Ông Nguyễn Nam Liên phát biểu tại cuộc họp báo - Ảnh: VIỆT DŨNG
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép, nằm cáng, nhưng bệnh viện dành tới 25%, thậm chí 40% số giường kế hoạch cho "dịch vụ y tế theo yêu cầu" có mức giá cao, ông Liên cho hay quy định về việc sử dụng tài sản công yêu cầu bệnh viện phải hoàn thành kế hoạch được giao, tức là đảm bảo số giường kế hoạch phục vụ bệnh nhân, còn lại mới dành cho dịch vụ.
"Các bệnh viện phải rà soát, nếu bệnh nhân còn phải nằm ghép thì không dành quá nhiều giường cho dịch vụ" - ông Liên nói.
Theo ông Liên, không thể khống chế bệnh viện mở ra bao nhiêu giường, buồng bệnh, khu điều trị theo yêu cầu, tuy nhiên nguồn vốn phải là từ nguồn bệnh viện vay hoặc huy động được, nếu bệnh viện sử dụng tài sản do Nhà nước đầu tư thì phải thực hiện mức giá dịch vụ mà Bộ Y tế quy định.
Từ 1-10 tới, thông tư hướng dẫn giá dịch vụ y tế theo yêu cầu có hiệu lực thực hiện. Theo đó, giá giường bệnh dịch vụ loại đặc biệt nhất ở bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt tuyến trung ương là 4 triệu đồng/giường/ngày đêm, tiêu chuẩn là phòng đơn, có khu tiếp khách riêng.
Giá khám bệnh theo yêu cầu cao nhất là 500.000 đồng/lượt khám, viện phí theo yêu cầu tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ được cho phép cao hơn 30% so với các khu vực còn lại.
Theo ông Liên, việc quy định giá dịch vụ theo yêu cầu là để bệnh viện có cơ sở thu hút người bệnh là người nước ngoài, người có khả năng chi trả. "Mỗi năm có 50.000 - 100.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh, với chi phí ước tính khoảng 2 tỉ USD, nếu giữ được 1/2 số ngoại tệ này là các bệnh viện có 23.000 tỉ đồng để đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ" - ông Liên chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận