Mẹ con Lam Anh trong căn phòng chỉ rộng chưa tới 9m2 - Ảnh: T.B.D.
Giữa trưa nắng, tuyến đường từ TP Đà Nẵng dẫn về các huyện vùng ven nắng đỏ lửa. Tiếng rao lạc giọng của một người phụ nữ bán chổi giữa đám đông: 'Ai chổi hông? Thảm chùi chân hông?'. Người phụ nữ gầy gò đảo qua mấy ngã rẽ rồi hướng về một hẻm nhỏ ở đường Hùng Vương. Nơi đó, 12 năm có một người mẹ nghèo và cô con gái sống trong phòng trọ 9m2 để nuôi lớn một cuộc đời.
“Giờ em chỉ ước học thật nhanh, ra trường đi làm có tiền rồi đưa mẹ ra tiệm để mua một đôi dép, một bộ quần áo mới, vào nhà hàng ăn một bữa thật ngon bởi 18 năm nay tất cả mẹ đều đi xin lại, dành tất cả cho em.
NGUYỄN THỊ LAM ANH
"Mẹ đâu có khóc, con ơi..."
Nhịp sống trẻ ghi lại tâm sự, như nhật ký của người mẹ
"Hải Hòa, Hải Lăng, Quảng Trị một ngày buồn năm 2000. Mẹ và cha con cưới nhau được hơn một năm thì cha con qua đời. Hai mẹ con bơ vơ trong túp lều lợp bằng lá keo trên quả đồi heo hút. Không có anh em, họ hàng. Mẹ bế con mới 8 tháng tuổi đang nằm đỏ hỏn trong tay, nhìn mái nhà trống trơn và cô đơn cùng cực. Bế tắc, hết đường nương náu, mẹ đành nuốt nước mắt bọc con trong tấm áo bỏ làng ra đi".
"10h sáng. Mẹ ôm con đứng ở gốc đa chợ Cồn, thành phố Đà Nẵng. Chuyến xe đường dài làm mẹ con mình mệt lả. Những giọt sữa chảy tràn ướt ngực mẹ. Con ngủ ngon trong tấm áo. Thành phố đông quá. Nhưng con ơi! Mẹ biết bắt đầu từ đâu?".
"Trời ơi, đứa bé dễ ghét quá à. Chị không có nuôi thì đưa tôi nuôi cho. Tôi ở Đà Nẵng, địa chỉ ở đây, sau này có khá hơn thì tìm tới nhận con" - một người bán hàng ở chợ Cồn khi biết mẹ bế con đi vào thành phố, bà ấy đã nói với mẹ như thế. Nhưng con ơi, làm sao mẹ có thể bỏ con được. Nhìn vào khuôn mặt con nước mắt mẹ chực trào".
"Mỗi ngày mẹ vẫn bế con đến chùa để lạy Phật, xin cơm để có sữa cho con mẹ bú. "Tôi thấy ngày nào chị cũng tới đây để lạy. Có một Việt kiều ở Mỹ, họ muốn nhà chùa xin cho một đứa trẻ để nuôi. Nếu chị đồng ý thì 18 tuổi tôi sẽ đưa cháu trở về". Lần thứ hai người ta xin mẹ để nuôi con. Nhưng làm sao mẹ có thể làm thế".
"Thuận Phước những năm 2002. Vậy là mẹ con mình đã qua hai năm bế nhau lang thang ở thành phố. Chúng ta thật hạnh phúc khi có một người tốt cho một chỗ ở".
"Con vào lớp 1. Mẹ vui lắm, mẹ đi bán vé số, mẹ đưa con đi khắp nơi. Mẹ đã bật khóc khi thấy dòng chữ đầu tiên con viết lên tường vào ngày đầu tiên con biết viết tròn chữ: "Mẹ ơi, con yêu mẹ rất nhiều".
"Con lớn nhanh hơn mẹ nghĩ. Mỗi lúc mẹ đưa con từ trường về phòng trọ, mệt nhoài nhưng tiếng cười nói hồn nhiên của con làm mẹ thêm sức lực. Con gái mẹ chẳng bao giờ đòi hỏi. Nguyễn Thị Lam Anh - cái tên do cha đặt, dù cha chẳng còn nhưng cái tên ấy thật đẹp".
"Đà Nẵng mùa thi 2015. Điện thoại mẹ rung lên khi đang nhặt đồng nát. Thầy giáo của con nói như reo: "Chị ơi, cháu đậu vào trường chuyên rồi". Mẹ vứt mớ chai nhựa, lao về phòng trọ như điên loạn. Mấy người nhặt ve chai cũng tập trung kín chỗ mẹ con mình ở.
Cầm tờ giấy trúng tuyển vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Đà Nẵng) lúc đó mẹ khóc. Tờ giấy ướt nhòe trên đầu gối. Con hỏi sao mẹ lại khóc, lúc đó mẹ chỉ bảo: "Ừ, thì do trời nắng, mẹ đi xe đường xa về nên mắt bị cát vào làm sưng đấy thôi. Mẹ đâu có khóc".
"Hôm nay con mẹ lại làm mẹ khóc nhiều hơn nữa. Con đã đậu đại học với thành tích tuyển thẳng. Con ơi, vinh hoa phú quý nào bằng. Con gái bé bỏng của mẹ kiên cường và mạnh mẽ như một nhành xương rồng trồi lên mọi thiếu thốn, khô khát, ngăn trở".
"Mẹ ơi! Con hạnh phúc vì được làm con của mẹ"
Những hàng nước mắt vẫn tuôn chảy trên gò má người phụ nữ quê gốc Quảng Trị Nguyễn Thị Thu Hà - người nhặt ve chai nổi tiếng ở chợ Hàn với hành trình 18 năm nay một tay ôm con vào Đà Nẵng.
Lam Anh là một trong những học sinh có thành tích học tập nổi bật nhất Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Đà Nẵng và cũng là thí sinh vừa được tuyển thẳng vào đại học với học bổng toàn phần tại Trường ĐH Duy Tân, Đà Nẵng.
Căn phòng trọ nằm sâu trong hẻm đường Hùng Vương tối om chỉ 9m2 suốt 12 năm nay là chỗ ở của hai mẹ con Lam Anh.
Thầy Hoàng Kim Mỹ, giáo viên địa lý Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, cho biết suốt ba năm đi học, Lam Anh luôn nằm trong suy nghĩ đầu tiên của các thầy cô mỗi khi có khoản thưởng hay học bổng.
"Học sinh Lê Quý Đôn học rất giỏi, nhưng Lam Anh vẫn học vượt trội, ba năm liền là học sinh giỏi toàn diện, hai năm cuối cấp đạt học sinh giỏi quốc gia môn địa lý. Với một người có hoàn cảnh cá biệt như vậy, kết quả đó thực sự là điều thần kỳ" - thầy Được nói.
Mấy hôm nay, phòng trọ của hai mẹ con mỗi ngày như thêm chật chội hơn. Những con búp bê thêu bằng len do Lam Anh tự tay làm mỗi ngày lại đầy lên trong góc phòng.
Suốt những năm cấp III, những món hàng đó cùng với khoản học bổng đã giúp cô học trò nghèo nuôi ước mơ. Giờ đây trước lúc vào đại học, Lam Anh sẽ mang theo những cuộn len đó vào giảng đường để đan thêu đồ đạc bán lấy tiền trang trải nhập học.
Khởi động trao 150 suất học bổng "Tiếp sức đến trường" đợt đầu tiên
Hôm nay 24-8 tại TP Hội An, Quảng Nam, báo Tuổi Trẻ tổ chức trao 150 suất học bổng "Tiếp sức đến trường" năm 2019 cho tân sinh viên Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Trong đó Quảng Nam là 120 suất và Đà Nẵng 30 suất. Có 15 em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được xét suất đặc biệt trị giá 15 triệu đồng và 135 em nhận học bổng trị giá 10 triệu đồng cùng quà tặng năm học mới. Học bổng được trao bằng thẻ ATM nhằm hưởng ứng ngày không dùng tiền mặt, giúp các bạn tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tiện ích xã hội.
Mở đầu tại Quảng Nam, học bổng "Tiếp sức đến trường" 2019 sẽ tiếp tục hành trình đến với tân sinh viên cả nước với các điểm trao tại Quảng Trị, Huế, Khánh Hòa, Bến Tre, Cần Thơ, Lâm Đồng, Hà Nội và TP.HCM. Tổng số suất hiện tại là 1.115 suất.
LÊ TRUNG
Tân sinh viên khó khăn, hãy gọi Tuổi Trẻ
"Không để nghèo khó chặn đứng ước mơ của những tân sinh viên khó khăn nhưng có khát khao vươn lên" - đây là thông điệp nhiều năm qua của báo Tuổi Trẻ. Năm học 2019-2020, báo Tuổi Trẻ vẫn đồng hành và cam kết sẽ là điểm tựa vững chắc cho những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có khát vọng vươn lên.
Dự kiến trong năm 2019-2020 chương trình sẽ dành khoảng 1.000 suất học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển đại học, cao đẳng với số tiền 10 triệu đồng/suất và 15 triệu đồng cho suất đặc biệt.
Ban biên tập báo Tuổi Trẻ rất mong bạn đọc giới thiệu những tân sinh viên học giỏi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ bỏ học nếu không được tiếp sức kịp thời qua email: [email protected] hoặc điện thoại: 028.3997.3838.
Thông tin nộp hồ sơ học bổng 2019 TẠI ĐÂY. Thời hạn nhận hồ sơ: ngày 30-8-2019.
Đồng thời, bạn đọc có thể đồng hành với báo Tuổi Trẻ ủng hộ kinh phí học bổng, chỗ ở, phương tiện học tập... cho tân sinh viên, giúp các bạn vững tin trong học tập. Đây sẽ là sự hỗ trợ ban đầu và động lực tinh thần để các tân sinh viên tự tin viết tiếp ước mơ cuộc đời. Ngoài học bổng, chương trình rất mong được sự hỗ trợ thêm chỗ ở, việc làm hay phương tiện đi lại, dụng cụ học tập...
Kinh phí ủng hộ học bổng có thể đóng góp trực tiếp tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ các khu vực. Hoặc chuyển khoản vào tài khoản báo Tuổi Trẻ số 113000006100, Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM hoặc ví điện tử MoMo "Chung tay cùng Tuổi Trẻ". Nội dung chuyển tiền: "Ủng hộ học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận