12/09/2020 07:40 GMT+7

Con đến trường, cha mẹ lo nơm nớp

CHUNG THANH HUY
CHUNG THANH HUY

TTO - Hơn một tuần trôi qua, kể từ khi học sinh bắt đầu năm học mới. Nếu con trẻ náo nức bao nhiêu vì được quay lại với trường lớp thì ngược lại là tâm trạng trĩu nặng của không ít bậc phụ huynh, mà đáng nói nhất là sự an toàn của con khi ở trường.

Con đến trường, cha mẹ lo nơm nớp - Ảnh 1.

Công an huyện và Viện kiểm sát huyện Nam Đàn khám nghiệm hiện trường vụ việc trưa 11-9 - Ảnh: DOÃN HÒA

Liên tiếp các tai nạn thương tâm xảy ra là hồi chuông báo động về an toàn trường học, khiến học sinh đến trường mà lo nơm nớp.

Sự cố liên tiếp

Ngày 7-9, cánh cổng của Trường mầm non bản Phung, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai bất ngờ đổ sập khiến 3 học sinh tử vong, 3 học sinh khác bị thương. Vụ tai nạn không chỉ mang tới nỗi đau, sự mất mát quá lớn cho gia đình nạn nhân mà còn gây nên nỗi bàng hoàng, lo lắng về sự an toàn của cơ sở vật chất, công trình xây dựng tại các trường học.

Ngày 9-9, một số phụ huynh Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) phản ảnh trường học này đã bỏ quên một học sinh lớp 3 trên xe đưa đón. Rất may, học sinh này sau đó đã tự mở được cửa xe để đi vào trường.

Cũng trong ngày này, Tòa án nhân dân TP Đồng Hới (Quảng Bình) đã tuyên phạt Phạm Đình Luận 12 tháng tù giam về tội "dâm ô đối với người dưới 16 tuổi". Được biết, vào ngày 18-5 Luận đã trèo hàng rào vào bên trong khu nhà vệ sinh và dâm ô nữ sinh tiểu học.

Ngày 10-9, tại Trường tiểu học Kim Đồng, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai, một chiếc quạt trần đang quay bất ngờ rơi xuống trong giờ ra chơi khiến một em học sinh lớp 2 bị thương ở trán.

Mới nhất, sáng 11-9, bức tường rào nhà dân ở sát cổng Trường tiểu học Nam Lộc, huyện Nam Đàn (Nghệ An) đổ sập, đè trúng một học sinh lớp 5 khiến em này tử vong.

Trước đó đã từng có những học sinh tử vong hoặc bị thương do tủ ngã đè trúng khi đang chơi đùa, do cây phượng ngã đổ trong sân trường, hoặc bị điện giật trong quá trình lao động trong trường... Có những tai nạn hi hữu, khó đoán trước. Nhưng cũng có trường hợp là sự chủ quan của những người có trách nhiệm.

Dự phòng các tình huống xấu

Nói về nguy cơ tiềm ẩn thì nhìn ở đâu cũng có, tại nhà cũng như các địa điểm công cộng, đặc biệt là trường học. Về phía nhà trường, có những việc cần phải hành động ngay, mà trước hết là phải rà soát tất cả các khâu liên quan tới an toàn học đường và thực hiện tốt công tác tự kiểm tra tại nhà trường. Không phải đợi đến khi có đoàn kiểm tra về thực hiện việc kiểm tra, mà bản thân mỗi nhà trường phải luôn thực hiện công tác tự kiểm tra. Người quản lý phải có những quy trình thật cụ thể trong việc xử lý các tình huống và đặc biệt là phải biết dự phòng các tình huống có thể xảy ra.

Hàng loạt sự cố ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của học sinh chính là tiếng chuông cảnh tỉnh về vấn đề an toàn trường học. Thực tế cho thấy vì áp lực, vì thành tích nên lãnh đạo trường cũng quên đi những công việc nhằm đảm bảo an toàn và tạo ra một môi trường giáo dục thân thiện.

Bảo đảm an toàn cho học sinh là rất khó, vì thế rất cần người đứng đầu có tâm huyết, hết lòng, suy nghĩ nhiều về sự an toàn. Vì nếu chỉ nghĩ đến chuyện học hành, kết quả thi, thi đua... thì khó tránh khỏi những điều đáng tiếc xảy ra, không bị chỗ này thì bị chỗ khác, không bị lúc này sẽ bị lúc kia.

Cần phải có quy định ở các trường, quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân. Đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc làm sao để bảo đảm an toàn từ vệ sinh an toàn thực phẩm cho đến các vấn đề khác. Như vậy mới có một cộng đồng trách nhiệm và hạn chế đến mức thấp nhất những điều đáng tiếc xảy ra. Có vậy mới mong "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" không chỉ với học sinh, nhà trường mà cả với phụ huynh chúng tôi.

Tường trước cổng trường đổ đè chết học sinh lớp 5

Khoảng 8h45 sáng 11-9, trong giờ ra chơi, em Nguyễn Hoài Linh (11 tuổi, học sinh lớp 5C, Trường tiểu học Nam Lộc, xã Thượng Tân Lộc, huyện Nam Đàn, Nghệ An) chạy ra ngoài chơi ở khu vực tường rào trước cổng trường thì bất ngờ bức tường đổ sập, đè trúng người.

Phát hiện sự việc, người dân và thầy cô liền đưa em Linh tới trạm y tế xã rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa huyện Nam Đàn cấp cứu nhưng em không qua khỏi. Tại hiện trường, bức tường được làm bằng gạch không nung ngăn cách nhà dân và trường học có nhiều đường nứt nẻ, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn - chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An - cho biết về quy định trong thời điểm giờ ra chơi, các trường học phải đóng cổng trường, không để học sinh ra bên ngoài khuôn viên trường. Tuy nhiên, theo báo cáo ban đầu từ Trường tiểu học Nam Lộc, lúc xảy ra sự việc, bảo vệ trường mở cổng để vận chuyển một số cây xanh vào trang trí trong trường thì em Linh chạy ra ngoài và chơi gần bức tường dẫn đến vụ việc đau lòng.

DOÃN HÒA

Tường đổ đè chết học sinh: ‘Trường biết tường hư hỏng nhưng chưa có tiền sửa’ Tường đổ đè chết học sinh: ‘Trường biết tường hư hỏng nhưng chưa có tiền sửa’

TTO - Trước khi bức tường đổ đè chết nam sinh lớp 5 ở huyện Nam Đàn, Nghệ An, lãnh đạo nhà trường giải thích rằng đã biết bức tường hư hỏng nhưng do nguồn kinh phí eo hẹp nên chưa có điều kiện sửa chữa.

CHUNG THANH HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp