03/12/2015 12:23 GMT+7

​Cơn ác mộng bạo lực súng đạn ở Mỹ

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TTO - Chưa rõ vụ xả súng tại San Bernardino có liên quan đến khủng bố hay không, nhưng nó đã đánh dấu một năm đẫm máu vì bạo lực súng đạn tại Mỹ khi trung bình ngày nào cũng có người bị bắn.

Cảnh sát Mỹ săn lùng nghi can xả súng ở San Bernardino - Ảnh: Reuters

Theo trang web Mass Shooting Tracker, đây là vụ xả súng quy mô lớn (bốn người bị bắn trở lên) thứ 352 tại Mỹ kể từ đầu năm 2015 đến nay, cao hơn nhiều so với hai năm trước. Nghĩa là số vụ xả súng quy mô lớn còn nhiều hơn số ngày đã trôi qua trong năm nay (336 ngày). Riêng từ tháng 9-2015 đến nay, đã có tới 94 vụ xả súng, trong đó có 16 vụ làm trên bốn người thiệt mạng.

Tổng cộng 462 người đã chết và 1.314 người bị thương vì súng đạn kể từ đầu năm. Và các vụ xả súng quy mô lớn chỉ là một phần của tình trạng bạo lực súng đạn tại Mỹ. “Có 14 người bị bắn chết ở California, một bi kịch lớn. Nhưng cùng ngày khoảng 88 người khác bị giết trong các vụ bạo lực súng đạn quy mô nhỏ” - báo New York Times dẫn lời chuyên gia Ted Alcorn của tổ chức Evertytown for Gun Safety than thở.

Luật của California cũng vô hiệu

Sau cuộc thảm sát ở San Bernardino, Tổng thống Mỹ Barack Obama lại lên tiếng kêu gọi thắt chặt luật kiểm soát súng đạn tại Mỹ. Ông mô tả nạn xả súng ở Mỹ là quá nghiêm trọng, không xảy ra ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới.

Tuy nhiên trên thực tế California là bang có các luật hạn chế súng đạn chặt chẽ nhất ở Mỹ. Tại đây, nhà chức trách cấm súng tiểu liên, súng máy và các loại vũ khí có sức công phá cao. Để mua những loại súng này, khách hàng cần điền vào hàng loạt đơn, phải cung cấp dấu vân tay và trả phí cao. Những người có tiền án, là tội phạm tình dục, có tiền sử mắc bệnh tâm thần.. bị cấm mua súng.

Trước đây, California luôn được xem là một mô hình kiểm soát súng đạn hiệu quả, đáng để cả nước Mỹ học tập. Tuy nhiên vụ tắm máu ở San Bernardino vẫn xảy ra. Một số chuyên gia nhận định vấn đề là luật kiểm soát súng đạn ở California chỉ chặt chẽ theo tiêu chuẩn Mỹ, chứ nếu so với các nước như New Zealand, Nhật hay Anh thì lỏng lẻo hơn nhiều. Do đó, những kẻ xả súng vẫn có thể mua vũ khí để gây án.

Sau vụ tấn công khủng bố ở Pháp đêm 13-11,  các chính trị gia bảo thủ Mỹ đòi tẩy chay người nhập cư Syria. Tuy nhiên trên thực tế cơn cuồng súng đạn khiến người Mỹ có thể thiệt mạng khi đi xem phim, đi tuần hành chính trị, đi học ở trường, đến phòng khám hay trong trường hợp ở San Bernardino là tới một cơ sở dịch vụ xã hội.

Càng nhiều súng càng nhiều người chết

Theo khảo sát của Liên Hiệp Quốc, ở Mỹ hiện có khoảng 300 triệu khẩu súng đang lưu hành. Và các nghiên cứu cho thấy nơi nào càng tích tụ nhiều súng đạn thì án mạng xảy ra càng nhiều. Số vụ giết người bằng súng ở Mỹ cao gấp sáu lần Canada và 15 lần Đức.

“Mọi bằng chứng đều cho thấy càng có thêm nhiều súng trong cộng đồng thì người chết càng nhiều” - trang Vox dẫn lời chuyên gia David Hemenway thuộc Trung tâm Nghiên cứu kiểm soát chấn thương. Nhiều súng đạn không chỉ là tăng số lượng vụ giết người mà còn cả số vụ tự sát, bạo lực gia đình và bạo lực chống cảnh sát.

Trong khi đó, rất nhiều quốc gia phát triển hạn chế bạo lực súng đạn thành công bằng biện pháp giảm số lượng súng trên thị trường. Sau vụ xả súng năm 1996 ở Port Arthur khiến 35 người chết và 23 bị thương, chính phủ Úc thông qua luật hạn chế và mua lại súng từ người dân. Khi đó Úc mua lại tới 650.000 khẩu súng.

Nghiên cứu của ĐH Harvard cho thấy số vụ giết người bằng súng ở Úc giảm 42% trong bảy năm sau đó, và tỷ lệ tự sát bằng súng giảm 57%. Tuy nhiên giới quan sát nhận định rất khó để chính phủ Mỹ thông qua các luật tương tự bởi súng đạn là một phần của văn hóa Mỹ. Đồng thời các tổ chức vận động hành lang bảo vệ ngành công nghiệp súng đạn ở Mỹ có thế lực chính trị cực lớn.

Điển hình nhất là Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA) đã rất thành công trong việc vận động chống lại việc thông qua các luật kiểm soát vũ khí ở Mỹ. 

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp