Mới đây, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết một số hiện vật gắn với sinh hoạt hằng ngày (sập, tủ, đồ thờ tự), sách có nhiều bản bị mất (nếu có) thuộc trách nhiệm của con cháu ông Vương Hồng Sển trực tiếp quản lý và lưu trú trong công trình di tích.
Bà Vương Thị Việt Hoa - cháu ông Vương Hồng Sển - thông tin với Tuổi Trẻ Online rằng: "Trách nhiệm mất các tủ sách là những người đã và đang cư ngụ ở ngôi nhà cổ tại địa chỉ số 11 (số cũ 9/1) Nguyễn Thiện Thuật, phường 14, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Con cháu của cố học giả không có ai cư ngụ trong ngôi nhà cổ này từ nhiều năm nay".
Con cháu ông Vương Hồng Sển không làm mất 23 tủ sách?
Bà Vương Thị Việt Hoa cho biết bà rời nhà cổ từ năm 2004, sau khi bàn giao hết các hiện vật, cổ vật trong nhà, gồm 23 tủ sách, 2 bộ sập gỗ, 2 bộ đi văng như văn bản bàn giao năm 2004.
Bà Võ Thị Bê (tức bà Võ Ngọc Liên - vợ cũ của ông Vương Hồng Bảo (đã mất) là con trai của ông Vương Hồng Sển) là mẹ ruột của Vương Hồng Liên Hương, Vương Bảo Thành và Vương Hồng Bảo Minh.
Cả bà Việt Hoa và bà Ngọc Liên đều xác nhận các cháu nội của ông Vương Hồng Sển không liên quan đến vụ mất 23 tủ sách tại nhà cổ.
Vương Hồng Bảo Minh rời nhà cổ khi có chồng vào năm 2015.
Vương Bảo Thành cũng rời nhà cổ khi lấy vợ vào năm 2013.
Vương Hồng Liên Hương ly thân với chồng, cũng rời nhà cổ năm 2018.
"Tôi khẳng định không còn bất cứ ai là con cháu của ông Vương Hồng Sển ở trong ngôi nhà cổ từ 6, 7 năm nay. Chỉ có bà Võ Ngọc Liên, thân nhân của bà Liên và các chủ nợ của bà Liên Hương sinh sống trong căn nhà cổ" - bà Vương Thị Việt Hoa nhấn mạnh.
Ngoài 23 tủ sách quý bị mất, nhiều thứ gắn liền với căn nhà cổ là các bao lam chạm trổ tinh xảo gắn với kết cấu nhà cũng bị tháo gỡ. Hai bộ sập gỗ, hai bộ đi văng còn để lại trong nhà theo biên bản bàn giao năm 2004 cũng không còn.
Tuổi Trẻ Online liên hệ với bà Võ Ngọc Liên, bà cho biết thời điểm đó có nhiều người sống trong ngôi nhà cổ, có cả cháu của bà Nguyễn Kim Chung (mẹ của Vương Hồng Bảo), không ai nhìn mặt ai nên khó có thể kiểm soát đồ đạc trong nhà.
Bà khẳng định có lần con rể tên là N.H.T. (chồng của Vương Hồng Liên Hương, đã ly thân) có mang sách trong nhà đi bán, nhưng không xác định số lượng sách bao nhiêu và những đầu sách gì.
Hiện cả gia đình không ai liên lạc được với ông N.H.T.. Tuổi Trẻ Online sẽ tiếp tục liên lạc với ông này. Dự kiến cuối tuần này, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM sẽ có phản hồi về vụ việc trên.
Kiến nghị thực hiện theo di nguyện của ông Vương Hồng Sển
Bà Vương Thị Việt Hoa cho biết do cuộc sống khó khăn nên các cháu nội ông Vương Hồng Sển có vay tiền. Các chủ nợ này gây áp lực để các cháu của ông phải chấp nhận thưa kiện đòi thừa kế lần 2 (vụ án đang được Tòa án nhân dân TP.HCM thụ lý theo quy định).
Trước đó, bà Võ Ngọc Liên và bà Võ Thị Lệ Hồng (em bà Liên), người đại diện cho các con bà Liên khởi kiện đòi thừa kế của bà Nguyễn Kim Chung (mẹ của Vương Hồng Bảo) từ năm 2005, sau khi nhà cổ được công nhận di tích.
Vụ án kéo dài 6 năm với hai phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm. Vụ án đòi thừa kế bị đình chỉ, nhiều câu hỏi đặt ra rằng tại sao suốt khoảng thời gian 20 năm qua (2004-2024), cơ quan chức năng không xúc tiến việc bảo vệ di tích?
Đại diện gia đình cố học giả Vương Hồng Sển, bà Vương Thị Việt Hoa nói sẽ khuyên các cháu nội của cố học giả rút đơn kiện và thực hiện theo di nguyện của ông Vương Hồng Sển. Đó là hiến tặng cổ vật vô giá, sách sưu tập quý hiếm.
Về ngôi nhà cổ ở địa chỉ 9/1 (nay là 11) Nguyễn Thiện Thuật, quận Bình Thạnh, ngôi nhà sẽ thuộc sở hữu nhà nước với điều kiện UBND TP.HCM trích ngân sách mua lại khu đất trong khuôn viên nhà cổ (một phần hoặc toàn bộ) theo giá thị trường.
"Chúng tôi kiến nghị UBND TP.HCM thực hiện di nguyện của ông Vương Hồng Sển: Bảo vệ và trùng tu ngôi nhà cổ 9/1 Nguyễn Thiện Thuật và thành lập Nhà Vương Hồng Sển (Foundation Vương Hồng Sển) đúng nghĩa và đúng pháp luật" - bà Việt Hoa mong muốn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận