04/08/2024 09:11 GMT+7

Con đường ghi dấu chân tình nguyện

Những ngày cuối chiến dịch, các công trường tình nguyện dường như cũng tất bật, hối hả hơn và công trình đã nên dáng, nên hình.

Con đường ghi dấu chân tình nguyện- Ảnh 1.

Các chiến sĩ tình nguyện hè 2024 cùng bê tông hóa đường Xương cá 1 tại ấp 3, xã Long Thới, huyện Nhà Bè (TP.HCM) - Ảnh: K.ANH

Không học xây dựng, nhưng trước khi ra quân Mùa hè xanh đều đã được tập huấn kỹ tỉ lệ vật liệu trộn bê tông thế nào nên chỉ cần có thợ lành nghề hướng dẫn là phối hợp nhịp nhàng luôn.

Chiến sĩ tình nguyện Đinh Hoàng Khương (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM) khoe đầy tự hào rồi nói tiếp: "Làm đúng chuẩn mới đảm bảo chất lượng công trình cho bà con sử dụng bền nhất có thể chứ!".

Làm cùng nhau, chúng mình rèn được tinh thần tập thể, biết cách phối hợp làm việc nhóm, hiểu hơn kỹ thuật thi công công trình xây dựng. Tất cả đều là hành trang quý giá cho tụi mình trong tương lai.

Sinh viên ĐINH HOÀNG KHƯƠNG (chiến sĩ Mùa hè xanh 2024)

Từ những giọt mồ hôi tình nguyện

Tiếng máy trộn bê tông rào rào. Máy dừng, các chiến sĩ Mùa hè xanh trút phần bê tông vừa trộn ra khu vực con đường đang được bê tông hóa từng đoạn theo hướng dẫn của anh Hưng, một thợ lành nghề ở địa phương. Rồi máy lại tiếp tục quy trình như thế với mẻ bê tông mới trong lúc thợ chính cán phẳng bề mặt đường.

Con đường Xương cá 1 đã xong hơn 90%. Tính toán của đội hình hơn chục sinh viên đến cuối chiến dịch là hoàn tất. Mấy bữa nay mưa nắng thất thường, đang nắng chang chang đó mà tự nhiên trời dịu hẳn, đám mây đen kéo đến cùng cơn mưa trút xuống. Đám chiến sĩ phải chạy đua với mưa kéo bạt che những mảng bê tông vừa đổ xuống còn chưa kịp ráo mặt cùng đống xi măng.

Chừng 20 phút, cơn mưa nhỏ dần rồi tạnh hẳn. Các bạn lại nổ máy cho mẻ bê tông mới. Đảm nhận bê tông hóa đoạn đường Xương cá 1 tại ấp 3, xã Long Thới, huyện Nhà Bè (TP.HCM) dài 220m, rộng 4m gồm chiến sĩ Mùa hè xanh Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) cùng chiến sĩ Hành quân xanh là dân quân xã và công an huyện. Ngoài ra còn có các chiến sĩ trung đoàn cảnh sát cơ động Đông Nam và bà con địa phương hỗ trợ.

Giảng viên trẻ Nguyễn Trí Dũng cùng 12 sinh viên đóng quân tại nhà dân gần con đường để tiện ra công trình. Hơn chục ngày qua, họ như những thợ xây thực thụ vì đã được tập huấn đầy đủ nên hầu như không bỡ ngỡ gì. Chưa kể trong đội có vài bạn đã lần thứ hai đi Mùa hè xanh nên càng quen việc.

Năm thứ hai đi Mùa hè xanh, Đinh Hoàng Khương nói đã quen với việc làm cầu, đường cũng vốn là thương hiệu của "thầy trò Bách khoa" nhiều năm rồi. "Được ở cùng nhà dân lúc đầu còn dè dặt nhưng rồi tụi mình dần quen với nếp sống gia đình nên hòa nhập tốt, còn học thêm kỹ năng giao tiếp, ứng xử, hiểu hơn đời sống bà con ngoại thành" - Khương nói.

Chú Tư - người dân ở ngay gần công trình - nói tụi nhỏ khác gì con cháu trong nhà đâu nên kêu mấy đứa con bữa nấu chè, bữa làm bánh mì cho tụi nhỏ ăn xế đỡ đói vì nhìn vậy chứ công việc cũng nặng.

"Tụi nhỏ sức làm không bằng thợ nhưng được cái nhiệt tình. Mơi mốt xong bà con đi lại sạch sẽ, thuận tiện hơn nhiều chứ trước giờ muốn vô sâu trong xóm phải vòng đường khác chứ mùa mưa đoạn này ngập nước, sình lầy khó đi lắm" - chú Tư cười.

Tình nguyện viên quốc tế góp sức

Con hẻm 121 ấp Gót Chàng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi (TP.HCM) dài gần 100m vừa hoàn thành, được khánh thành và bàn giao cho bà con khi còn hơn tuần nữa khép lại những ngày hè tình nguyện năm nay. Con hẻm do các tình nguyện viên quốc tế đến từ Malaysia cùng chiến sĩ Mùa hè xanh Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) và các bạn trẻ trong xã cùng bê tông hóa.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo - bí thư Xã Đoàn An Nhơn Tây - nói con hẻm sau khi hoàn thành không chỉ giúp bà con đi lại thuận tiện hơn mà đó còn là công trình ý nghĩa khi gắn kết tình bạn của thanh niên hai nước Việt Nam - Malaysia. Các bạn sinh viên Malaysia ngoài góp công đã ủng hộ một phần kinh phí mua vật liệu để bê tông hóa tuyến hẻm này.

Ngày khánh thành, bạn Liyana Sofia Binti Izham Reza - một thành viên trong đội hình tình nguyện viên Malaysia - hào hứng: "Những ngày làm đường có lúc nắng lúc mưa nhưng tất cả chúng tôi đều rất cố gắng sao cho có con đường đẹp hơn để mọi người cùng đi. Rồi các em nhỏ cũng dễ dàng đi lại hơn so với lúc chúng tôi mới đến thì đây là con đường đất đá lởm chởm".

Thay mặt bà con, phó bí thư thường trực Đảng ủy xã An Nhơn Tây Nguyễn Văn Dân bày tỏ lòng cảm ơn chiến sĩ tình nguyện cùng tình nguyện viên quốc tế đã góp công, góp của cùng tặng bà con địa phương món quà này. Cũng là đang cùng địa phương chăm lo đời sống cho người dân.

Mang niềm vui đến cho bà con

Tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh (TP.HCM), tuyến đường giao thông nông thôn ở ấp 14 do các chiến sĩ tình nguyện hè thực hiện vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đoạn đường hơn 100m đã được chiến sĩ Mùa hè xanh ĐH Kinh tế TP.HCM và các bạn trẻ trong xã vào vai thợ phụ trộn bê tông hỗ trợ thợ chính cùng làm.

Chị Nguyễn Huỳnh Thùy Dương - bí thư Xã Đoàn Phạm Văn Hai - nói nhờ các bạn trẻ ở xã và trường cùng hợp sức mà tiến độ thi công khá nhanh, chỉ mất chừng năm ngày đã ra dáng con đường của thanh xuân. Chị Dương cho biết trong xã có nhiều đường lớn đã được trải nhựa nhưng cũng còn không ít đoạn đường nhỏ dẫn vào các ấp hoặc từng xóm dân cư vẫn là đường đất nên đi lại khá vất vả.

"Lúc hay tin sẽ bê tông hóa tuyến đường ở ấp 14 bà con ai cũng khấp khởi mừng. Mong mỗi dịp hè chúng tôi sẽ cùng các chiến sĩ tình nguyện vận động nguồn lực, hỗ trợ bà con bê tông những đoạn đường nông thôn dẫn vào các ấp để bà con đi lại thuận tiện hơn là vui rồi" - chị Dương bày tỏ.

Chiến sĩ tình nguyện uống nước nhớ nguồn: Trách nhiệm nối bước truyền thốngChiến sĩ tình nguyện uống nước nhớ nguồn: Trách nhiệm nối bước truyền thống

Nhiều công trình, hoạt động đền ơn đáp nghĩa được các chiến sĩ tình nguyện góp tay tại khắp các mặt trận tình nguyện hè của TP.HCM ngày 27-7.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp