22/01/2009 08:03 GMT+7

Cồn Cỏ ngày áp tết

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TT - Những ngày áp tết, người lính từ đất liền lại vượt sóng và sương mù để đến với người lính ngoài đảo xa. Giây phút trùng phùng bồi hồi cảm động…

4oMu2nyC.jpgPhóng to
Mẹ con chị Võ Thị Sao ở làng TNXP trên đảo Cồn Cỏ tiễn người nhà vào đất liền

10g ngày 24 tháng chạp, tiếng vỗ tay không ngớt của lính đảo vang lên khi chúng tôi - những người từ đất liền ra - đặt chân lên từng bậc đá xám bạc phếch. Thiếu tướng Hồ Ngọc Tỵ - phó tư lệnh, tham mưu trưởng QK4 - vui vẻ bắt tay anh em lính đảo rồi cùng đoàn quân bước nhanh về phía nghĩa trang liệt sĩ. Một phút mặc niệm hương hồn các liệt sĩ.

Nghĩa trang Cồn Cỏ có hàng trăm liệt sĩ nhưng không chỉ là lính đảo mà còn có nhiều dân quân tự vệ huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã hi sinh anh dũng trên biển đảo trong nhiều đợt vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm từ đất liền ra thời chiến tranh.

Phó bí thư huyện đảo Trương Định và thượng tá, đảo trưởng Nguyễn Văn Quang dẫn cả đoàn đi qua khu vực doanh trại bộ đội, làng thanh niên xung phong, Trường mầm non Hoa Phong Ba... Các anh nói: “Trưa nay đảo sẽ tổ chức cho anh em ăn tất niên sớm. Chiều thi đấu bóng chuyền giữa bộ đội, biên phòng, hải quan và làng thanh niên xung phong. Tối mai giao lưu văn nghệ, hái hoa dân chủ. Cồn Cỏ là cửa ngõ của vịnh Bắc bộ, hai lần được phong tặng danh hiệu anh hùng và ba lần được Bác Hồ gửi thư khen”.

Trước đó, trong hai ngày 14 và 15-1, Bộ tư lệnh QK4 đã ra thăm đảo Hòn Mắt (Nghệ An), đảo Hòn Mê (Thanh Hóa). Tại đảo Hòn Mê, thiếu tướng Hồ Ngọc Tỵ và cán bộ chiến sĩ đã thắp hương tưởng nhớ 16 sĩ quan cao cấp của QK4 tử nạn trên chiếc máy bay trực thăng ra chúc tết đảo chiều 26-1-2005.

Đảo trưởng Quang là người Nghệ An, là người lính đảo kỳ cựu đã bám trụ Cồn Cỏ sang năm thứ 17. Anh sinh năm 1960, đi lính năm 17 tuổi, chinh chiến khắp nơi và ra đảo từ năm 1992. Đến nay đã 10 năm anh chưa về quê ăn tết.

Bây giờ mọi thứ khó khăn của ngày xưa như thiếu nước ngọt, thiếu lương thực đã lùi xa. Chỉ hiềm một nỗi thiếu điện. Thay vì điện lưới, lính đảo phải dùng máy nổ, nhưng từ 19g máy nổ mới bắt đầu hoạt động đến 22g. Đại úy Phạm Bá Hải, 34 tuổi, quê huyện Vĩnh Linh, trợ lý Ban chính sách tỉnh đội Quảng Trị - vốn là lính đảo Cồn Cỏ năm 1995. Nay trở lại thăm đảo, anh nhớ lại một ký ức tết năm 1996 ở Cồn Cỏ: “Trước tết năm ấy mẹ tôi mất, nhưng do đảo chưa có hệ thống điện thoại, biển lại động nên người nhà không ra báo tin được. Mãi mồng 6 tết tôi mới biết tin buồn qua lời cảm tạ của gia đình khi xem tivi”.

Cồn Cỏ có ba cặp chồng là lính đảo, vợ là thanh niên xung phong hoặc giáo viên trường trên đảo. Mới nhất là cặp thiếu úy Trương Công Hoàn - trợ lý tham mưu tiểu đoàn - với Hoàng Thị Thắm - giáo viên Trường mầm non Hoa Phong Ba vừa được tổ chức cách đây một tháng. Ở cách nhau chỉ nửa quả đồi nhưng chỉ ngày nghỉ những ông chồng lính mới được về với vợ, còn ngày thường vẫn phải nghiêm túc “cấm trại” 24/24.

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp