21/12/2022 15:45 GMT+7

Côn Đảo - ‘ngôi nhà’ an toàn của rùa biển

ĐÔNG HÀ
ĐÔNG HÀ

30 năm qua, hàng triệu rùa biển - động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu - được thả về đại dương từ Côn Đảo. Hòn đảo này đã trở thành “ngôi nhà” an toàn của rùa biển.

Côn Đảo - ‘ngôi nhà’ an toàn của rùa biển - Ảnh 1.

Rùa mẹ lên bãi biển Côn Đảo đào tổ đẻ trứng - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Ông Nguyễn Khắc Pho, giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo, cho biết sau 30 năm thành lập, đến nay một trong những việc làm có ý nghĩa quan trọng với địa phương và toàn thế giới chính là việc Côn Đảo đã trở thành nơi an toàn cho loài rùa biển.

Rùa biển là loài động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu và đang được sự quan tâm bảo vệ đặc biệt của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Tạo sinh cảnh cho rùa đẻ trứng, xây hồ ấp trứng rùa

Từ năm 1991, Vườn quốc gia Côn Đảo (huyện Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu) bắt đầu nghiên cứu về rùa biển cũng như cứu hộ trứng rùa biển. Tuy nhiên lúc này công việc khá đơn giản, chưa khoa học và chuyên nghiệp.

Đến năm 1995, đại diện Quỹ Quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) đến Côn Đảo ghi nhận những việc làm bảo tồn loài rùa biển ở đây và đã tài trợ cho những người làm cứu hộ rùa biển ở Côn Đảo sang Philippines tập huấn.

Từ đó trở đi, việc "cứu hộ" tổ rùa biển khoa học hơn, mang lại hiệu quả rõ rệt. Đó là di dời trứng từ vùng có nguy cơ ngập nước khi thủy triều lên đến vùng cao hơn để trứng không hư. Đồng thời, xây các hồ ấp trứng rùa biển. Ngoài ra, còn làm thẻ inox gắn vào rùa mẹ để theo dõi, ghi nhận đặc điểm sinh học của chúng.

Côn Đảo - ‘ngôi nhà’ an toàn của rùa biển - Ảnh 2.

Kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo cứu hộ tổ rùa biển đưa về ấp nhân tạo - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Ông Trần Đình Huệ - phó giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo - cho biết, nếu không thực hiện cứu hộ tổ rùa biển thì tỉ lệ nở chỉ đạt khoảng 30% vì nhiều lý do như nước ngập, động vật khác ăn trứng. Nhờ có cứu hộ chuyên nghiệp, khoa học và giữ gìn cẩn thận của các kiểm lâm, nhân viên vườn mà tỉ lệ trứng rùa nở đạt hơn 80%.

"Việc con người can thiệp vào khâu ấp trứng, rồi trực tiếp thả rùa con về biển, cũng hạn chế số lượng rùa con nở ra bị các loài khác ăn thịt", ông Huệ cho biết.

Chưa hết, những năm gần đây, việc cứu hộ tổ rùa biển này không chỉ dành cho kiểm lâm mà được xã hội hóa để cộng đồng, doanh nghiệp cùng tham gia dưới sự giám sát, theo dõi sát sao của kiểm lâm. Việc này không chỉ có thêm rùa biển mà còn có tác dụng tuyên truyền trực quan để du khách đến Côn Đảo nâng ý thức bảo vệ rùa biển.

Côn Đảo - ‘ngôi nhà’ an toàn của rùa biển - Ảnh 3.

Du khách nước ngoài xem thả rùa con về biển tại một khu du lịch ở Côn Đảo - Ảnh: Đ.H.

Ngoài ra để tạo thành "ngôi nhà" của rùa biển, Vườn quốc gia Côn Đảo còn cho dọn dẹp sạch các bãi đẻ, tạo sinh cảnh để rùa biển lên đẻ trứng mà không bỏ đi nơi khác.

Hơn 10 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, có khoảng 150.000 rùa con được thả về đại dương từ Côn Đảo. Trong đó, 9 tháng của năm 2022, những kiểm lâm, nhân viên Vườn quốc gia Côn Đảo đã cứu hộ hơn 2.500 tổ rùa và thả về đại dương gần 130.000 rùa con.

Côn Đảo - ‘ngôi nhà’ an toàn của rùa biển - Ảnh 4.

Bãi biển ở Côn Đảo được dọn dẹp sạch sẽ tạo sinh cảnh cho rùa biển lên đẻ trứng - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Góp phần ổn định và đảm bảo sự đa dạng sinh học của biển Việt Nam

Các loài rùa biển đều được đưa vào "Sách đỏ" của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và các công ước khác có liên quan. Năm 1997, Việt Nam đã tham gia vào mạng lưới bảo tồn rùa biển khu vực Đông Nam Á và khu vực Đông Nam Á - Ấn Độ Dương.

Theo nghiên cứu và ghi nhận, hằng năm từ tháng 5 đến tháng 10 có khoảng 350-400 rùa mẹ về làm tổ đẻ trứng ở 14 bãi biển ở Côn Đảo. Côn Đảo cũng là vùng tìm thức ăn quan trọng của rùa biển.

Côn Đảo - ‘ngôi nhà’ an toàn của rùa biển - Ảnh 5.

Biển Côn Đảo là vùng tìm thức ăn quan trọng của nhiều loài, trong đó có rùa biển - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Năm 2009, Vườn quốc gia Côn Đảo được xác lập kỷ lục quốc gia "Vườn quốc gia thả rùa con về biển nhiều nhất Việt Nam". Theo đánh giá thì kỷ lục này không chỉ của Việt Nam mà của cả Đông Nam Á. Vườn cũng là đơn vị đầu tiên của Việt Nam trở thành thành viên mạng lưới "Bảo tồn rùa biển khu vực Ấn Độ Dương - Đông Nam Á" (IOSEA).

Chưa hết, từ việc bảo tồn và nghiên cứu về rùa biển, đến nay Vườn quốc gia Côn Đảo đã có hệ thống chương trình bảo tồn rùa biển với mô hình và phương pháp hiệu quả nhất. Những nghiên cứu các đặc tính sinh học của rùa biển và phương pháp bảo tồn của vườn quốc gia còn được chia sẻ cho các bãi biển trên toàn quốc.

Côn Đảo - ‘ngôi nhà’ an toàn của rùa biển - Ảnh 6.

Rùa con đang được thả về biển - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Côn Đảo thật sự là sinh cảnh làm tổ an toàn nhất Việt Nam hiện nay, cũng là nơi thích hợp cho các hợp tác nghiên cứu và bảo tồn rùa biển. Nhiều nhà khoa học và quản lý khẳng định những thành quả trong bảo tồn rùa biển ở Côn Đảo đã góp phần ổn định và đảm bảo sự đa dạng sinh học của vùng biển Việt Nam và cho cả quốc tế.

Vườn quốc gia Côn Đảo được xác lập là một khu rừng cấm từ năm 1984. Đến năm 1993 trở thành vườn quốc gia - là một trong những khu rừng đặc dụng được thành lập khá sớm ở Việt Nam. Vùng biển Côn Đảo có 166 loài nằm trong "sách đỏ" của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), 6 loài trong "sách đỏ" Việt Nam.

Những người bảo vệ rùa biển ở Côn Đảo Những người bảo vệ rùa biển ở Côn Đảo

TTCT - Mỗi năm, ở Côn Đảo có khoảng 150.000 vích con được ấp nở nhân tạo, thả về với biển khơi. Đó là kết quả một hành trình từ năm 1990, khi nhân viên Vườn quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) bắt đầu làm bà đỡ cho vích (rùa biển) bằng việc di dời các ổ trứng lên vùng an toàn. Và rất nhiều người dân, tổ chức tham gia công việc này với họ.

ĐÔNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp