Trong khi ở Mỹ, châu Âu, Úc, trẻ béo phì rơi vào độ tuổi cấp 2, 3 thì tại TP.HCM và nhiều thành phố lớn của Việt Nam, trẻ béo phì lại rơi rất nhiều vào độ tuổi nhỏ, và đáng báo động là ngay ở bậc mầm non.
Phóng to |
Trẻ béo phì lại thường thích ăn nhiều đạm, chất béo - Ảnh: N.C.T. |
Bác sĩ Diệp cho biết nguyên nhân đến từ phía “thích trẻ mập mạp” của đại đa số gia đình người Việt.
“Có bà mẹ đến khám dinh dưỡng ở chỗ chúng tôi, con đã hơi béo rồi mà vẫn lo lắng con thiếu cân. Sau khi được các bác sĩ dinh dưỡng phân tích thì cũng “thông” nhưng về nhà ông bà nội của bé lại “không chịu” vì vẫn cho rằng cháu của mình thuộc vào dạng ốm nhom” - bác sĩ Diệp nói.
Để cả gia đình cùng hiểu về sức khỏe dinh dưỡng của trẻ mầm non là không dễ. Đa số trẻ đến khám, người thân của các trẻ chỉ chăm chăm vào cân nặng, coi đó là một trong những chỉ tiêu để phản ánh sức khỏe của bé.
Bác sĩ Diệp gặp rất nhiều trường hợp cho rằng: "sao tháng này con tôi tăng cân ít vậy, dù nếu theo biểu đồ, tăng trưởng cân nặng của bé là ở mức bình thường”.
5 nhóm giải pháp giúp trẻ bớt béo phì
Để giảm bớt tình trạng béo phì của trẻ mầm non, bác sĩ Diệp cho biết có 5 nhóm giải pháp. Nhóm giải pháp đầu tiên phải đến từ gia đình.
Hàng tháng, người thân phải đều đặn đưa trẻ đến cơ sở y tế để cân đo và đánh giá tình trạng dinh dưỡng, nhằm phát hiện tình trạng tăng cân quá mức và đối chiếu với biểu đồ tăng trưởng xem trẻ ở tình trạng bình thường hay không.
Hiện nay, thực tế chăm sóc trẻ phân thành hai hướng rõ rệt: một là quá chăm lo và phía kia là “trời sinh voi, sinh cỏ”. Hai xu hướng trái ngược này đều dẫn đến một kết quả, đó là gia tăng trẻ béo phì, suy dinh dưỡng.
Nhóm giải pháp thứ hai là bản thân người làm bố mẹ phải đọc các hướng dẫn nuôi, chăm sóc trẻ đúng. Bố mẹ trẻ phải hướng dẫn người chăm sóc con cái đúng, tránh việc cho trẻ ăn quá mức hoặc chăm sóc “đặc biệt” quá sẽ khiến trẻ thụ động.
Nhóm giải pháp thứ ba là tích cực truyền thông đến cha mẹ của trẻ, giúp họ nhận thức được rằng nếu trẻ quá mập, quá bụ bẫm thì có hại hơn là có lợi. Về mặt khoa học, trẻ béo phì sẽ khó điều trị hơn trẻ suy dinh dưỡng vì với trẻ em, giai đoạn này là giai đoạn phát triển, không thể cấm trẻ ăn…
Nhóm giải pháp thứ tư là đào tạo thêm nhân lực cho ngành dinh dưỡng để đủ lực lượng tư vấn cho các bà mẹ, người dân về dinh dưỡng đúng, đủ, hợp lý, khoa học. Hiện nay, nhận thức của xã hội về dinh dưỡng trẻ em còn thiếu sót, một phần do nhân lực ngành dinh dưỡng còn quá thiếu.
Nhóm giải pháp thứ 5 là phải có sự phối phối hợp liên ngành y tế, giáo dục, truyền thông trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho trẻ em.
Trên thực tế, tại TP.HCM, nhóm giải pháp thứ 5 đã thực hiện từ lâu và hiện đang được tăng cường phát triển. Hiện nay, TP.HCM đã xác định chiến lược phát triển dinh dưỡng năm 2014 của thành phố đặt trọng tâm là dinh dưỡng học đường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận