Thời đại kỹ thuật số khiến nhiều trường học xem nhẹ việc dạy trẻ em - Ảnh: AFP
Cô Sylvie de Sury, hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP Mourenx ở miền tây nam nước Pháp, than thở: "Hồi tôi mới đi dạy, trong lớp chỉ có 4-5 học trò không biết cách cầm viết đúng, còn giờ đây thì tỉ lệ này đảo ngược, chỉ có 4-5 học trò biết cầm viết đúng mà thôi!".
Thực trạng đáng báo động này đã kéo các chuyên gia y tế và giáo dục vào cuộc. Vì sao? Và giải quyết ra sao?
Thủ phạm đầu tiên: màn hình và máy tính bảng
Không thể phủ nhận là giới trẻ ngày nay càng ngày càng mất đi thói quen sử dụng viết và giấy để thông tin cho nhau.
Theo đài France Info, hiện trạng đáng lo ngại trong những năm gần đây là có quá nhiều phương tiện truyền thông bằng công nghệ hiện đại lên ngôi, đặc biệt là màn hình cảm ứng phát triển đại trà, và đã nhấn chìm kỹ năng "viết thủ công" của thế hệ trẻ.
Giới trẻ giờ đây có thể "ôm" smartphone hay máy tính bảng suốt ngày mà không chán, nhưng chúng lại ngán ngẫm khi cầm viết và sử dụng giấy tập.
Điều này dẫn đến hệ lụy là thao tác tư duy tạo dáng cho nét chữ bị trì trệ, khiến các bé mới đi học gặp rất nhiều khó khăn khi tập tành viết ra những con chữ đầu tiên trong đời: chúng viết chữ méo mó, viết quá chậm, quá cực khổ (!) do không biết cách cầm bút sao cho đúng cách và không biết ngồi tư thế đúng khi viết.
Chuyên gia về tâm lý vận động Yves Le Roux giải thích: "Khi mới tập viết, trẻ em phải chậm rãi, tỉ mỉ, nắn nót từng đường nét lên, xuống hoặc nét ngang thì mới có thể viết đúng được tất cả các con chữ trong bảng chữ cái. Nhưng trẻ em ngày nay dường như chán ngán việc đó rồi vì chúng đã quen mắt và quen tay với những thao tác nhanh chóng từ bàn phím hay từ một cú nhấp chuột. Do đó, ý niệm và sở thích của trẻ về tốc độ nhanh - chậm trong thời gian đã thay đổi nhiều".
Đã có lúc chúng ta hào hứng với những lớp học sử dụng iPad - Ảnh: AFP
Mà không chỉ tại Pháp, trên nhật báo The Guardian, các bác sĩ nhi khoa của Anh nhận định rằng việc sử dụng màn hình cảm ứng gây tác hại lên sự phát triển của một vài búi cơ trên các ngón tay khi thực hiện động tác cầm - nắm, mà cụ thể là việc cầm bút viết ở học sinh tiểu học.
Bác sĩ nhi khoa Sally Payne giải thích: "Để có thể giữ chặt một cây bút trong lòng bàn tay và di chuyển nó theo đúng ý định của mình, bạn cần phải biết kiểm soát tốt cơ bắp của tất cả các ngón tay. Việc này đòi hỏi trẻ mới tập viết phải tập trung cao độ, phải gắng sức và kiên nhẫn. Nói chung là phải biết chịu khó tập luyện từ từ cho quen dần".
Còn theo bác sĩ Danièle Dumont (Pháp), một chuyên gia về khoa học ngôn ngữ và giảng viên về nghệ thuật viết chữ, khi bàn tay của trẻ đang trong giai đoạn phát triển thể chất mà sử dụng quá nhiều máy tính bảng thì "vấn đề ở đây là, khớp ngón tay trỏ của trẻ sẽ bị biến dạng và ngón trỏ có thể bị vênh theo hướng khác. Khi đó, trẻ có thể sẽ không thể giữ chặt cây bút bằng ngón trỏ được nữa".
Dị tật này cũng có thể xảy ra ở ngón cái, khiến ngón tay này trở nên "dẻo quẹo", tức là có biên độ cử động lớn hơn bình thường khi cho trẻ sử dụng màn hình cảm ứng quá nhiều. Còn nói theo chuyên gia tâm lý vận động Nicolas Renouard, thì ngón cái sẽ "uyển chuyển quá mức", lệch được về mọi hướng và không còn có khả năng gập lại một cách bình thường để giữ chặt cây bút.
Việc sử dụng máy tính đã khiến trẻ em mất dần cách cầm bút viết chữ - Ảnh: GUARDIAN
Do trẻ em phải học viết quá sớm?
Nhưng máy tính bảng không chỉ là thủ phạm duy nhất khiến trẻ khó tập viết, mà còn là do chương trình đào tạo ở bậc tiểu học.
Chuyên gia Nicolas Renouard chỉ rõ như sau: "Dường như nhà trường dạy học sinh viết chữ quá sớm mà trước đó lại không dạy trẻ cách cầm bút sao cho đúng, cho chắc chắn, mà cũng không dạy tư thế ngồi sao cho đúng khi viết".
Tư thế cầm bút "đúng cách" được hướng dẫn như sau: ngón cái và ngón trỏ tạo thành một "gọng kềm" để "kẹp" chặt cây bút, đồng thời tì nhẹ bút vào lóng tay đầu tiên của ngón giữa.
Cô Sylvie de Sury còn chỉ ra một "lỗi sai cố hữu" của trẻ con thời nay khi cầm bút, là "chúng ít khi nào sử dụng phần đầu của ngón tay cái mà thường là chúng chỉ tì nhẹ cây bút lên phần giữa ngón cái, tức là ở khoảng gập của hai lóng ngón tay cái mà thôi".
Mà nếu như cầm bút đúng cách thì khi ngón cái có xê dịch rộng đi chăng nữa thì cây bút vẫn được "khóa" chặt giữa ngón cái và ngón trỏ nên khó có thể xoay tròn một cách lỏng lẻo, còn đằng này nhiều trẻ nhỏ khi tập viết lại cầm bút theo kiểu để ngón trỏ ôm trọn luôn vào ngón cái hoặc chỉ lấy ngón trỏ "ngoéo" vào cây bút mà thôi thì làm sao mà viết cho chính xác con chữ, kể cả đầu óc luôn mệt mỏi căng thẳng vì cây bút luôn ngoặc qua ngoặc lại mà không chịu "đứng yên" theo ý mình.
Bác sĩ tâm lý thần kinh Laurence Vaivre-Douret - chuyên gia làm việc tại Viện Sức khỏe và Nghiên cứu y khoa Quốc gia Pháp (INSERM), nhìn nhận thêm là các lớp mẫu giáo hiện nay thường nhập môn tập viết chỉ bằng cách giới thiệu các bé nhìn ra được mặt chữ, rồi yêu cầu chúng bắt chước viết (hoặc vẽ lại) theo hình ảnh các con chữ mà thôi, tức là chương trình chỉ trang bị nhận thức cho học sinh về hình dáng của chữ viết chứ khâu đầu tiên quan trọng là trang bị cho chúng về kỹ năng thực hành động tác cầm bút để viết chữ thì các cô mẫu giáo lại không làm.
Học sinh ngày nay không được tập luyện trước để chúng dần dần quen với cách vận động các khớp ngón tay khi cầm bút"
Bác sĩ tâm lý thần kinh Laurence Vaivre-Douret
Trẻ em thời nay không biết cách cầm bút cho đúng cách - Ảnh: AFP
Theo bác sĩ tâm lý thần kinh Boris Cyrulnik, tại các nước Bắc Âu, trường mẫu giáo không "ép" học sinh phải "khổ luyện" quá sớm, mà họ chú trọng đến việc tạo tâm lý tự tin cho trẻ trong học tập, vì ở độ tuổi mẫu giáo này, điều quan trọng hơn cả là phải tạo điều kiện cho trẻ được phát triển trí não và tâm lý vận động thần kinh- cơ.
Lỗi ở phụ huynh
Nói gì thì nói, một mình nhà trường cũng không thể nào quán xuyến được toàn bộ quá trình học tập và rèn luyện của học sinh.
Theo bác sĩ Laurence Vaivre-Douret, "hiện nay, nhiều bậc phụ huynh ít khi để ý con mình chơi đùa ở nhà ra sao nên đôi khi có bé bị rối loạn vận động mà cha mẹ không hay biết, mãi cho đến khi nhà trường phát hiện ra".
Năm 2009, Cơ quan giám định chất lượng Y tế của Pháp (HAS) đã thống kê có khoảng 600.000- 840.000 học sinh nước này bị chứng rối loạn vận động nên gặp khó khăn khi kết hợp các động tác khác nhau trên cơ thể dù thể trạng của chúng là bình thường chứ không phải là trẻ khuyết tật.
Giấy và viết sắp biến mất trong thời đại kỹ thuật số?
Trở lại chuyện thời công nghệ hiện đại lúc này, có ý kiến cho rằng nên chăng người lớn nên "chuyển đổi" trẻ em sang "viết ảo" thay cho giấy, bút?
Năm 2013, chuyên gia Jean-Luc Velay thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) đã tiến hành thực nghiệm trên hai nhóm trẻ trong vòng bốn tuần và đúc kết rằng những trẻ học viết "thật" trên mặt giấy sẽ ghi nhớ được các con chữ tốt hơn là những trẻ học viết "ảo" trên bàn phím.
Thế nhưng, chuyên gia này cũng mong muốn chúng ta đi theo hướng phổ biến các ứng dụng công nghệ số chứ không nên đả phá cái mới trong một tương lai gần và gợi ý kết hợp như sau: "Chúng ta đang ở ngã ba đường. Nếu nhà trường sử dụng máy tính bảng và bút cảm ứng để duy trì kỹ năng viết tay của học sinh, thì 'đồng ý'. Nhưng nếu nhà trường không suy nghĩ thấu đáo đến quá trình tập viết của học sinh mà cứ để học sinh tập 'viết bằng công nghệ số' quá sớm thì chẳng chóng thì chầy kỹ năng viết 'thủ công trên mặt giấy' của học sinh cũng sẽ thui chột đi".
Cho trẻ học tô màu cũng là cách giúp các em duy trì thói quen cầm bút - Ảnh: AFP
Còn theo nhận định của nữ bác sĩ Laurence Vaivre-Douret, bút cảm ứng hoàn toàn khác xa bút mực hay bút bi thông thường, và "một đứa trẻ trong giai đoạn phát triển cần phải được tự mình trải nghiệm chữ viết trên mặt giấy để có thể tư duy được chính xác các con chữ. Nhưng hiện nay, chúng ta cũng chưa biết được chắc chắn là nếu trẻ bắt đầu tập viết "ảo" trên máy tính bảng thì sau này chúng có thể viết đẹp được trên mặt giấy hay không".
Và trong khi chờ đợi, không có gì tốt hơn là nhà trường nên chú trọng việc dạy tô màu và vẽ hình cho trẻ mẫu giáo để giúp các bé phát triển được đầy đủ tư duy cảm nhận và khả năng kết hợp vận động ở một độ tuổi tuổi đang cần được phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần cho tương lai học tập và làm việc sau này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận