Phóng to |
Cha và con trong buổi lễ tri ân của trường - Ảnh tư liệu Trường THPT Nhân Văn |
Cuối năm học 2010-2011, như thông lệ, Trường THPT Nhân Văn (Q.Tân Phú, TP.HCM) khuyến khích học sinh lớp 12 viết lên suy nghĩ của mình để tri ân những người các bạn kính mến. “Tôi bàng hoàng” - cô Hoàng Thị Minh Liên, hiệu trưởng nhà trường, nhớ lại cảm xúc của mình khi đọc lá thư viết tay của cô học trò Lê Thị Như Ngọc.
“Ba có biết con đau lắm không?”
Hiện Ngọc đang là sinh viên năm 2 Trường ĐH FPT (TP.HCM). Hỏi lại chuyện cũ, cô sinh viên xinh xắn tâm sự trước đây sự nghiêm khắc, lạnh lùng của ba khiến bạn nghĩ ba không thương mình. Thêm vào đó, những áp lực học hành, thi cử, buồn bực... muốn kể cũng không dám dẫn đến ức chế nên hành động dại dột. “Khi người lớn không quá nghiêm khắc, lạnh lùng, thờ ơ... thì các ý nghĩ, hành động tiêu cực của lứa tuổi mới lớn cũng sẽ giảm đi” - Ngọc nói. |
Những ngày đầu vào trường đêm nào con cũng khóc. Con trách: tại sao ba cho con vào một môi trường mà ở đó con xa lạ với tất cả mọi thứ, từ thầy cô, bạn bè đến nơi ăn chốn ở, sinh hoạt? Tại sao ba mẹ sinh con ra rồi lại bắt con xa gia đình, phải sống tự lập một mình? Những lần đầu về thăm nhà, nhìn nhà cửa bề bộn, bếp núc lạnh tanh chỉ toàn cơm nguội với mì xào, con thấy thương ba lắm. Nhưng ba vẫn lạnh nhạt, thờ ơ với con.
Nghĩ mà giận, nghĩ mà trách ba, con cố học giỏi như lời con nói. Ba năm liền, năm lớp 9, 10, 11 và cả học kỳ I lớp 12 con đều đạt học sinh giỏi và nhất khối cấp III. Nhưng rồi được gì hả ba? Nhiều lần mời họp phụ huynh, ba không xuống, con tủi thân lắm. Đã vậy, khi về nhà con khoe với ba những tờ giấy khen, những chiếc cúp thủy tinh mà con đã dồn bao công sức mới có được, chỉ mong nhận được ở ba một lời khen dù ngắn nhất, vậy mà con cũng không có được... Đã nhiều lần con viết thư nói lên tâm sự của mình cho ba nghe nhưng rồi lại thôi không gửi, con đem cất vào trong hộp. Nay cái hộp đó đã đầy rồi ba ạ. Vậy mà ba có bao giờ chịu hiểu con chưa hả ba?
Từ khi gia đình mình tan vỡ, chắc chưa lần nào con làm ba buồn phải không? Con nhớ có lần, vì quá áp lực nên con đã nghĩ dại mà đi tự tử. Con còn nhớ rất rõ lúc con nằm để súc ruột, con nắm rất chặt tay ba. Lúc đó, ba biết con đau lắm không? Sao phải đến lúc giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, con mới được ba nắm lấy bàn tay?...”.
Phải biết chia sẻ với học sinh
“Đọc xong thư của Ngọc, tôi mời ba của em đến trường liền” - cô Hoàng Thị Minh Liên nhớ lại. Cô Liên kể: “Lúc ba Ngọc đến, tôi đưa bài viết cho ông ấy coi và nói ông về đọc. Sau đó, trường tổ chức lễ tri ân cho học sinh lớp 12 sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tôi xin phép Ngọc đưa bài viết của em đọc tại buổi lễ. Đọc để duyệt chương trình, Ngọc khóc như mưa. Mỗi lần đọc là một lần khóc”.
Cô Liên cũng mời ba Ngọc, ông Lê Đức Trọng (45 tuổi) từ Bình Phước đến TP.HCM dự lễ tri ân của trường. “Ông Trọng hoàn toàn đồng ý khi tôi đề nghị đưa câu chuyện của Ngọc viết ra đọc tại lễ tri ân trước toàn thể học sinh, phụ huynh, giáo viên trong trường. Ông cũng xin một bó hoa để tặng con gái mình”. Trong clip ghi lại lễ tri ân, Ngọc đã đọc những lời tự đáy lòng mình trong nước mắt. Phía dưới, ông Trọng cầm bó hoa để tặng con, mắt ông đỏ hoe. Không đợi đến khi con đọc hết lá thư, ông Trọng bước lên sân khấu chỉ nói “Ba hiểu rồi” và ôm lấy con.
“Ngọc là học sinh giỏi của trường - cô Liên kể tiếp - Thường ngày tôi rất gần Ngọc. Gương mặt em rất buồn. Tôi hỏi em có chuyện gì cần trao đổi với thầy cô không, em nói không có gì hết. Nhưng khi đọc thư gửi ba của Ngọc, tôi nghĩ mình chưa thật sự gần gũi học trò để các em tâm sự với mình. Tôi cũng nhận thấy có lỗi của bản thân, của trường. Điều tôi trăn trở nhất là ngay cả giáo viên chủ nhiệm, bạn bè, ban giám hiệu không ai biết gì về hoàn cảnh của Ngọc. Em không tâm sự với ai hết”.
Qua câu chuyện của Ngọc, cô Liên cũng rút ra bài học cho bản thân là không nên nghiêm khắc quá với học sinh khi chưa hiểu rõ về các em. “Mỗi biểu hiện của học sinh là một cảnh đời đôi khi có những trầm uất, riêng tư mà mình chưa biết được. Tôi cũng nhắc giáo viên rằng đừng bao giờ dùng quyền của một người thầy mà phải biết chia sẻ với các em” - cô hiệu trưởng kết luận.
“Tôi đã quá nghiêm khắc với con”
Sáng 11-1, chúng tôi tìm đến nhà ông Trọng tại xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh, Bình Phước để nghe tâm sự từ người cha. “Tôi dạy con lúc nào cũng nghiêm khắc từ khi con còn nhỏ - ông Trọng kể với chất giọng miền Trung - Tôi không bao giờ bộc lộ tình thương ra bên ngoài để con thấy mình yêu thương rồi chủ quan, không nghe lời. Khi cháu khoe giấy khen học sinh giỏi, tôi vui lắm. Nhưng tôi chỉ khoe với bạn bè, người thân rằng con mình ngoan, học giỏi chứ chưa bao giờ nói trước mặt cháu. Mình nghiêm khắc cũng chỉ muốn con đàng hoàng, nên người...”.
Sau hôm Ngọc hành động dại dột, ông Trọng “suy nghĩ rất nhiều và cần gần gũi con hơn”. “Đó là sai lầm lớn nhất đời tôi - ông nói tiếp - Tôi đã đi quá giới hạn của sự nghiêm khắc. Tôi bị áp lực vì đặt tất cả kỳ vọng vào con. Đời tôi khổ cực bao nhiêu tôi cũng đặt tâm nguyện, hi vọng con nên người, đỗ đạt”.
Người cha tâm sự thêm: “Bài văn của cháu, tôi giữ suốt đời vì đó cũng là một kinh nghiệm của mình. Lúc cô hiệu trưởng đưa bài viết để tôi về nhà đọc, thật sự tôi chưa đọc liền lúc đó. Tôi cũng giữ, nhưng chỉ nghĩ đó là một bài văn xuất sắc của cháu, cô giáo thấy hay đưa cho mình. Lên xe ra về, tôi mở ra đọc. Từng dòng chữ lướt qua, tôi rơi nước mắt. Khi trường mời dự lễ tri ân, bằng mọi giá tôi phải “vứt” hết công việc để xuống với con. Tôi thật sự xúc động khi nghe con đọc những lời gửi cho mình tại lễ tri ân. Đó là buổi xúc động nhất trong đời tôi”.
Suy xét lại cách giáo dục của mình, người cha thừa nhận “có mặt đúng và mặt sai”. “Tôi nghĩ dạy con tốt đừng nên chiều chuộng quá mức nhưng cũng đừng quá khắt khe. Nhiều lúc mình cần phải nói ra, tâm sự với con, động viên tinh thần để con thoải mái, cởi mở hơn...” - ông Trọng đúc kết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận