18/05/2016 08:18 GMT+7

Con cựu tù binh Mỹ 
gặp cựu trưởng trại giam Hỏa Lò

TIẾN THẮNG
TIẾN THẮNG

TTO - Theo di nguyện của cha, một người Mỹ đã tìm đến tận nhà đại tá Trần Trọng Duyệt, nguyên trại trưởng trại giam Hỏa Lò, để bày tỏ lòng biết ơn tới người đã quan tâm, chăm sóc đặc biệt cho những tù binh Mỹ.

Đại tá Trần Trọng Duyệt (trái) tạm biệt ông Thomas - Ảnh: Tiến Thắng
Đại tá Trần Trọng Duyệt (trái) tạm biệt ông Thomas - Ảnh: Tiến Thắng

Cuộc gặp mặt thân tình và xúc động giữa đại tá, nguyên trại trưởng trại giam Hỏa Lò (thời kỳ từ 1968-1973) với Thomas Eugene Wilber, con trai của trung tá Walter Eugene Wilber (người từng là phi công phục vụ trong Hải quân Mỹ, tham gia chiến đấu tại chiến trường VN), diễn ra tại TP Hải Phòng sáng 17-5.

Tù binh cũng là con người, cũng có gia đình riêng ở nhà đang mong ngóng nên ngoài mệnh lệnh cấp trên thì bản thân tôi luôn đặt họ vào hoàn cảnh như những người thân của mình, nếu mình tra tấn, đánh đập họ đau một nhưng gia đình họ ở nhà sẽ đau mười

Đại tá TRẦN TRỌNG DUYỆT

Tám lần đến VN

Trong căn nhà nhỏ đơn sơ nhưng mát mẻ bởi những tán cây xanh và tiếng chim ríu rít trong khu tập thể đoàn 6 Hải quân (đóng tại TP Hải Phòng) của gia đình đại tá Trần Trọng Duyệt, ông Thomas (cũng là cựu quân nhân, từng phục vụ hơn 20 năm trong Hải quân Hoa Kỳ) xúc động cho biết đây là lần thứ tám ông đặt chân đến VN để tìm về những địa danh, những con người đã từng gắn bó với người cha quá cố của mình.

Chuyến thăm đại tá Duyệt lần này là dịp để ông Thomas có thể thực hiện di nguyện trước khi mất của cha là muốn được nói lời cảm ơn chân thành đến vị trại trưởng đã từng quan tâm, chăm sóc đặc biệt cho những tù binh Mỹ bị giam tại trại giam Hỏa Lò nói chung và cá nhân cha ông nói riêng.

“Là trung tá phi công Walter” - đại tá Trần Trọng Duyệt nói ngay khi vừa nhìn thấy tấm hình đen trắng được ông Thomas đưa ra, một tấm hình chụp người cha của ông Thomas khi còn ở trong trại giam Hỏa Lò.

Bước sang tuổi 83 nhưng những ký ức hồi còn làm trại trưởng trại giam Hỏa Lò vẫn lần lượt tuôn trào như một dòng chảy liên hồi, đại tá Trần Trọng Duyệt nói với ông Thomas điều ông ấn tượng về người tù binh Walter chính là sự nhã nhặn, nhẹ nhàng và luôn chấp hành rất tốt các kỷ luật trong trại giam. Ông Walter cũng là một trong số những tù binh cất lên tiếng nói mạnh mẽ phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại VN.

Lục tìm lại những tấm hình đen trắng chụp đại tá Duyệt với các tù binh Mỹ trước ngày lên máy bay trở về nước, đại tá Duyệt chia sẻ lý do được giao nhiệm vụ làm trại trưởng trại giam Hỏa Lò để quản lý các tù binh là phi công Hoa Kỳ chuẩn bị được trao trả về nước khi đó là bởi ông có tướng mạo, phong cách ngoại giao và có kinh nghiệm quản lý trại giam.

Ngang tiêu chuẩn cấp tướng

Ông Thomas đặc biệt thích thú với câu chuyện về các tù binh Mỹ, trong đó có việc cha ông được đích thân đại tá Duyệt dẫn đi thăm các địa danh tại Hà Nội như chùa Một Cột, Bệnh viện Bạch Mai... Tất cả tù binh khi ấy đều được mặc complet, thắt cà vạt như những cán bộ chuyên gia nước ngoài sang thăm VN.

“Ngày đó tiêu chuẩn ăn uống của các tù binh Hoa Kỳ cũng hết sức đặc biệt, sáng là một ổ bánh mì nóng chấm đường, bữa trưa và tối thì ngoài bánh mì còn có thêm món xúp nấu cùng với xương sườn. Mỗi tù binh Mỹ ngày ấy được hưởng mức tiêu chuẩn 1,6 đồng/ngày, bằng với tiêu chuẩn của người mang hàm cấp tướng khi đó, còn riêng những tù binh nào bị ốm thì tôi ký đề nghị tăng tiêu chuẩn lên gấp 3-4 lần” - đại tá Duyệt kể lại.

Điều đặc biệt khiến ông Thomas bị thuyết phục và rất xúc động bởi câu trả lời về lý do tại sao các tù binh lại được chăm sóc đặc biệt như vậy.

“Tù binh cũng là con người, cũng có gia đình riêng ở nhà đang mong ngóng nên ngoài mệnh lệnh cấp trên thì bản thân tôi luôn đặt họ vào hoàn cảnh như những người thân của mình, nếu mình tra tấn, đánh đập họ đau một nhưng gia đình họ ở nhà sẽ đau mười” - đại tá Duyệt lý giải.

Theo đại tá Duyệt, hơn ai hết chính những người tù binh này sẽ là những cầu nối góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, thúc đẩy mối quan hệ giữa hai đất nước, hai dân tộc khi chiến tranh kết thúc.

Ông Duyệt đặc biệt ấn tượng với hai “cựu tù” John McCain (thượng nghị sĩ Mỹ) và Pete Peterson (cựu đại sứ Mỹ tại VN), những người từng bị giam giữ tại trại giam Hỏa Lò và sau này đã góp phần rất tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Buổi gặp gỡ giữa Thomas và gia đình ông Trần Trọng Duyệt kết thúc bằng bữa cơm trưa giản dị thân tình với món bánh đa cua đặc trưng của Hải Phòng.

Trước khi lên xe trở về Hà Nội để đi đến thêm một vài địa danh khác và dự kiến trở về Mỹ vào thứ sáu tuần này, ông Thomas bày tỏ xúc động bởi không ngờ nhận được sự đón tiếp đầy chân tình và nồng ấm.

Ông Thomas gửi tặng đại tá Trần Trọng Duyệt một viên đá màu vàng đỏ “để tượng trưng, thể hiện cho mối quan hệ sẽ ngày càng nồng ấm, tốt đẹp giữa hai quốc gia, dân tộc”.

Ngày 16-6-1968, chiếc máy bay F4 do trung tá Walter Eugene Wilber điều khiển bị bắn hạ trên bầu trời Đô Lương (Nghệ An). Ông Walter Eugene Wilber nhảy dù ra khỏi máy bay và rơi xuống cánh đồng thuộc xã Thanh Tiên thì bị ba thanh niên bắt sống giao cho Huyện đội Thanh Chương quản lý.

Sau đó ông được chuyển tới giam giữ tại Hỏa Lò (Hà Nội). Sau khi hiệp định Paris được ký kết, tháng 2-1973 trung tá Walter Eugene Wilber cùng các tù binh Mỹ khác được trao trả về nước sau 4 năm 8 tháng bị giam giữ tại Hỏa Lò. Ông Wilber mất năm 2015, hưởng thọ 85 tuổi.

TIẾN THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp