trong cuộc hành trình vĩ đại của Bác: vừa là điểm đến của cuộc hành trình từ tuổi ấu thơ đến tuổi thành niên và vừa là điểm xuất phát, điểm khởi đầu của cuộc hành trình vĩ đại đi tìm chân lý, tìm con đường giải phóng cho dân tộc VN”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng lịch sử có những sự trùng hợp thú vị: từ TP này Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước và TP này cũng là nơi khởi phát mạnh mẽ những tìm tòi con đường đổi mới, đưa nước ta thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội vào cuối những năm 1970, đầu những năm 1980 dẫn đến quyết định lịch sử của Đại hội Đảng lần thứ VI.

Trình bày tham luận tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải khẳng định tự hào về vai trò lịch sử và trọng trách trong hiện tại, Đảng bộ TP.HCM không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh nhằm xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh để lãnh đạo quân dân TP vững bước tiến trên con đường mà Người đã chọn, để xứng đáng được mãi mãi là TP mang tên Hồ Chí Minh.

Trong tham luận của mình, Bí thư Thành đoàn TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cũng thay mặt tuổi trẻ TP nguyện noi theo lý tưởng cách mạng của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành để ra sức học tập, lao động và cống hiến sức trẻ cho sự nghiệp phát triển TP, phát triển đất nước.

NGUYỄN TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp