22/09/2019 09:57 GMT+7

Còn anh, còn em, tình thương còn ở lại

MINH PHÚC
MINH PHÚC

TTO - Những kiểu thương không nói thành lời bao giờ nhưng ta hiểu, đó là vì ở trên đời, ta còn anh còn em.

Còn anh, còn em, tình thương còn ở lại - Ảnh 1.

Anh chị em trong nhà tự nhiên đã có một mối dây gắn bó - máu chảy ruột mềm - Ảnh minh hoạ: QUANG ĐỊNH

Tôi có 3 ông anh trai. Hồi nhỏ, các anh luôn chơi chung với nhau, tôi là con gái, bị ra rìa.

Theo lý luận của các anh trai, con gái không phù hợp với các trò phá như giặc, quậy banh xóm. Thế nhưng, tôi vẫn lẽo đẽo đi theo, đòi chơi chung (tất nhiên có cả nước mắt và cả sự "bảo hộ" của má tôi nữa).

Anh đầu của tôi có khiếu về mỹ thuật, thích vẽ với cắt may và dọn dẹp nhà cửa. Hồi nhỏ, tóc tôi chẳng bao giờ phải đưa đi tiệm vì anh cắt tóc cho tôi theo kiểu "Maika từ trên trời rơi xuống"!

Nhớ năm học lớp 3, cuối năm tôi được lên xã nhận giải thưởng mà quần áo cũ ngắt (hồi đó, tết mới được may áo mới). Anh sáng trí lấy cái nồi, bỏ than củi vào để ủi đồ (vì nhà không sắm bàn ủi). Kết quả, anh làm cháy của tôi hết một cái quần.

Anh thứ ba của tôi học rất giỏi, may quá, anh còn mê đọc sách. Thành thử bao tiền dành dụm được từ những bữa đi câu cá, bắt tôm cua đem bán, anh đều mua sách, và luôn cho tôi đọc ké. Có lần, anh biểu tôi đưa hết tiền lì xì để anh xuống trường mua sách, nhưng lúc về không có cuốn sách nào, tôi khóc một trận, và tất nhiên cây roi của má cũng không tha cho anh.

Có lẽ hối hận vì đã đem tiền của tôi đi mua kẹo ăn hết, anh đội mưa đi nhấp cá lóc, được một con to đùng. Và anh dùng tiền bán con cá to này mua lại cho tôi những quyển sách thần kỳ. Sau này đi học xa, anh vẫn là người tôi chờ đợi nhất mỗi khi hay tin anh về, bởi thể nào anh cũng sẽ về cùng với cả đống sách báo cũ.

Anh kế tôi không mấy siêng năng chăm chỉ, luôn kèn cựa với tôi. Nhưng đến lúc tôi bị tai nạn gãy cái chân, chính anh là người chăm nom kè cõng lúc tôi cần đi lui đi tới. Năm tôi đi học lớp 5, dọc đường bị ong vò vẽ bay ra chích sưng phù hết mặt mũi, tôi đau quá ngồi khóc bên đường mãi cho đến tối, thấy anh hốt hoảng đi tìm tôi.

Sau này lớn, mỗi người anh có mỗi tính cách, số phận, kể cả tôi cũng vậy. Nhà tôi vẫn thuộc diện nghèo nên anh em mỗi người phải tự lập học hành, sinh kế. Tôi không quá tự hào vì mình có anh thành đạt, mà tôi tự hào vì có những người anh yêu thương mình.

Thương, như kiểu anh hai, là nông dân chính hiệu, biết tôi thích ăn bắp luộc, cá lóc nấu chua nên lần nào tôi về thăm quê, anh luôn chuẩn bị sẵn những thứ này để dành cho tôi. Thương như kiểu anh ba, việc gì khó khăn dù tôi không nhờ, anh đều sẵn sàng gánh hết. Hay như kiểu anh kế tôi, chảy nước mắt lúc sang thăm tôi khi tôi lâm bệnh ngặt nghèo. Không giúp được gì nhiều, cũng chẳng lời hay để an ủi, nhưng anh biết mình có tình thương.

Bạn không có thể chọn lựa trở thành em hay chị hay anh của người này người khác, cũng như không thể lựa chọn ai làm cha làm mẹ mình. Mối dây ruột rà thiêng liêng này là duy nhất của mỗi người, và chỉ riêng người đó mới cảm thấu được. Tỉ dụ, tôi biết mình có làm điều gì sai quấy nhưng lỡ may hoạn nạn, anh em mình sẽ lo lắng và đớn đau.

Rồi đọc những dòng tin thảm sát anh em một nhà, hẳn ai cũng tự hỏi, vì sao họ lại làm như vậy? Ta sẽ chẳng bao giờ biết được sự thật của điều nhẫn tâm này, nhưng có lẽ thứ rõ ràng hơn ta biết là khi cắt đứt phựt tình ruột rà thì về sau của đời sống, họ còn có được ngày nào vui?

Hẳn ai cũng nhớ câu chuyện bó đũa trong sách giáo khoa hồi ấy. Ông cha già, để dạy cho các con mình lòng yêu thương nhau và tinh thần đoàn kết gắn bó một nhà, đã dùng hình ảnh bẻ gãy từng chiếc đũa trong bó đũa và bẻ nguyên bó đũa khác nhau thế nào. Kế bên chuyện bó đũa lại có thêm câu chuyện Ăn khế trả vàng. Đời sống luôn có mặt này mặt khác.

Các câu chuyện vỡ lòng này, nghiêm túc mà nghĩ về nó, sẽ khiến ta nghiêm túc trân trọng những nhỏ nhoi, những ký ức, kỷ niệm, những sẻ chia mà chỉ có làm anh làm em trên đời mới có được.

Bạn đâu muốn mình bị bẻ gãy, có phải vậy không?

Mời bạn đọc chia sẻ những câu chuyện về tình anh em

Anh em như thể tay chân/Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần - câu ca dao quen thuộc, gần như được ghi dấu trong tâm thức của người Việt bao đời nay. Tình cảm máu mủ ấy, một cách tự nhiên, liên kết anh chị em trong một nhà với nhau, trong cả khi hoạn nạn hay lúc ngọt bùi.

Trang Tổ ấm mong nhận được những bài viết của bạn đọc gửi về chuyên mục Chuyện nhà, để cùng Tổ ấm nuôi dưỡng dòng chảy ngọt lành của mối dây liên kết ấy. Bởi đâu phải ngẫu nhiên chúng ta sinh ra để được gắn liền mối quan hệ huyết thống với một ai đó, để cùng gọi nhau những tiếng anh - chị - em đầy trìu mến, để nghiêng vai đỡ đần cho nhau, để thấm thía "cái tay" nào khỏe mạnh gì khi "cái chân" đang đau...

Bài viết bạn đọc gửi về email [email protected],dài không quá 800 từ (khuyến khích kèm hình ảnh nhân vật trong câu chuyện). Người viết có thể viết về chính gia đình mình hoặc câu chuyện mình chứng kiến được.

Trân trọng.

Tình anh em Tình anh em

TT - Khoảnh khắc đáng yêu của hai anh em tật nguyền do di chứng chất độc da cam ở xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam).

MINH PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp