05/11/2020 07:44 GMT+7

Coi lại quy trình chọn sách giáo khoa

HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ
HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ

TTO - Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đã đề nghị như vậy xung quanh câu chuyện sách giáo khoa (SGK) lớp 1 còn chưa được cơ quan chức năng giải quyết ngã ngũ.

Coi lại quy trình chọn sách giáo khoa - Ảnh 1.

Các em học sinh đọc sách tham khảo tại một nhà sách trên đường Trường Sa, Q.3, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

"Trước đây chúng ta chỉ có duy nhất 1 chương trình, 1 bộ SGK. Bây giờ để chống độc quyền, thị trường có nhiều bộ SGK để các nhà giáo chọn lựa bộ sách tốt nhất cho học sinh của mình. Tuy nhiên, trên thực tế có bộ sách không đạt chất lượng vẫn được nhà trường chọn lựa. Vậy là do đâu? Tôi cho rằng: đó là do quy định chọn SGK" - TS Huỳnh Công Minh, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhận định.

Rất may năm nay trường tôi không chọn bộ SGK lớp 1 có ngữ liệu môn tiếng Việt gây nhiều tranh cãi và khó khăn cho học sinh. Nhưng tôi tự đặt câu hỏi rằng: Tại sao cuốn sách có nội dung như thế mà lọt qua cửa thẩm định với những nhà giáo thâm niên, những chuyên gia đầu ngành về môn tiếng Việt? Có phải do sự nể nang nhau hay còn có lý do tiêu cực khác?

Cô H. (hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP.HCM)

Thị trường cho ra thị trường

Theo ông Minh, khi cả nước dùng chung 1 bộ SGK thì nhiều người cho rằng người dân bị Nhà nước ép mua bộ sách đó. Thời nay, việc chọn sách giao về cho các trường tiểu học, ban giám hiệu các trường được ví như những "ông nhà nước nhỏ". Bởi họ có quyền định đoạt bộ sách nào được sử dụng chính trong trường của mình. 

"Từ những lý do trên có thể kết luận ngay rằng để tránh những sai sót trong SGK, phải để cho quy luật thị trường được phát huy tối đa: sách tốt, nội dung hay sẽ được nhiều người mua và sử dụng; sách kém chất lượng sẽ bị quay lưng. Chỉ có vậy nhà làm sách mới dụng công nhiều hơn và cạnh tranh lành mạnh để cho ra đời những bộ sách hay" - ông Minh nói.

Tương tự, ThS Lê Ngọc Điệp - nguyên trưởng Phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM - cũng cho rằng để tránh tình trạng sai sót như SGK môn tiếng Việt lớp 1 năm nay, việc đầu tiên cần thay đổi chính là quy trình, quy định chọn SGK. 

"Việc chọn sách phải được giao cho giáo viên đứng lớp quyết định chứ không phải cả một ban bệ như hiện nay, nhưng có khi việc quyết định sử dụng bộ sách nào lại là quyền của người khác chứ không phải giáo viên. Và cũng không loại trừ tình trạng có trường chọn SGK vì lý do tế nhị khó nói ra, chứ không phải căn cứ vào nội dung - hình thức của quyển sách" - ông Điệp nói.

Theo ông Điệp, hiện nay chúng ta đã có chương trình chuẩn, giáo viên có thể sử dụng cả 5 bộ sách đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt để giảng dạy (ví dụ bài 1 họ sử dụng bộ sách A, nhưng với bài 2 sử dụng bộ sách B), các nhà quản lý cũng nên quản lý theo chương trình và chuẩn kiến thức - kỹ năng, chứ không nên quản lý theo nội dung SGK. 

Ông Điệp cho biết thêm: "Trước đây, nước ta cũng từng có giai đoạn tồn tại nhiều bộ SGK cùng lúc và có bộ SGK không thể "đứng" được trên thị trường vì chất lượng kém. Bây giờ nếu thực hiện được điều này, chắc chắn các nhà làm SGK phải chú trọng đến nội dung của sách nhiều hơn".

Ông Nguyễn Tùng Lâm - thành viên tổ tư vấn cho Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục - cho rằng việc chọn lựa SGK bản chất là của giáo viên và các nhà trường. Dù là thực hiện theo luật nào, quy trình chọn sách cũng cần đi lên từ giáo viên đứng lớp, từ các nhà trường. Việc chọn sách vừa qua có bất ổn, các trường chọn sách nhưng giáo viên chưa được tiếp cận đầy đủ, chưa nghiên cứu kỹ sách dẫn tới những "hạt sạn" của SGK khi dạy học mới biết. Vấn đề này cần phải xem lại để rút kinh nghiệm cho việc chọn SGK lớp 2, lớp 6 tránh những bất cập, tiêu cực, nhất là khi việc chọn sách sắp tới do UBND cấp tỉnh quyết định.

Ai dám thay đổi ngữ liệu bài dạy?

Với vai trò là người quản lý cấp trường, cô H. - hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP.HCM - đề nghị để bộ SGK lớp 2 mới không rơi vào tình trạng "dậy sóng" như bộ SGK lớp 1, Hội đồng thẩm định SGK hãy làm việc công tâm và khách quan.

Theo cô H., dù Bộ GD-ĐT đã thay đổi Hội đồng thẩm định SGK nhưng cần bổ sung thêm biện pháp chế tài: nếu hội đồng thẩm định sách không làm tròn nhiệm vụ của mình, để SGK có những sai sót không thể chấp nhận được thì phải bị phạt để làm gương cho các hội đồng thẩm định khác, vì sắp tới chúng ta có hàng loạt bộ SGK mới ở các khối lớp.

Trong khi đó, một giáo viên lớp 1 ở nội thành TP.HCM còn phản ảnh: "Khi phát hiện SGK có nhiều ngữ liệu không phù hợp, một số nhà quản lý cấp cao phát biểu trên báo rằng giáo viên có thể thay thế ngữ liệu bài học. Nhưng thực tế không dễ dàng như vậy vì nhiều người đã quá quen với suy nghĩ "SGK là pháp lệnh", trong đó có cả cán bộ quản lý. Bây giờ SGK không còn là pháp lệnh nữa nhưng giáo viên chúng tôi vẫn không dám thay đổi ngữ liệu bài học vì sợ sai, sợ hiệu trưởng, hiệu phó, khối trưởng chuyên môn bắt lỗi...". 

Chưa kể việc thay đổi ngữ liệu bài học, theo giáo viên này, là không hề đơn giản vì muốn thay đổi phải in bài cho 46 học sinh trong lớp để các em nhìn vào đó mà học, không nhìn vào SGK nữa. "Thế nên tôi vẫn đề nghị nội dung SGK phải chuẩn, phải hay, chứ không thể làm qua loa rồi sửa đổi" - giáo viên này nói.

TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - cũng cho rằng tuy Bộ GD-ĐT nói đã trao quyền chủ động cho giáo viên, giáo viên có thể chủ động thay đổi ngữ liệu nếu ngữ liệu trong SGK không phù hợp nhưng thực tế hầu hết các giáo viên đều lúng túng, khó khăn trong khi dạy học. Theo bà Hương, với một chương trình hoàn toàn mới như vậy, giáo viên rất cần những hướng dẫn cụ thể và thiết thực hơn. Không chỉ SGK có vấn đề ở khâu biên soạn, thẩm định, mà khâu tập huấn cũng chưa tốt để họ có thể chủ động như mong muốn của Bộ GD-ĐT.

Thực nghiệm tốt mới tránh sai sót

TS Vũ Thu Hương cũng cho rằng khâu thực nghiệm SGK lớp 1 vừa rồi có bất cập. Cụ thể, việc thực nghiệm cần phải triển khai trong 1-2 năm. Nhưng trên thực tế các đơn vị biên soạn chỉ thực nghiệm 1-2 tháng. Đây là việc cần khắc phục trong quá trình biên soạn, thẩm định SGK các lớp tiếp theo. "Nếu thực nghiệm nghiêm túc trước khi áp dụng thì dù có xảy ra sự cố, việc chỉnh sửa cũng dễ dàng, tránh tốn kém, lãng phí" - bà Hương nói.

mt-sachthamkhao-2 1(read-only)

Không chỉ sách giáo khoa có “sạn”, tình trạng phụ huynh hoa mắt với sách tham khảo cũng cần được giải quyết - Ảnh: MAI THƯƠNG

Nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng cần triển khai dạy thực nghiệm rộng rãi 6-8 tháng để có đánh giá cụ thể từ phía các cơ sở giáo dục, học sinh và giáo viên.

Có chung quan điểm, GS Phạm Tất Dong - phó chủ tịch Hội Khuyến học VN - đề xuất việc thực nghiệm cần phải chọn mẫu với số lượng đảm bảo có thể đánh giá chính xác. Cụ thể, các mẫu thực nghiệm phải đại diện của từng vùng miền, từ thành phố tới vùng nông thôn, miền núi và hải đảo. Ngoài ra, thực nghiệm cần phải đa dạng về chất lượng để có sự đánh giá phổ quát và có thời lượng thực nghiệm phù hợp.

ThS Lê Ngọc Điệp góp ý: "Bộ SGK lớp 2, lớp 6 cần phải được giảng dạy thực nghiệm bài bản và khoa học chứ không thể làm gấp gáp, vội vàng như bộ SGK lớp 1 vừa rồi. Tôi nhớ trước đây bộ SGK tiểu học năm 2000 được dạy thử nghiệm trong 2 năm học, ban biên soạn sách phải đi thực tế xuống rất nhiều trường, nghe góp ý của rất nhiều giáo viên rồi về chỉnh sửa xong mới xuất bản. Nếu bộ SGK lớp 1 mà được dạy thực nghiệm như vậy sẽ tránh được những sai sót đáng tiếc ở môn tiếng Việt".

Nhà xuất bản khuyến mãi có ảnh hưởng đến việc lựa chọn sách giáo khoa? Nhà xuất bản khuyến mãi có ảnh hưởng đến việc lựa chọn sách giáo khoa?

TTO - Đó là câu hỏi được các đại biểu đặt ra cho các trường trong buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về tình hình thực hiện nghị quyết 88 và 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa tại quận 9, TP.HCM.

HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp