20/09/2023 10:29 GMT+7

'Con đã trúng tuyển đại học rồi. Ở cõi vĩnh hằng, ba mẹ chia vui cùng con nhé'

Ngày nhận kết quả trúng tuyển đại học, Nguyễn Thị Cẩm Tú chạy nhanh về nhà, thắp nhang lên bàn thờ ba mẹ, báo tin: "Con đã trúng tuyển đại học rồi. Ở cõi vĩnh hằng, ba mẹ chia vui cùng con nhé".

Không còn cha mẹ, bà dì Phết mà Cẩm Tú (phải) quen gọi là bà ngoại đã cưu mang, nuôi cho ăn học đến hôm nay - Ảnh: LAN NGỌC

Không còn cha mẹ, bà dì Phết mà Cẩm Tú (phải) quen gọi là bà ngoại đã cưu mang, nuôi cho ăn học đến hôm nay - Ảnh: LAN NGỌC

Chắc không ai ở Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (Cần Thơ) lại không biết cô học trò nghèo, mồ côi cả cha lẫn mẹ ấy. Bao năm qua, Tú nương nhờ vào tình thương của bà Lâm Thị Phết, người Tú gọi là bà dì.

Mất cha rồi lại mất mẹ

Bà Phết nay 60 tuổi kể cha mẹ Tú lấy nhau trong cảnh nghèo khó, sống bằng nghề buôn bán rau cải, kiếm từng 500 - 1.000 đồng tiền lời mỗi bó, chắt chiu nuôi sống gia đình. Lúc bé Tú 6 tháng tuổi, hai vợ chồng trẻ đem con qua gửi bà Phết giữ giùm rồi chở nhau trên chiếc xe máy cà tàng ra chợ chồm hổm bán rau.

Vậy mà một ngày nọ, sau buổi đi bán về, cha ghé rước con gái song tự dưng cứ thấy khó thở miết. Thấy vậy, bà Phết mới giục kêu phải chở vô bệnh viện liền coi bị sao. Kết quả thăm khám, bác sĩ chẩn đoán cha Tú bị nhồi máu cơ tim nhưng không cứu được. Vậy là từ giây phút đó, Cẩm Tú vĩnh viễn mất cha.

Đám tang chồng, mẹ Tú chỉ biết ôm con khóc. Mọi thứ đến quá bất ngờ, cả gánh nặng đè trên đôi vai vốn đã quá vất vả giờ chỉ còn một mình nuôi con. Hai mẹ con sống bằng công việc bán trái cây tạm bợ ở chợ gần nhà.

Nhưng khổ nỗi mẹ Tú lại mang bệnh hen suyễn nhiều năm. Mỗi lần phát bệnh, chị cũng chỉ dám ra tiệm thuốc tây mua vài ba viên thuốc uống đại cho qua cơn chứ nhà làm gì có tiền mà chạy chữa.

Bà Phết nhớ: "Lúc bé Tú 8 tuổi, vì làm quá sức nên bệnh hen suyễn của mẹ Tú tái phát nặng phải đi cấp cứu. Nhưng nhập viện được bốn ngày nó cũng không qua khỏi". 8 tuổi, Tú đã cảm nhận được gì đâu nỗi mất mát đổ ập xuống đời mình khi trở thành đứa trẻ mồ côi. Cẩm Tú được bà dì Phết cưu mang, nuôi ăn học từ đó.

Muốn trở thành luật sư

Căn nhà trọ Cẩm Tú ở trong một con hẻm trên đường Lê Anh Xuân (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) mùa nắng nóng như đổ lửa, mùa mưa nước ngập lầy lội. Ngày biết tin trúng tuyển ngành luật (Trường đại học Cần Thơ), Cẩm Tú mừng lắm, coi như chạm một tay vào giấc mơ được làm luật sư trong tương lai.

Nhưng vui thoáng chốc rồi nỗi lo ập đến bởi với hoàn cảnh hiện tại, tiền ở đâu để đi học tiếp. Qua giới thiệu của người quen, cô bé đã xin được chân phụ việc bán thời gian tại một quán nước, bắt đầu những ngày tự kiếm tiền để trang trải học phí và sinh hoạt những ngày sinh viên sắp tới.

Dường như cảnh mồ côi sớm đã tạo nên một Cẩm Tú kiên cường và nghị lực khác thường. Khi buồn, bạn chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng. Càng khó, Tú lại càng nỗ lực vươn lên. Bàn thờ của cha mẹ Tú luôn tươm tất. Mỗi lần dọn bàn thờ, thắp nhang, con gái lại thủ thỉ như nói chuyện với hai đấng sinh thành mà mình có thời gian ở cạnh bên ngắn quá.

Suốt những năm phổ thông, Cẩm Tú luôn có tên trong danh sách học sinh giỏi của ngôi trường chuyên tại Cần Thơ này. Tú tự dặn mình cố gắng ôn luyện, dốc sức cho kỳ thi để phải vào được đại học bởi bạn biết chỉ có con đường ấy mới mong thay đổi đời mình.

"Thấy ngoại đã lớn tuổi (Tú quen gọi bà Phết là ngoại) mà vẫn phải đi làm thuê nuôi em, thiệt em cũng xót lắm! Bao năm qua, bà dì thương em như ruột thịt, có gì ngon cũng để dành hết cho em", Cẩm Tú tâm tình.

Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thanh Nguyệt nói em rất chăm ngoan, chịu khó học, lại tham gia rất tích cực các hoạt động chung trường và lớp tổ chức. "Nhà trường biết rõ hoàn cảnh khó khăn của Cẩm Tú nên lúc nào cũng tạo mọi điều kiện tốt nhất, thường xuyên động viên em cố gắng tiếp tục việc học.

Chúng tôi rất mong có nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ để Cẩm Tú có thêm điều kiện, không phải dang dở đường học, cố gắng đạt được ước mơ về công việc sau này", cô Nguyệt nói.

60 tuổi, bà Lâm Thị Phết cũng đau bệnh suốt, lại không có công việc gì ổn định, cứ ai thuê gì làm đó. Tiền công trả ít nhiều gì cũng được, miễn có tiền nuôi đứa cháu tội nghiệp là bà nhận làm hết.

Đi nuôi người bệnh là việc bà Phết hay làm nhất những năm qua, ở bệnh viện hay nhà riêng bà đều nhận, tiền công 30.000 đồng mỗi ngày. Đó gần như là khoản thu nhập chính trang trải cuộc sống qua ngày.

Thương bà dì vất vả mỗi khi nhận đi chăm sóc nuôi người bệnh, Cẩm Tú quán xuyến hết việc trong nhà, quét dọn, giặt giũ, nấu ăn để bà Phết đỡ mệt. Và lúc nào cũng tự nhắc bản thân nỗ lực học hành để đời mình bớt vất vả hơn.

Bạn đọc ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ: 113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể Tỉnh/Thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ: Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM; Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM với Swift code BFTVVNVX007.

Nội dung: Ủng hộ "Tiếp sức đến trường" cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.

Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm... cho tân sinh viên.

Các bạn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023 TẠI ĐÂY

Các bạn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023

CLB Tiếp sức đến trường Tiền Giang - Bến Tre quyên góp 1,5 tỉ đồngCLB Tiếp sức đến trường Tiền Giang - Bến Tre quyên góp 1,5 tỉ đồng

Chiều 19-9, mặc cơn mưa nặng hạt, thành viên CLB Tiếp sức đến trường Tiền Giang - Bến Tre vẫn có mặt đông đủ đề họp mặt chuẩn bị cho chương trình “Tiếp sức đến trường“ năm 2023.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp