02/08/2016 14:54 GMT+7

Tiếc thương anh Hàm Châu

NGUYỄN KHẮC PHÊ
NGUYỄN KHẮC PHÊ

TTO - Còn ai có thể điền vào chỗ trống mà anh Hàm Châu vừa để lại bên các nhà khoa học suốt đời cống hiến cho dân tộc và nhân loại dưới “ánh sáng nhân văn”...

GS Hoàng Tụy và nhà báo Hàm Châu (phải) tại nhà riêng - Ảnh tư liệu

Tôi vừa trò chuyện qua điện thoại với anh Hàm Châu cách đây mấy hôm, hẹn sẽ gửi ra cho anh “lưu niệm” tờ báo Đà Nẵng Cuối Tuần có đăng bài tôi giới thiệu tác phẩm lớn cuối đời của anh (ký sự văn học Ánh sáng nhân văn trong thế giới các nhà vật lý).

Vậy mà chiều nay, dán phong bì xong, chưa kịp đi bưu điện thì tin như sét đánh: anh Hàm Châu vừa đột tử tại nhà riêng! Bài tôi viết có nhan đề Cái vô hạn trong một cuốn sách là dựa theo tác phẩm nổi tiếng của nhà thiên văn Trịnh Xuân Thuận (Cái vô hạn trong lòng bàn tay). 

Nay thì chỉ còn biết kêu lên: Tiếc thương vô hạn một nhà báo - nhà văn, người bạn thân thiết của các tên tuổi khoa học Việt Nam và thế giới.

Tôi mới quen anh mươi năm trở lại đây, khi anh vào Huế cùng tôi đi tìm lại ngôi nhà anh từng sống những năm thơ ấu trong Đại nội bên cạnh nhà thân phụ tôi.

“Trải qua một cuộc bể dâu”, dấu vết căn nhà, giếng nước gần một thế kỷ trước nay chẳng còn gì, nhưng nền nếp gia phong mà anh hấp thu từ một “Nho gia” có truyền thống vẫn là hành trang suốt cuộc đời anh, “định hướng” cho cả cuộc đời làm báo của anh: viết về những trí thức, những nhà khoa học.

Không phải nhà báo nào cũng có thể “thâm canh” vào đề tài mà anh đã theo đuổi hơn nửa thế kỷ cầm bút. Dễ gì “anh” làm quen, trò chuyện được với các nhân vật trí thức như Tạ Quang Bửu, Hồ Đắc Di, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Thúc Hào, Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Văn Huyên, Đặng Vũ Hỷ, Nguyễn Lân, Đỗ Tất Lợi, Đặng Thai Mai, Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Trần Đức Thảo, Tôn Thất Tùng, Trần Hữu Tước, Nguyễn Xiển, Nguyễn Tài Cẩn, Phan Đức Chính, Đặng Văn Chung... và các trí thức người Việt Nam ở nước ngoài như Ngô Bảo Châu, Nguyễn Trọng Hiền, Phạm Quang Hưng, Bùi Trọng Liễu, Lê Kim Ngọc, Đặng Thái Sơn, Đàm Thanh Sơn, Trịnh Xuân Thuận, Vũ Hà Văn, Trần Thanh Vân...

Không phải là những tên tuổi lớn ấy “cao đạo”, mà vấn đề là “anh” phải có những hiểu biết và tầm văn hóa ở mức nào mới có thể đối thoại, khai thác cuộc đời và sự nghiệp của họ. Hàm Châu, bằng nỗ lực học tập không mệt mỏi, đã tự trang bị cho mình vốn kiến thức và bản lĩnh để không “choáng ngợp” trước những tên tuổi lớn, tự tin trò chuyện với họ như với người bạn tâm tình.

Trong làng báo Việt Nam, Hàm Châu thuộc lớp “lão làng”. Anh viết báo từ năm 22 tuổi, từng là phóng viên báo Hà Nội Mới, rồi được cử làm tổng biên tập tạp chí Tổ Quốc...

Anh đã viết hơn 2.600 bài báo bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Pháp và xuất bản hơn 10 cuốn sách, trong đó hai tác phẩm cuối đời của anh là hai cuốn sách đồ sộ có thể nói là hai tập đại thành của nhà báo vừa qua tuổi bát tuần: Tinh hoa trí thức Việt Nam đương đại (NXB Trẻ - 2014) dày 1.220 trang và Ánh sáng nhân văn trong thế giới các nhà vật lý.

Thật là tiếc thương vô hạn. Vì còn ai có thể điền vào chỗ trống mà anh Hàm Châu vừa để lại bên các nhà khoa học suốt đời cống hiến cho dân tộc và nhân loại dưới “ánh sáng nhân văn”.

NGUYỄN KHẮC PHÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp