Con cái có nên "sòng phẳng" tình cảm với mẹ cha nếu chẳng may tình cảm gia đình từng có những sứt mẻ? Tình cảm yêu thương mà mẹ cha dành cho ta có phải là "chất xúc tác" diệu kỳ để ta làm trọn chữ hiếu? Phúc lợi xã hội cần nhập cuộc thế nào khi những giềng mối tình cảm gia đình đã đứt gãy và người già phải đơn độc chống chọi với những khó khăn của cuộc sống?
Tuổi Trẻ Online mời bạn đọc tiếp tục theo dõi các ý kiến và chia sẻ suy nghĩ riêng.
Phóng to |
Cụ Trần Văn Liêu quạnh quẽ khi về già vì con cái cho rằng không hạp tính với cụ nên khó ở cùng - Ảnh: Bảo Ân |
Đi hết đời, vẫn là mẹ cha ta
* Tôi đã khóc khi đọc bài báo . Tôi đã thấy khó chịu với cái lý do không chăm sóc cha mà con gái cụ đưa ra. Trên thế giới này có bao nhiêu đứa con không hề nhận được tình yêu thương của cha mẹ? Có bao nhiêu đứa con từng bị cha mẹ đánh đập, hành hạ, bỏ rơi? Có lẽ rất nhiều. Nhưng có phải tất cả những người con này đều đẩy cha mẹ già ra đường như con của cụ không?
Ai sẽ chăm sóc những cha mẹ già không còn sức để cầm roi mà đánh ai, không còn có thể tự kiếm sống để nuôi bản thân mình? Người già cũng như trẻ thơ, cần được tha thứ và bảo vệ.
Có thể cuộc đời dạy chúng ta phải sòng phẳng, ơn đền oán trả nhưng đạo hiếu không dạy chúng ta sòng phẳng với cha mẹ. Dù cha mẹ đã từng đối xử với ta thế nào thì con cái vẫn có nghĩa vụ phải chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ.
Ta có thể ăn miếng trả miếng với đời nhưng không phải với những người đã sinh ra mình. Đó là đạo lý. Hành động bất hiếu này chỉ có thể lý giải bằng hai từ: vô cảm.
* Tôi từng sống và chịu cảnh khổ sở do cha tôi gây ra. Tôi quyết định ra ngoài mua nhà sống riêng dù tôi là con trai duy nhất.
Khi má tôi mất, tôi về nhà, thấy ba tôi cô độc, côi cút trong căn nhà rộng thênh thang, một mình thui thủi đi vào đi ra, tôi thấy mình có lỗi rất nhiều với bậc sinh thành (dù ba má tôi không lo cho tôi).
Tôi muốn chia sẻ với những ai còn cha còn mẹ rằng hãy làm những điều tốt nhất cho cha mẹ, đừng như tôi, khi mất đi cha hay mẹ mới thấy cha mẹ là tất cả. Tốt hay xấu đó cũng là cha mẹ mình. Mong những ai còn cha còn mẹ hãy nâng niu chăm sóc cha mẹ. Đó cũng là cách giáo dục con cái mình.
* Đã là con người thì phải có những lúc sai lầm! Điều quan trọng là ta nhìn ra được sai lầm đó và sửa đổi nó. Vấn đề là không đúng rồi!
Hai thế hệ "trẻ" và "già" có khác nhau nhưng không vì thế mà không gần nhau được! Cha mẹ dù có sai lầm gì đối với chúng ta đi nữa thì đó cũng là cha, mẹ thật sự và duy nhất trên cõi đời này, không ai có thể thay thế được!
Có thể khi ta cảm nhận và ý thức được bổn phận làm con thì lúc ấy người đã đi xa rồi! Sẽ mãi mãi là hối tiếc!
Xin cha mẹ luôn dịu dàng với con
* Xin cha mẹ đừng mang tư tưởng vì là cha mẹ thì có toàn quyền quyết định cuộc đời của con cái, con mình sinh ra nên mình làm gì nó cũng được. Xin cha mẹ hãy yêu thương nhiều hơn là ra lệnh.
Tôi nghĩ hoàn cảnh của ai người nấy biết nhưng dù cha mẹ có làm ta tổn thương rất nhiều đi nữa, ta vẫn phải làm tròn bổn phận làm con của mình. Dù không thích, không vui, không có tình cảm nhưng cái nghĩa sinh thành phải làm cho tốt.
Ngay khi ta chăm sóc cha mẹ thì dần dần cha mẹ sẽ nhận thấy những lỗi lầm mà mình từng gây ra cho con cái, cha mẹ sẽ ân hận, sẽ đến một lúc cha mẹ nói rằng cha mẹ đã sai, rằng cha mẹ rất thương con nhưng cách thể hiện không đúng hoặc không biết cách thể hiện.
Tình máu mủ rất thiêng liêng. Việc ruồng rẫy cha mẹ là làm gương xấu cho con cháu mình. Đây cũng là một bài học cho những ai đang và sẽ làm cha mẹ. Những tổn thương về mặt tinh thần rất khó phai mờ trong ký ức con người, vậy nên, "lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".
* Con cái bỏ cha thì trái ngược với đạo lý, nhưng cha mẹ cũng phải biết yêu thương con, đừng để con ác cảm và xa lánh mình. Người già yếu được bảo vệ, nhưng hạnh phúc và tương lai của các bạn trẻ cũng phải được tôn trọng.
Xã hội phải công bằng. Chúng ta không thể nhìn nhận vấn đề từ một phía. Không thể chỉ vì những thói hư tật xấu của người già mà con trẻ phải hi sinh cả cuộc đời mình.
Phúc lợi xã hội ở đâu? * Bổn phận làm con cái mà để cha mình như thế thì trái với luân thường đạo lý của người Việt Nam. Mới hay cha không ra cha, con không ra con tất sẽ loạn. Song, nếu chuyện đáng tiếc xảy ra với người già thì đã đến lúc phúc lợi xã hội phải vào cuộc. * Điều quan trọng là cuộc sống vui vẻ hạnh phúc của cả cha mẹ già và vợ chồng trẻ. Nếu như cả hai hoặc ba thế hệ cùng sống trong một gia đình mà có những mâu thuẫn, xung đột trong thói quen và cách sống thì thật không hay. Cuộc sống như thế chắc cũng chẳng vui sướng gì. Thiết nghĩ viện dưỡng lão cũng là một giải pháp tốt. Xã hội cần đưa ra thêm phương án giải quyết mâu thuẫn giữa các thế hệ. Càng nhiều người thừa nhận viện dưỡng lão là phương án tốt thì càng có nhiều sự đầu tư đóng góp để xây dựng viện dưỡng lão trở thành môi trường tốt hơn, tiện nghi hơn cho các bậc lão niên an dưỡng. |
Có phải vì cha mẹ từng làm chúng ta không vừa ý nên ta sẽ "không thể trực tiếp chăm sóc" lúc cha mẹ già yếu, mắt mờ chân run? Bạn nghĩ gì về đạo nghĩa qua câu chuyện này? Liệu chúng ta có muốn con cái sẽ đối xử với chúng ta theo cách mà chúng ta oán hờn cha mẹ như thế không? Và cả các bậc làm cha mẹ, chúng ta nên thế nào để bản thân được con cái chăm sóc trọn vẹn lúc về già? Mời bạn đọc tiếp tục ý kiến. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận