03/11/2013 07:30 GMT+7

Còn dư địa tăng thu, giảm chi

M.HƯƠNG - V.V.THÀNH - L.KIÊN
M.HƯƠNG - V.V.THÀNH - L.KIÊN

TT - Ngày 2-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014, sơ kết ba năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 và phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016.

* Chống bệnh thành tích trong làm luật

MASUECOk.jpgPhóng to
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) - Ảnh: V.Dũng

Lo lắng trước tình hình ngân sách đang trong tình trạng “giật gấu vá vai”, các đại biểu đã vạch ra nhiều dư địa còn có thể khai thác để tăng nguồn thu cho quốc gia.

Có đổi mới, có đột phá mới có hiệu quả

Tôi đề nghị trong điều hành ngân sách cần phải có đổi mới, có đột phá mới có hiệu quả”

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa)

Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) phân tích: “Tôi cho rằng còn dư địa để tăng thu ngân sách. Thứ nhất, khí là tài nguyên của quốc gia, lợi ích kinh tế từ khí trước hết thuộc về nhân dân mà phải nộp về ngân sách nhà nước. Tôi đề nghị Chính phủ cần tính toán tiền chênh lệch giá khí của hai hợp đồng mà Chính phủ đã ký tại bể Nam Côn Sơn và bể Cửu Long. Số tiền này để lại cho Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam theo tỉ lệ như để đối với dầu, phần còn lại thu về cho ngân sách. Theo tính toán giá khí nếu như hiện nay thì mỗi năm chúng ta có khoảng 10.000 tỉ đồng, nếu để lại cho Tập đoàn dầu khí quốc gia từ 2.500-3.000 tỉ đồng thì còn tới 7.000 - 7.500 tỉ thu về cho ngân sách.

Thứ hai, tôi đề nghị thu bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà Nhà nước không cần tham gia vốn, mạnh dạn cho bán vốn nhà nước ra thị trường để nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời có thêm nguồn lực cho đất nước với số tiền có thể nhiều chục nghìn tỉ đồng.

Thứ ba, thu từ hành vi chuyển giá, gửi giá. Tôi đề nghị phải xem chuyển giá, gửi giá là hành vi lừa đảo, gian lận, trốn thuế, nên chế tài xử lý phải thu hồi ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền phát hiện do hành vi chuyển giá, gửi giá”.

Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) cung cấp một địa chỉ giảm chi: “Có thể tiết kiệm các nguồn mua sắm trụ sở, khởi công, khánh thành, kỷ niệm, đặc biệt là biên chế bộ máy ngày càng phình ra không quản lý kiểm soát có hiệu quả. Phải gương mẫu làm, làm từ trên xuống dưới, phải có địa chỉ rõ ràng và phải quy trách nhiệm rõ ràng”. Ông Kiêm cũng đề xuất khẩn trương việc sửa Luật ngân sách, sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và đặc biệt chú ý đến kỷ luật thu, kỷ luật chi, công khai vi phạm để có một nền ngân sách nghiêm túc, có chất lượng bền vững”.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đề xuất: “Có những giải pháp rất rõ rồi nhưng tôi đề nghị nên kiên quyết, ví dụ khoán xe công, khoán chi tiêu, cho thuê trụ sở. Những công việc này người ta làm rất hiệu quả. Không phải cứ đến tết chụp ảnh các xe công đi chùa là được. Những giải pháp này có hiệu quả, giảm chi tiêu nhiều tại sao chúng ta không làm. Tôi đề nghị trong điều hành ngân sách cần phải có đổi mới, có đột phá mới có hiệu quả”.

K0HdQ8A7.jpgPhóng to
Đại biểu Võ Thị Dung - Ảnh: M.Hương

Không có dự án mới “nhảy” vô đòi bố trí vốn trái phiếu

Giải trình trước yêu cầu Chính phủ phải làm rõ từng địa chỉ cụ thể các dự án phải bổ sung bằng vốn trái phiếu Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: “Vấn đề mà các đại biểu băn khoăn ở đây là phải có địa chỉ cụ thể cho việc sử dụng này và điều này tôi thấy hoàn toàn đồng ý. Tôi thấy đó là một đòi hỏi rất chính đáng. Chính tôi cũng đề xuất nên minh bạch toàn bộ những vấn đề này trước Quốc hội mà được Quốc hội thông qua là yên tâm nhất, tốt nhất. Chúng ta không có một lợi ích nào khác ngoài lợi ích là sử dụng tốt nhất đồng tiền của nhân dân”.

Ông Vinh thông tin tiếp: “Loại thứ nhất là chúng ta ưu tiên cho quốc lộ 1 và quốc lộ 14 thì hai dự án này đều đã có danh mục chi tiết cho từng gói thầu. Thứ hai là các dự án đang đầu tư dở dang trong giai đoạn 2012-2015. Tên danh mục có rồi vì danh mục đó Chính phủ đã trình trước Quốc hội là không bổ sung một danh mục nào nằm ngoài danh mục Quốc hội đã phê duyệt vào năm 2011, trước đây là trên 1.400 dự án, nay đã hoàn thành và thanh toán thì còn hơn 800 dự án. Việc rà soát này chúng tôi nắm trong tay từng dự án về tổng mức của bộ, ngành và địa phương”.

“Không có một danh mục nào mới nhảy vào đây ngoài cái mà Quốc hội đã quyết định năm 2011. Đó chỉ là những danh mục đang thi công, nên các đại biểu không lo chuyện sẽ có danh mục mới mà lại bố trí thế này thế kia. Hiện nay chúng tôi đang trình nguyên tắc, Chính phủ đã thông qua nguyên tắc bố trí cho cái này” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định.

* Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua.

Tại Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, nhiều đại biểu đề nghị phải chống bệnh thành tích trong công tác xây dựng pháp luật. Phó chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nói phải hết sức tránh bệnh thành tích trong hoạch định chính sách, không chạy theo việc một năm Quốc hội ban hành bao nhiêu luật, ban hành cấp tập nhiều quá sẽ dẫn đến những lỗ hổng pháp luật có thể bị lợi dụng. Đồng tình với quan điểm này, trung tướng Đỗ Kim Tuyến (phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) cho rằng hiện nay có nhiều quy định pháp luật khó đi vào cuộc sống, trong khi đó thực tế vi phạm lĩnh vực này, lĩnh vực khác xảy ra tràn lan lại không xử lý được. “Không nên tính thành tích là đã cho ra đời nhiều luật” - ông Tuyến nói.

Tôi xin phép chuyển đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề, nội dung chi tiết còn chưa rõ ràng liên quan đến việc đầu tư luồng vận tải tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố.

Tôi cho rằng các kiến nghị của GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân nêu lên những vấn đề xác đáng trong quá trình triển khai nghiên cứu và chuẩn bị, quyết định dự án đầu tư luồng tàu biển qua kênh Quan Chánh Bố để vào sông Hậu cần phải được xem xét, lý giải rõ ràng. Vì vậy, một lần nữa tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về việc giải trình đầy đủ đối với 10 kiến nghị do giáo sư Nguyễn Ngọc Trân nêu ra, thông tin công khai cho các đại biểu Quốc hội có thông tin khách quan, khoa học để quyết định đúng đắn về dự án này.

ĐBQH NGUYỄN THÀNH TÂM

Đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM):

Phải lấy hiệu quả đầu tư làm thước đo

Dự án luồng tàu biển sông Hậu, các chuyên gia đã có ý kiến khẳng định tính cần thiết nhưng tính khả thi của dự án thì không có. Tác động môi trường đánh giá cũng chưa đầy đủ. dự án này, các đại biểu vùng đồng bằng sông Cửu Long rất tha thiết muốn thực hiện, điều đó cũng chính đáng. Nhưng đầu tư cái gì phải đánh giá nghiêm túc, phải lấy hiệu quả đầu tư làm thước đo trước tiên. Ta đầu tư rất lớn, trong khi đã có cảnh báo của chuyên gia. Trước đây, dự án định vay vốn của Ngân hàng Thế giới nhưng do dự án không khả thi nên người ta không cho mình vay. Có phải chăng do ý nghĩa chính trị quá lớn mà mình cứ phải đầu tư vào đó mà không tính đến hiệu quả lâu dài?

Hôm trước, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói đây là dự án rất cấp bách, không thể không đầu tư. Nhưng đầu tư rồi có ai dám cam kết về hiệu quả không? Chính phủ có cam kết không? Nếu mà sau này đầu tư không hiệu quả thì ai chịu trách nhiệm? Quốc hội quyết thì rõ ràng Quốc hội chịu trách nhiệm, nhưng Quốc hội cũng chỉ chịu trách nhiệm theo nhiệm kỳ. Hết nhiệm kỳ rồi hậu quả đó đâu ai chịu? Nếu nói Quốc hội chịu thì cũng chỉ chịu trách nhiệm về mặt chính trị mà thôi. Tôi muốn mình thật cân nhắc chuyện này, bởi mình không có tiền, mình phải đi vay đi mượn. Nếu biết đầu tư không hiệu quả mà vẫn cứ làm thì quả là không đáng.

Tôi cho là tình hình đất nước bây giờ buộc mình phải chắt chiu. Thực tế đã có rất nhiều dự án đầu tư không hiệu quả nhưng cuối cùng không ai chịu trách nhiệm.

MAI HƯƠNG ghi

__________________

Quan sát nghị trường

Chưa rõ địa chỉ trách nhiệm

Đã có 64 đại biểu Quốc hội và năm thành viên Chính phủ đăng đàn trong hơn một ngày Quốc hội thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, việc thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Biên bản ghi toàn văn các phát biểu dài hơn 100 trang giấy. Những nội dung phong phú và đa dạng đó phần nào dựng lên bức tranh về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay. Bức tranh có nhiều gam màu tươi sáng, như Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi tổng kết phần thảo luận đã nói. Đó là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiềm chế, dự trữ ngoại hối tăng lên bảo đảm 12 tuần nhập khẩu... Nhưng trong bức tranh vẫn còn nhiều gam màu xám như đà phục hồi kinh tế chưa vững chắc, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, nhiều giải pháp chậm triển khai, chưa giải quyết tận gốc những vấn đề nổi cộm của nền kinh tế như nợ xấu ngân hàng, số lượng doanh nghiệp phá sản lớn, tái cơ cấu kinh tế còn chậm, ba khâu đột phá chưa có hiệu quả cao, bội chi tăng trong khi chi tiêu vẫn còn lãng phí.

Đâu là nguyên nhân chính khiến bức tranh còn nhiều gam màu xám như vậy? “Các đại biểu cho rằng việc chậm đổi mới thể chế và cải cách hành chính là rào cản lớn nhất trong phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, cơ chế chịu trách nhiệm không rõ ràng, kỷ luật, kỷ cương hành chính không nghiêm đã tác động và làm giảm hiệu quả điều hành của Chính phủ, tác động không nhỏ đến đời sống xã hội của đất nước” - Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Rõ ràng chỉ với một vụ việc gây chấn động dư luận xã hội diễn ra mới đây là vụ việc ở thẩm mỹ viện Cát Tường, cho đến nay dư luận vẫn không rõ cơ quan, cá nhân nào chịu trách nhiệm chính và chế tài đối với trách nhiệm quản lý nhà nước ra sao? Và còn nhiều vấn đề khác gây bức xúc cho người dân nhưng không rõ địa chỉ trách nhiệm, dù hệ thống cơ quan quản lý từ địa phương đến trung ương đều có cả. Nên có đại biểu đã ví von là chúng ta đang để “tồn kho” trách nhiệm. Thậm chí có ý kiến cho rằng tồn kho này là đáng lo nhất, vì xã hội sẽ không thể phát triển được nếu người làm tốt cũng được đánh giá như người làm không tốt.

Không thể để những thảo luận của đại biểu Quốc hội trên nghị trường chỉ như lời một bài hát “mang đến lại mang về”, kỳ sau lại mang đến... Kết luận của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cần được đưa vào nghị quyết của Quốc hội để thực hiện ngay trong thời gian tới. Đó là: “Có cơ chế đánh giá trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước của các bộ ngành và những hạn chế yếu kém. Những năm sau trong báo cáo của Chính phủ cần ghi rõ những địa chỉ nào yếu kém hạn chế nhiều để đại biểu Quốc hội giám sát đánh giá”.

M.HƯƠNG - V.V.THÀNH - L.KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp