Coi “cọp” ở đây chỉ những đứa trẻ coi ké sách trong nhà sách - thường ở miền Nam - có lẽ bắt nguồn từ chữ copier bên tiếng Pháp. Ai đó đang xem sách, xem báo mà mình xem ké vô được gọi là coi “cọp” hoặc xem mót. Buổi sáng đi học, chiều làm bài học ở trường xong là bọn tôi rủ nhau vào nhà sách... coi “cọp”.
Người lớn thương tụi nhỏ mê sách
Lần vào các kệ sách, giả bộ mở một quyển sách ra. Nếu là quyển sách hay thì... coi luôn, không thì đặt trở lại và hững hờ tìm tiếp. Kinh nghiệm coi sách “cọp” là phải tỏ ra lãnh đạm, hững hờ, đừng quá háo hức sục sạo sẽ khiến người bán sách hỏi “em (cháu) tìm quyển nào?” thì khổ. Mỗi lần coi “cọp” kiểu đó “nghiến” khoảng 70-80 trang sách, dở dang bữa sau coi tiếp. Với một quyển truyện vừa khoảng 200 trang thì chỉ ba buổi là “thanh toán” xong. Truyện dài mất khoảng một tuần.
Có lần tôi đang xem dở quyển Anna Karenina của Lev Tolstoy, chiều hôm sau tìm hoài không thấy. Hỏi, bà chủ nhà sách lạnh lùng: “Bán rồi”. Tôi mếu máo hỏi đám bạn có ai xem quyển đó rồi thì... kể tôi nghe đoạn kết. Có đứa kiên nhẫn kể lẫn lộn (chúng tôi chỉ mới học đệ lục, tức lớp 7 bây giờ). Có đứa khôn hơn: tìm một nhà sách khác để coi tiếp quyển ấy. Vậy mà nghĩ cũng không ra!
Không ít lần đang xem có người khách vào hỏi đúng quyển mình đang cầm, thế là bà chủ tiệm sách “vớt” quyển sách trên tay, gói lại đưa cho khách trước đôi mắt “đau đớn” của tôi. Một lần, tôi đang xem quyển Sói đồng hoang của Hermann Hesse, một chị bước vào hỏi quyển sách ấy, bà chủ bước lại chỗ tôi đứng. Tôi ngoan ngoãn đưa quyển sách ấy cho bà. Chị mua sách kêu lên: “Ủa, em đang xem hả? Thôi, xem tiếp đi”. Chị trả tiền quyển sách, bảo tôi cứ cầm về đọc, đọc xong mang đến đưa lại bà chủ tiệm sách, khi nào chị ấy ghé sẽ nhận sách. Tôi nhớ lúc đó đang nghỉ hè nên sau một đêm “đánh vật” với Sói đồng hoang, tôi ngủ li bì đến chiều mới tươi tỉnh cầm quyển sách gửi lại bà chủ nhà sách.
Có lần đang mê man quyển Không gia đình của Hector Malot, bàn tay bà chủ nhẹ nhàng lấy, bỗng nghe tiếng cười hào sảng của một người đàn ông: “A, cháu đang đọc hả? Thôi lấy quyển khác đi, tính tiền cho tôi luôn quyển này, tôi tặng cháu bé. Còn nhỏ mà biết lựa sách đọc quá chớ!”. Đến giờ tôi vẫn không quên cảm giác hạnh phúc và hãnh diện với quyển sách đã thuộc về mình và lời khen đó.
Lớn lên từ những quyển sách
Thuở đó, tuy còn trẻ con nhưng chúng tôi rất ý thức... thân phận coi “cọp”: giữ sách rất sạch sẽ, không mở quyển sách ra một cách thô bạo, chỉ mở đủ để đọc những dòng chữ bên trong gần gáy sách, trước khi đến nhà sách chúng tôi rửa sạch tay. Có lẽ vì thế mà chủ các nhà sách thông cảm bọn trẻ dù kéo nhau cả lũ đến coi “cọp”, các gáy sách vẫn không gãy, bìa sách không sờn, trang sách không thấm mồ hôi tay...
Mới đây, một lần vào nhà sách lớn trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP.HCM) trú mưa, sẵn đi quanh ngắm sách, tôi nhận ra khá nhiều bạn trẻ bây giờ cũng đến coi “cọp”. Bỗng tôi nghe giọng hỏi nhẹ nhàng tên mình. Nhìn lại, thì ra nhỏ bạn ngày trước. Chúng tôi ở cùng xóm, học cùng trường, cùng mê sách và nhiều năm coi “cọp”. Hơn 40 năm chưa gặp lại, bạn giờ là cử nhân hóa, đang làm cho một công ty.
Và bạn nói mỗi tuần đều rảo các nhà sách để tìm mua những quyển sách hay cho cháu. Không chỉ vậy, sách ở nhà nhiều, bạn còn đóng thùng gửi sách cũ cho những thư viện cộng đồng tư nhân hoặc thư viện vùng sâu vùng xa khi có cuộc quyên góp. Bạn nói đó là cách để trả ơn những người từng tặng mình sách, nhất là chủ các nhà sách ngày xưa đã vui lòng cho mình coi “cọp” sách suốt thời con nít. Bạn cũng như tôi, đã lớn lên rất nhiều từ những quyển sách ngày xưa ấy.
Cổ động mọi người đọc sách “Quyển sách thay đổi cuộc đời” là dự án do Công ty điện tử Samsung phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ và Công ty văn hóa Phương Nam thực hiện, là một phần của dự án “Thư viện thông minh” được Samsung thực hiện từ năm 2011, xây dựng tủ sách ở các trường học nhằm cổ động giới trẻ và cả cộng đồng đọc sách, tiếp thu tri thức từ sách để nâng cao giá trị bản thân, sống có ích, sống đẹp và cống hiến nhiều hơn cho cuộc sống. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận