15/06/2018 08:54 GMT+7

Coi chừng thuyên tắc phổi do... bất động

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Chấn thương nặng khiến một số bộ phận của cơ thể bị... bất động một thời gian. Điều này có thể gây ra bệnh lý thuyên tắc phổi nguy hiểm đến tính mạng nếu không xử lý kịp thời.

Coi chừng thuyên tắc phổi  do... bất động - Ảnh 1.

Bệnh nhân thuyên tắc phổi được bác sĩ Bệnh viện Trưng Vương chữa thành công - Ảnh CTV

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Lan - phó trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) - cho biết thuyên tắc phổi thường do một loạt nguy cơ như người bất động trên ba ngày, cộng với các bệnh lý nội khoa như người bệnh lớn tuổi, suy tim, nhồi máu cơ tim và bệnh lý ác tính.

Bất động do té xe

Mới đây, khoa cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương tiếp nhận bệnh nhân nam 30 tuổi nhập viện trong tình trạng khó thở, suy hô hấp cấp, tím tái môi và đầu các chi. Theo bệnh nhân này, khoảng 2 tuần trước khi đang chạy xe, bất ngờ bị té ngã. Lúc này, xe máy đè lên người, đập vào vùng cẳng, đùi của chân bên trái khiến sưng, đau nhức. 

Bệnh nhân đi khám tại bệnh viện chuyên khoa về chấn thương chỉnh hình được chẩn đoán gãy mâm chày, chỉ định điều trị nội khoa, cố định chỗ gãy, cho uống thuốc.

Tuy vậy theo đánh giá của các bác sĩ Bệnh viện Trưng Vương, đây là ca bệnh rất nặng. Đo áp lực oxy mao mạch đầu ngón tay, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân thiếu oxy trầm trọng dẫn đến suy hô hấp cấp. 

Ngay lúc này, các bác sĩ tiến hành hồi sức, cho bệnh nhân thở oxy với liều lượng tối đa thì bệnh nhân có chiều hướng ổn định, giảm bứt rứt, khó thở. Với độ tuổi trẻ như vậy, qua nhiều bước xét nghiệm các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị thuyên tắc phổi do bất động.

Kết quả chụp CT vùng ngực sau đó phát hiện bệnh nhân bị tụ huyết khối ở động mạch phổi, máu đông làm tắc luôn tĩnh mạch cánh tay. Chưa hết, khi chụp CT toàn thân các bác sĩ thấy rõ hình ảnh huyết đông gây tắc toàn bộ động mạch phổi bên phải, bám một phần động mạch phổi bên trái, tắc động mạch khoeo, hệ thống tĩnh mạch cẳng chân lên tới tĩnh mạch cánh tay đầu.

Theo BS Ngô Thị Phương Lan, bệnh nhân bị tụ huyết khối do chấn thương gây tổn thương mạch máu ở chân, từ đó hình thành cục huyết khối. Ngoài ra, việc bệnh nhân bất động gần hai tuần không đi lại cũng là lý do khiến cục huyết khối hình thành từ hệ tĩnh mạch theo dòng máu lên thuyên tắc phổi.

"Do bệnh nhân chưa tụt huyết áp, sinh hiệu vẫn còn nên chúng tôi nhanh chóng áp dụng phương pháp tiêu sợi huyết bằng đường tĩnh mạch. Đến nay, qua nhiều ngày điều trị bệnh nhân đã thoát khỏi nguy kịch, sức khỏe tốt và hoàn toàn hết đau ngực" - BS Lan nói.

Nhận diện nguy cơ

Theo đánh của BS Lan: bệnh lý thuyên tắc phổi trước đây không được chú trọng, nếu có chỉ nghiên cứu khi mổ tử thi người bệnh mới phát hiện tỉ lệ người tử vong do thuyên tắc phổi rất cao. Ngày nay, nhờ sự quan tâm của giới y khoa trong và ngoài nước, cộng với những tiến bộ về mặt chẩn đoán hình ảnh học như CT, DSA nên việc chẩn đoán được bệnh lý này khá phổ biến.

Nguyên nhân của thuyên tắc phổi là do hình thành cục huyết khối từ hệ thống tĩnh mạch, đặc biệt tĩnh mạch sau và chi dưới. Khi đó, cục huyết khối nếu không được phát hiện sẽ di chuyển theo dòng máu chạy lên gây thuyên tắc phổi, nếu không kịp phát hiện xử lý đúng rất dễ bị đột tử. Do đó, khi có biểu hiện nêu trên, các bác sĩ cho bệnh nhân siêu âm mạch máu chi dưới để tìm ra nguyên nhân, từ đó việc điều trị khá đơn giản.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Văn An - Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM - cho biết những trường hợp bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sau thường hiếm gặp và khó có thể nhận diện được. Cụ thể khi người bệnh bị gãy, cột máu chảy làm gia tăng áp lực khoang trong xương, cùng với đó mỡ tủy xương được đẩy lên phổi khoảng vài ngày sẽ gây thuyên tắc phổi.

"Hiếm gặp nhưng khi gặp thì rất nguy hiểm. Đây là bệnh lý khiến các bác sĩ vô cùng lo sợ. Cách điều trị khi bệnh nhân gặp triệu chứng này hiện tại không có gì chuyên biệt, ngoài việc cho uống thuốc chống đông, nếu bệnh nhân khó thở phải cho thở máy" - bác sĩ An nói.

Vì vậy bác sĩ An khuyến cáo người bệnh khi bị gãy xương đơn thuần, không bị chấn thương bụng, ngực, đầu... nếu có biểu hiện khó thở phải tới bệnh viện chuyên khoa khám để kịp thời chẩn đoán, điều trị.

Tử vong vì trị gãy xương đùi

Ông T. (ngụ TP.HCM) cho biết con gái ông 34 tuổi, là giáo viên THCS qua đời sau một thời gian dài nhập viện điều trị do bị đụng xe gãy xương đùi.

Theo ông T., con gái ông "té xe nhưng không bị chấn thương sọ não nên cháu vẫn tỉnh táo, chỉ khó khăn do chân bị gãy nên phải nằm bất động, thậm chí không trở người được, phải thở bằng máy nhân tạo". Và trong những ngày nằm viện, ông hỏi thăm bác sĩ rất nhiều về bệnh của con ông thì được trả lời con ông bị viêm phổi nặng. Bệnh lý cứ kéo dài và sức khỏe con ông ngày càng yếu đi rồi tử vong với kết luận... viêm phổi. Đến giờ ông T. chỉ biết chấp nhận kết luận ấy và không hiểu lý do tại sao.

20-30% bệnh nhân không có triệu chứng

ThS.BS Nguyễn Thị Phương Lan cho biết huyết khối tĩnh mạch sau nếu biến chứng cấp tính khiến người bệnh bị thuyên tắc phổi và tử vong cao. Với biến chứng mãn tính có thể không gây thuyên tắc phổi nhưng huyết khối tắc lâu ngày sẽ gây loét các chi rất khó điều trị, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của người bệnh.

Bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch sau có triệu chứng rõ rệt như sưng tím, đau nhức vùng bị huyết khối. Đề tài nghiên cứu toàn quốc về huyết khối tĩnh mạch sau do chính BS Lan thực hiện cho kết quả đáng kinh ngạc bởi có khoảng 20-30% bệnh nhân có nguy cơ cao huyết khối nhưng không có triệu chứng. Đây là lý do khiến người bệnh, thậm chí bác sĩ chủ quan dễ bỏ qua dẫn đến việc điều trị không hiệu quả, nguy cơ tử vong cao.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp