06/04/2016 08:29 GMT+7

Coi nhạc kịch ở Nhật, tôi bị nhân viên nói nhỏ vô tai

PHAN THị Mỹ LOAN
PHAN THị Mỹ LOAN

TTO - Mấy hôm trước, tôi có việc ghé một phòng mạch ở quận 5, TP.HCM. Phòng mạch đông đúc, tôi nhìn thấy trên cửa các phòng khám có treo những tấm biển nhỏ yêu cầu không nói chuyện qua điện thoại trong khu vực khám bệnh.

Tuy nhiên, người phụ nữ trẻ ngồi cạnh tôi vẫn nói chuyện qua điện thoại, còn bật cả loa để tôi và những người bên cạnh có thể nghe cuộc nói chuyện của cô ấy.

Cuộc nói chuyện này kéo dài khoảng 15 phút và nội dung cho thấy không có gì cần kíp đến mức không nghe không được. Tôi cảm thấy rất phiền vì rõ ràng tôi không muốn nghe chuyện của họ nhưng bị bắt buộc phải nghe. Ngoài ra, chúng tôi đang không khỏe mới đến đây khám bệnh, thế mà cô ấy lại để chúng tôi mệt mỏi thêm vì phải nghe tiếng ồn không cần thiết ấy.

Mà đâu phải chỉ mình cô gái ấy, trong khoảng ba giờ ở phòng mạch tôi và những người có mặt đã phải chịu trận với vài người như thế. Tôi đã mong nhân viên của phòng mạch đến nhắc nhở chuyện này nhưng hình như họ quá bận rộn, hoặc có thể họ đang phục vụ theo phương châm “khách hàng là thượng đế” cũng nên!?

Cách đây vài tháng, tôi có một kỷ niệm đáng xấu hổ khi cùng một đồng nghiệp người Việt Nam đi xem một vở nhạc kịch tại Nhà hát kịch Takarazuka thuộc tỉnh Hyogo, Nhật Bản.

Đây là một sân khấu thuộc loại quy mô ở Nhật và để tôn trọng mọi khán thính giả đến xem, nhân viên ở đây có quyền mời ra khỏi nhà hát khán thính giả nào tỏ ra không tôn trọng quy định giữ trật tự trong thời gian diễn mà họ đã thông báo từ trước khi bắt đầu vở diễn.

Tôi từng đến đây xem một lần nên biết quy định này, vì vậy đã dặn đồng nghiệp của mình đừng trao đổi với tôi trong quá trình xem kịch. Dù vậy, tôi đã không thể ngăn được chị ấy và vì ngại chị ấy thuộc thế hệ đàn chị của mình, tôi vẫn trả lời mỗi khi chị bắt chuyện với tôi về nội dung vở diễn.

Vào giờ giải lao, một nhân viên của sân khấu đến bên nhắc nhở rằng chúng tôi đang gây phiền phức cho các khán thính giả bên cạnh. Cô ấy chỉ nói thầm vào tai tôi rất lịch sự, nhưng thú thật tôi cảm thấy rất xấu hổ trước việc mình đã làm.

Các bệnh viện, phòng mạch công cũng như tư ở Nhật nói riêng và các điểm công cộng ở Nhật nói chung cũng áp dụng hình thức tương tự với Nhà hát kịch Takarazuka.

Họ sẵn sàng và tận tình phục vụ các “thượng đế” của mình, nhưng nếu có vị “thượng đế” nào đó cứ vô tư gây phiền hà cho các “thượng đế” còn lại của họ thì họ cũng sẵn sàng từ chối phục vụ. Tôi tự hỏi đến khi nào chúng ta mới áp dụng cách làm này để không làm phiền nhau vì những tiếng ồn?

PHAN THị Mỹ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp