28/12/2015 15:16 GMT+7

Côn Đảo nguy cơ thành bãi rác đại dương

ĐÔNG HÀ
ĐÔNG HÀ

TT - Bên cạnh các bãi biển trong lành, sạch sẽ, Côn Đảo cũng có những bãi biển, những hòn đảo nhỏ ngập đầy rác.

Rác thải trên bãi Dong, Côn Đảo (ảnh chụp chiều 19-12) - Ảnh: Đông Hà
Rác thải trên bãi Dong, Côn Đảo (ảnh chụp chiều 19-12) - Ảnh: Đông Hà

Đó là những bãi biển chưa mở khu du lịch nằm ngay trên hòn đảo chính Côn Sơn hay dưới những tán lá cây rừng ngặp mặn nằm ở những hòn đảo khác. Côn Đảo trong sạch có khả năng bị biến thành bãi rác đại dương nếu không được tổ chức dọn rác hằng năm...

Rác ngập bãi biển, rác bám rừng ngập mặn

Bãi Dong (khu vực Cỏ Ống, Côn Đảo) chiều 19-12-2015. Đây là bãi biển có phần giữa tiếp giáp với đường băng cất cánh của sân bay Cỏ Ống dài chừng 3km, một trong những bãi biển đẹp, còn hoang sơ, chưa có khu du lịch kinh doanh.

Bãi biển khá bằng phẳng, uốn lượn như một vòng cung nhưng lại ngập tràn rác. Rác ở đây không thiếu một thứ gì, từ phao, xốp đến chai lọ, giày dép, tay lưới, dây dù, từ những cành củi khô đến những cây tre dài.

Rác mắc kẹt trong hốc đá. Rác nằm vùi dưới cát. Bãi biển này chỉ có rác và rác. Bãi Dong có suối nước ngọt tên “suối Ớt” chảy ra biển, đoạn tiếp giáp của con suối với bờ biển có một hồ nước, rác nổi lềnh bềnh quanh hồ nước, có nơi rác đóng thành tầng và bị cát trắng phủ lên trên.

Một thợ hồ đang thi công công trình ở gần bãi Dong cho biết cứ mỗi lần rác tấp vào, người dân địa phương lại đến bãi để tìm nhặt những thứ còn dùng được về tận dụng.

Có người kiếm được cần câu. Có người lấy được chai thủy tinh đẹp. Ở đây còn có rác nhiễm dầu như can chứa dầu bị vứt bỏ, những sợi dây dù bị ngấm dầu đen. Sau vài chục phút đi trên bãi Dong, đôi giày thể thao trắng trở thành màu đen, dầu hắc dính đầy.

Đến hòn Bảy Cạnh - một hòn đảo nổi tiếng rùa biển lên đẻ trứng, rác tấp vào hoặc dạt khắp nơi thành từng mảng, chủ yếu cũng là các loại rác sinh hoạt, khó phân hủy như chai thủy tinh, chai nhựa, lưới rách, dây dù...

Khi thủy triều cạn, trên những cành cây, rễ cây lộ ra những bao nilông treo lủng lẳng. Một cán bộ kiểm lâm cho biết hòn Bảy Cạnh có bảy bãi gồm: bãi Cát Lớn, bãi Xi Măng, bãi Sạn, bãi Nhà Kho, bãi Giông, bãi Bờ Đập và bãi Dương, tất cả các bãi đều có rác nhưng bãi Bờ Đập là nhiều rác nhất.

Anh Nguyễn Văn Anh, quyền trạm trưởng Trạm kiểm lâm Bảy Cạnh, cho hay không thể ước tính được số lượng rác trên hòn Bảy Cạnh nhưng gom lại cũng cỡ vài trăm khối.

Theo anh Anh, rác từ ngoài biển tấp vào hòn theo hai mùa gió đông bắc (gió chướng) và tây nam. Gió đông bắc từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau rác ngập vào bãi Bờ Đập. Còn gió tây nam từ tháng 4 đến tháng 9 gió thổi rác vào bãi Cát Lớn.

Nguy cơ thành bãi rác

Rác tấp vào Côn Đảo xuất phát từ nhiều nguồn. Nguồn do ngư dân xả rác trên biển, nguồn theo dòng hải lưu chảy “tứ phía” từ các nước láng giềng. Lượng rác tấp vào thì nhiều nhưng biển “lôi” ra lại rất ít, vì rác bị mắc kẹt trong những hốc đá, lùm cây, bị cát che phủ.

Ông Nguyễn Khắc Pho, phó giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo, cho biết anh em kiểm lâm ngoài nhiệm vụ chính còn phải làm thêm việc phụ là dọn rác. Vào những ngày như “Môi trường thế giới” 5-6, vườn và chính quyền huyện có tổ chức dọn rác nhưng dọn không xuể.

Còn theo Trạm kiểm lâm Bảy Cạnh thì anh em trong trạm chỉ đủ sức dọn và làm sạch những nơi du khách thường đến tham quan hay bãi rùa lên đẻ.

Ông Lê Tân Cương, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết việc ngăn chặn rác thải tấp vào các hòn, bãi ở Côn Đảo vào mùa gió chướng là không thể.

“Nếu rác tích lũy hằng năm và gia tăng khối lượng thì rất nguy hiểm, không tốt cho môi sinh, môi trường, nhất là Côn Đảo được định hướng phát triển du lịch sinh thái biển” - ông Cương nói.

Ông Nguyễn Thành Chính, chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, cũng thừa nhận thực trạng rác dồn, tấp vào Côn Đảo khi mùa gió chướng đến. Nhưng ban ngành chức năng của huyện không thể xử lý kịp vì lượng rác quá nhiều.

Theo tìm hiểu, chuyện rác thải tấn công Côn Đảo có từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, dường như sự việc không được báo cáo lên cấp cao hơn. Khi đề cập chuyện rác thải ở Côn Đảo, một cán bộ của ngành môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tỏ ra bất ngờ và nói “không được báo cáo”.

Theo thạc sĩ Bùi Hoài Nam - phó viện trưởng Viện Khoa học môi trường (Tổng cục Môi trường), với các hình ảnh cho thấy rác ở Côn Đảo là rác thải sinh hoạt, trong đó có các chất thải rắn khó phân hủy như cao su, chai nhựa, dây thừng, lưới đánh cá...

“Nếu không được thu gom kịp thời sẽ ngày càng làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường.

Hậu quả trực tiếp của nó sẽ gây nhiễm độc các loại thủy hải sản nuôi trồng, khu vực đánh bắt ven bờ, làm suy thoái tới các hệ sinh thái ven biển quan trọng như rạn san hô, thảm cỏ biển, các động vật biển quý hiếm, mất bãi đẻ của các loài rùa biển... Đồng thời nó còn gây tác động tiêu cực tới cảnh quan các bãi biển” - thạc sĩ Nam nhấn mạnh.

Nước rỉ của bãi chứa rác gây ô nhiễm

Theo Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay trên địa bàn huyện Côn Đảo mỗi ngày phát sinh khoảng 10 tấn rác thải sinh hoạt do ban quản lý công trình công cộng thu gom được.

Còn rác thải sinh hoạt tại khu dân cư số 1 (Cỏ Ống) chưa thu gom được do đường nhỏ, xe vận chuyển không đến lấy rác được.

Hiện lò đốt rác của huyện này chỉ xử lý được 5 tấn/ngày nên lượng rác còn lại phải tập kết ở bãi rác trên đường đi từ trung tâm huyện ra cảng Bến Đầm.

Bãi rác này đang quá tải và chứa khoảng 60.000m3 rác, diện tích bãi rác chỉ còn khoảng 300m2. Đáng chú ý, do chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác nên khi trời mưa, nước rỉ rác sẽ chảy trực tiếp ra khu vực biển Bãi Nhát.

ĐÔNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp