17/06/2024 08:27 GMT+7

Con đường hòa bình chông gai của Ukraine

Thượng đỉnh hòa bình Ukraine khép lại sau hai ngày cuối tuần qua tại Thụy Sĩ. Hội nghị cho thấy sự đồng thuận tương đối giữa các nước về việc kết thúc cuộc xung đột ngay giữa lòng châu Âu.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại phiên toàn thể cuối cùng của hội nghị ở Thụy Sĩ vào ngày 16-6 - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại phiên toàn thể cuối cùng của hội nghị ở Thụy Sĩ vào ngày 16-6 - Ảnh: REUTERS

Hơn 90 quốc gia đã tham dự hội nghị tại khu nghỉ dưỡng Alpine của Thụy Sĩ theo đề xuất của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Với Ukraine, hội nghị là một thành công tương đối, không đến mức lịch sử như nước này kỳ vọng.

Ukraine đạt được gì?

Theo Hãng tin Reuters, các nhà lãnh đạo cường quốc bao gồm Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tập trung tại khu nghỉ mát trên đỉnh núi Buergenstock.

Nhiều nhà lãnh đạo phương Tây lên án cuộc chiến và bác bỏ yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin, rằng không có chuyện Ukraine phải từ bỏ các vùng lãnh thổ đang bị chiếm đóng như một điều kiện cho hòa bình.

Nói như Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 15-6, các đề xuất hòa bình ở Ukraine của Nga là thiếu nghiêm túc và chỉ nhằm đánh lạc hướng hội nghị ở Thụy Sĩ. Phát biểu xong, ông Scholz cũng rời Thụy Sĩ như báo hiệu trước những kết quả khiêm tốn mà hội nghị này đạt được.

Đúng với dự đoán của giới quan sát, hội nghị đã bỏ qua những vấn đề khó nhằn như việc giải quyết giai đoạn hậu chiến cho Ukraine như thế nào, liệu Ukraine có thể gia nhập liên minh NATO hay việc rút quân từ cả Nga và Ukraine có thể diễn ra ra sao.

Do một số nhà lãnh đạo rời đi trước khi hội nghị khép lại, các cuộc thảo luận vào ngày 16-6 đã chuyển sang theo đuổi lập trường chung quốc tế về an ninh hạt nhân và lương thực cũng như trao trả các tù nhân chiến tranh và trẻ em được đưa khỏi Ukraine.

Với Ukraine, nước này chỉ nhận được thêm một số cam kết hỗ trợ từ đối tác tại hội nghị. Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris công bố khoản viện trợ hơn 1,5 tỉ USD cho Ukraine khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu và người tha hương vì chiến trận.

Na Uy cũng cam kết hỗ trợ 1,1 tỉ kroner (khoảng 103 triệu USD) để Ukraine chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở hạ tầng năng lượng trước mùa đông sắp tới.

Để đúng với tên gọi, rằng đây là hội nghị hòa bình cho Ukraine, không có cam kết cung cấp vũ khí nào cho Kiev được công khai tại hội nghị. Những gì vừa kể trên dường như cũng là tất cả thành quả khiêm tốn mà Ukraine gặt hái được từ hội nghị ở Thụy Sĩ lần này.

Không có thông cáo chung

Việc đạt được sự đồng thuận về thông cáo chung của hội nghị - tức tất cả các quốc gia tham dự đều cùng ký vào thông cáo chung - đổ vỡ vào phút chót.

Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho rằng cách diễn đạt của thông cáo chung là nguyên nhân chính dẫn tới sự thiếu đồng thuận. Saudi Arabia, Thái Lan, Ấn Độ, Mexico và Nam Phi nằm trong số những nước không ký vào thông cáo chung.

Các nguồn tin cho biết thông cáo chung là kết quả của việc phải đi dây giữa hai luồng quan điểm thẳng thắn lên án Nga và những lời lẽ mềm dẻo, chung chung hơn để thông điệp của hội nghị nhận được sự ủng hộ rộng rãi nhất có thể.

"Theo quan điểm của tôi, thông cáo chung không được tất cả các nước ký bởi vấn đề lựa chọn từ ngữ cụ thể. Nhưng ngay cả những người không ký thông cáo cũng đều nói rõ rằng lập trường của họ là như nhau, rằng chiến tranh phải kết thúc", ông Nehammer tiết lộ.

Tuy nhiên, ông Nehammer cho biết còn quá sớm để nói hội nghị thứ hai có thể diễn ra với sự tham dự của Nga hay không.

Trong cuộc họp báo sau hội nghị ngày 16-6, Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd thừa nhận câu hỏi làm thế nào để đưa Nga ngồi cùng bàn với Ukraine vẫn còn để ngỏ.

Con đường hòa bình cho Ukraine, theo nhà lãnh đạo Thụy Sĩ, vẫn còn rất dài và gian nan nhưng cần dựa trên cơ sở là Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba mô tả từ ngữ trong thông cáo chung là "rất cân bằng" và những quan điểm nguyên tắc của Kiev đã được xem xét tại hội nghị. "Tất nhiên, chúng tôi hiểu rất rõ rằng sẽ đến lúc cần phải nói chuyện với Nga.

Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng: Chúng tôi sẽ không cho phép Nga nói chuyện bằng những từ ngữ theo kiểu tối hậu thư mà nước này đang nói hiện nay", ông Kuleba nêu quan điểm.

Trước đó, rạng sáng 16-6 (giờ Việt Nam), Hãng tin Reuters đăng tải toàn văn dự thảo thông cáo chung chính thức của hội nghị hòa bình. Bản dự thảo này được hoàn thành ngày 13-6 và bản chính thức dự kiến được công bố khi hội nghị bế mạc ngày 16-6.

Bản dự thảo này đề cập xung đột tại Ukraine là "chiến tranh" chống lại Kiev và kêu gọi các bên liên quan tôn trọng toàn vẹn chủ quyền của nước này.

Bên cạnh đó, bản dự thảo cũng khẳng định các nước tham gia hội nghị thống nhất tầm nhìn về ba vấn đề: trao quyền kiểm soát Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia lại cho Ukraine, đảm bảo sự an toàn cho tàu bè của Kiev neo đậu, đi lại giữa các cảng biển Azov và trao đổi toàn bộ tù binh hai bên bắt giữ.

Nga kêu gọi Ukraine suy ngẫm

Trong tuyên bố ngày 16-6, Điện Kremlin tiếp tục kêu gọi Ukraine "suy ngẫm" về kế hoạch hòa bình của Nga để mở các cuộc đàm phán hòa bình, bởi tình hình với quân đội Ukraine đang ngày càng tệ hơn.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết đây không phải là "tối hậu thư" mà là "sáng kiến hòa bình có tính đến thực tế".

Mỹ ‘chê’ đề xuất hòa bình của ông Putin, Nga nói Ukraine nên suy nghĩMỹ ‘chê’ đề xuất hòa bình của ông Putin, Nga nói Ukraine nên suy nghĩ

Điện Kremlin cho rằng Ukraine nên suy nghĩ về đề xuất hòa bình của Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi tình hình trên mặt trận của Kiev đang xấu đi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp