19/01/2021 11:14 GMT+7

'Con của người hiến tạng nói thẳng: Không được đem tạng ba cậu ấy đi bán'

HOÀNG LỘC - XUÂN MAI
HOÀNG LỘC - XUÂN MAI

TTO - 'Một cuộc đời ra đi, nhiều cuộc đời ở lại', câu nói trở thành lẽ sống của nhiều người khi quyết định hiến dâng một phần cơ thể cho y học sau khi qua đời. Từ nghĩa cử cao đẹp ấy, nhiều cuộc đời tưởng như tắt hi vọng sống được tái sinh.

Con của người hiến tạng nói thẳng: Không được đem tạng ba cậu ấy đi bán - Ảnh 1.

Thừa ủy quyền bộ trưởng Bộ Y tế, TS Dư Thị Ngọc Thu (áo trắng) trao tặng kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" cho gia đình anh Dương Văn Tới - Ảnh: X.MAI

Văn phòng điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM) chiều cuối năm, vị bác sĩ dáng người gầy gò đang tỉ mẩn kiểm tra lại một lượt các túi quà để trang trọng trên kệ. Năm nào cũng thế, đều đặn vài ba lần bà cùng các cộng sự làm công tác điều phối hiến tạng lại lên đường mang theo món quà này dành tặng cho các nhân vật đặc biệt, đó là những gia đình có người hiến tạng.

Phía sau một kỷ niệm chương

"Gọi điện, các gia đình bảo ổn cả, nhưng tôi vẫn muốn đến trực tiếp xem họ sống có ổn thật không. Đó cũng là cách để mình cảm thấy yên tâm hơn" - TS Dư Thị Ngọc Thu, trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy), chia sẻ. Cũng vì "muốn đến trực tiếp", suốt bao năm qua dù không ai ép, bà vẫn đều đặn ghé thăm từng gia đình hiến tạng, hóa giải mọi chuyện buồn vui họ đang gặp phải.

Câu chuyện của bà Nguyễn Thị Ngọc Yến (ngụ Đồng Nai), người vợ đã hiến hai quả thận, hai giác mạc của chồng cách đây bốn năm khiến bác sĩ Thu nhớ mãi. Cuộc sống của gia đình bà Yến rơi vào bi kịch sau quyết định hiến tạng. Không những gia đình chồng từ mặt, bà con chòm xóm xì xầm bàn tán, kể cả một số cán bộ địa phương còn đặt dấu hỏi: "Bả có đi bán tạng chồng không?". Bà Yến chỉ còn biết thốt lên với bác sĩ Thu trong đau đớn: "Bác sĩ ơi, biết vậy tôi đã không hiến tạng chồng".

Chưa nguôi nỗi đau mất chồng, người phụ nữ này bắt đầu rơi vào trầm cảm, bà dần sống khép kín, xa lánh tất cả mọi người. Kể cả khi bộ trưởng Bộ Y tế lúc bấy giờ đến trao kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân", bà cũng không muốn gặp mặt. 

Thế rồi sau bao lần âm thầm "năn nỉ", bác sĩ Thu đã kịp "dàn xếp" một buổi trao kỷ niệm chương trang trọng, có sự chứng kiến của địa phương. 

"Buổi lễ đã góp phần giải nỗi oan, giúp bà ấy vứt bỏ được gánh nặng tinh thần bấy lâu nay. Bà cũng đã nhẹ lòng và cởi mở với mọi người kể từ đó" - bác sĩ Thu tâm sự.

Tuy vậy, câu chuyện của bà Yến vẫn được xem là nhẹ nhàng, bởi có người còn chịu nỗi oan ức suốt nhiều năm, thậm chí phải bỏ xứ để tránh búa rìu dư luận. 

Năm 2010 con trai của bà S. (quê Vĩnh Long) bị tai nạn giao thông, chết não. Không còn cơ hội cứu chữa, người mẹ ấy đi đến quyết định hiến tạng con, mang lại sự sống cho người khác. Thế là điều tiếng "buôn bán tạng" từ đâu ập vào bà. 

Bà bị gia đình cấm cửa, buộc phải dựng một cái chòi ở ngoài ruộng làm đám tang cho con. "Không chịu nổi sức ép, sau đám tang bà bỏ xứ lên huyện Củ Chi (TP.HCM) sống với người con út. Và phải bốn năm sau ngày con mất, với tấm kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" do Bộ Y tế trao, lần đầu tiên nỗi hàm oan của bà mới được hóa giải" - một người thân của bà S. chia sẻ.

Con của người hiến tạng nói thẳng: Không được đem tạng ba cậu ấy đi bán - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - thăm và trao kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho gia đình bà Mai - Ảnh: H.LỘC

"Tôi muốn hiến tạng con để cứu những người bị bệnh nặng đang nằm chờ chết, để họ được sống khỏe mạnh như bao người khác. Cứu được họ, tôi mừng lắm. Giống như con tôi còn sống trên cõi đời này.

Bà Mai (mẹ Q.) xúc động nói về lý do hiến tạng

Hiến tạng giúp tái sinh nhiều người

Theo bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, đến nay đơn vị thống kê được có 38 trường hợp người hiến tạng đã chết não nằm rải rác khắp các tỉnh thành phía Nam. Hầu hết các bộ phận tạng hiến đều được đơn vị điều phối ghép cứu sống nhiều bệnh nhân trong cơn thập tử nhất sinh. Có trường hợp tạng hiến giúp tái sinh từ 4-6 cuộc đời khác.

Men theo khoảng trống giữa các căn nhà trọ nhếch nhác, ở cuối đường là nơi ở của bà Võ Thị Kim Phụng (51 tuổi, ngụ Q.2). Bà là mẹ của T.V.L., chàng thanh niên vừa tròn 20 tuổi qua đời sau tai nạn giao thông. Đó là một căn nhà trọ chật chội, ẩm thấp, xập xệ. Đứng trong phòng trọ chật chội, chúng tôi hiểu rằng bà đã phải cố gắng sắp xếp lắm mới đặt được một chiếc tủ gỗ để thờ người con trai của mình.

Năm 2016 sẽ là ký ức khó quên, bởi bà mãi mãi mất đi người con trai cả (bà có hai người con) vốn là chỗ dựa vững chắc, là nguồn sống, sau tai nạn giao thông bất ngờ. Lúc bấy giờ bà may mắn gặp, được bác sĩ Thu động viên gia đình hiến tạng cứu người. 

"Con cũng mất rồi, hiến tạng cứu được người, tôi đồng ý ngay", bà Phụng nén nỗi đau nhớ lại. Thế là quả tim, hai giác mạc và hai quả thận của con trai bà được hiến và ghép, để rồi hôm nay bà vui mừng biết rằng tạng của con đã hồi sinh sự sống cho năm con người khác.

Chỉ cách đây chưa đầy hai tháng, các bộ phận thận, tim, gan của N.H.Q. (30 tuổi, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) hiến tặng đã kịp ghép tái sinh sự sống cho bốn người ở ba miền của đất nước. Và đây được coi là lần đầu tiên các đơn vị điều phối ghép tạng tiếp nhận một ca hiến đa tạng ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và vận chuyển ghép an toàn ở nhiều nơi, trong một thời gian eo hẹp, khoảng cách xa xôi. Tấm lòng của mẹ Q. - người mẹ tuổi lục tuần - nhận được sự đồng tình, ủng hộ của bốn người con và làng xóm.

Để đi đến quyết định hiến tạng đứa con vừa tròn 20 tuổi là cả một quá trình khó khăn với vợ chồng anh Dương Văn Tới (ngụ huyện Bình Chánh). Có lúc anh chị phản ứng gay gắt lại những ai nói chuyện hiến tạng. Ấy thế mà sau biến cố, biết sự ra đi của con đã cứu sống được sáu mạng người, anh chị không giấu được niềm an ủi. 

"Cứ coi như con mình còn sống ở đâu đó, nghĩ vậy trong lòng vợ chồng tôi cảm thấy nhẹ nhàng" - anh Tới nói.

Đáp lại tấm chân tình ấy, những người may mắn được ghép tạng chỉ còn biết "sống thật tốt, thật khỏe". 

"Tuy một mà hai. Bây giờ tôi không chỉ sống cho riêng mình, mà sống có trách nhiệm với người đã khuất khi họ hiến dâng một phần thân thể giúp tôi duy trì sự sống này" - bà T. (quê Bình Thuận), một người được ghép tạng, nói.

18.000

Đó là số người đăng ký hiến tạng tại Trung tâm điều phối ghép các bộ phận cơ thể người của Bệnh viện Chợ Rẫy từ năm 2014 cho đến nay. Đặc biệt nhiều gia đình có nhiều thế hệ gồm cha con, vợ chồng, mẹ con, anh chị em cùng đăng ký hiến tạng.

Bán tạng có được 100 triệu đồng không?

Trước khi quyết định hiến tạng cha mình, con trai bà Yến (ở Đồng Nai) gọi điện cho bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu xin gặp trực tiếp. Bác sĩ Thu kể: "Câu đầu tiên cậu ấy nói với tôi là bác sĩ phải đảm bảo rằng không đem tạng của ba cậu ấy đi bán. Câu hỏi rất thẳng, và cậu ấy có quyền được hỏi". Và bác sĩ Thu đã phải dành cả buổi sáng để "dốc hết ruột gan" với cậu, để cậu tin tưởng.

Rồi bà cảm thấy đau nhói khi vô tình nghe một người hỏi nhỏ gia đình hiến tạng: "Bán tạng có được trăm triệu không?".

"Rõ ràng đây là chương trình do mình tổ chức, tôi thấy trách nhiệm phải làm hết sức để làm sao đồng hành, hỗ trợ những gì tốt nhất cho gia đình hiến tạng", bác sĩ Thu nói.

Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh: hiến tạng là một phép mầu Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh: hiến tạng là một phép mầu

TTO - Tháng 7-2019, hoa hậu Việt Nam Đỗ Mỹ Linh ùng mẹ đến đăng ký hiến tạng tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) vì được truyền cảm hứng từ Hải An, cô bé 7 tuổi ở Hà Nội hiến giác mạc sau khi qua đời vì ung thư.

HOÀNG LỘC - XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp