27/12/2018 07:10 GMT+7

Coi chừng thuốc kém chất lượng

HOÀNG LỘC - LAN ANH
HOÀNG LỘC - LAN ANH

TTO - Liên quan thực trạng nhiều loại thuốc không đạt tiêu chuẩn vẫn bán tràn lan tại các cơ sở bản lẻ thuốc, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa phát công văn khẩn đề nghị tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước chấn chỉnh công tác thu hồi thuốc.

Coi chừng thuốc kém chất lượng - Ảnh 1.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đề nghị tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước chấn chỉnh công tác thu hồi thuốc kém chất lượng - Ảnh: T.T.D.

Thuốc kém chất lượng đương nhiên phải đình chỉ, thu hồi. Thế nhưng hiệu quả thực sự của việc thu hồi đang là câu hỏi khiến nhiều người bệnh băn khoăn.

Nhan nhản thuốc giả, thuốc kém chất lượng

Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm TP.HCM vừa có báo cáo kết quả mẫu kiểm tra chất lượng thuốc kháng sinh Amoxicilin 500mg (dạng viên nang). Thuốc này có số đăng ký VD-22212-15, lô 291217, ngày sản xuất 27-12-2017 và hạn sử dụng đến 27-12-2020 do Công ty cổ phần dược phẩm Tipharco (Tiền Giang) sản xuất, với tác dụng điều trị các chứng bệnh đường mật, tiêu hóa, tiết niệu... Tuy nhiên, quá trình kiểm tra các mẫu thuốc tại Công ty TNHH dược phẩm Lê Ngân (P.15, Q.10) xác định lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về cả chỉ tiêu tính chất và định tính.

Đặc biệt, kết quả kiểm nghiệm còn nhận thấy các mẫu thuốc được lấy tại Công ty Lê Ngân là giả bởi có nhiều chi tiết không trùng khớp với sản phẩm thật như tờ hướng dẫn, nắp và đáy chai không in logo đơn vị sản xuất. Chưa hết, với các đặc điểm như nang thuốc có màu hồng nhạt, trắng ngà, bột thuốc màu trắng không có mùi đặc trưng... là bằng chứng tố cáo sản phẩm trên được làm giả hoàn toàn.

Thuốc viên nén bao phim Peridom-M (domperidone 10mg), số lô 7D73 có ngày sản xuất tháng 4-2017, hạn sử dụng đến tháng 3-2020 do Công ty Medopharm (Ấn Độ) sản xuất, Công ty cổ phần dược phẩm Tenamyd nhập khẩu. Đây là loại thuốc có tác dụng điều trị chứng buồn nôn, chán ăn, đầy bụng, khó tiêu, ợ hơi... Mới đây Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương lấy các mẫu thuốc tại Công ty TNHH thương mại dược phẩm Phúc Tuấn (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) kiểm nghiệm, kết quả không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng.

Trước thực tế thuốc kém chất lượng đã được tung ra thị trường tiêu thụ, Cục Quản lý dược buộc phải nhanh chóng đình chỉ lưu hành lô thuốc, đồng thời yêu cầu trong vòng 48 ngày phải thu hồi toàn bộ lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

1.000 mẫu không đạt tiêu chuẩn

Từ tháng 11-2018 đến tháng 1-2019, Bộ Y tế thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành để thanh tra dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền... ở 18 tỉnh, thành phố.

Theo Bộ Y tế, từ 1-1-2017 đến 29-6-2018, các đơn vị trong ngành y tế đã kiểm tra, giám sát 44.826 mẫu dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền. Trong đó, có 946 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng, 417 mẫu bị đình chỉ lưu hành và thu hồi, 903 phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm bị thu hồi.

Kiểm từ gốc mới đảm bảo an toàn

Ngoài rất nhiều loại thuốc kém chất lượng bị phát hiện, thời gian gần đây các cơ quan chuyên môn liên tục đình chỉ lưu hành trên toàn quốc nhiều loại mỹ phẩm, kem trị nám da, dầu gội đầu... Điều khiến mọi người lo lắng là đến khi sản phẩm kém chất lượng bị phát hiện xử lý thì sản phẩm đã được người dân sử dụng.

Đơn cử trong thời gian gần đây một số lô mỹ phẩm kém chất lượng đã bị đình chỉ lưu hành, thu hồi như sữa rửa mặt sáng da ngừa mụn, nám Ever today 50ml; kem và bột tắm trắng Ngọc Trai; dầu gội đầu chống gàu Hairnew...Việc xử lý sản phẩm kém chất lượng theo kiểu "vuốt đuôi" này, theo các chuyên gia dược phẩm đánh giá, sẽ ảnh hướng rất lớn đến sức khỏe người dùng. "Kiểm tra xử lý từ gốc mới là giải pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng chứ như hiện nay, theo tôi, các cơ quan chức năng đang chạy theo để xử phạt, điều này rất đáng lo ngại" - một chuyên gia dược phẩm ở TP.HCM đánh giá.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Văn Dũng - trưởng phòng nghiệp vụ dược Sở Y tế TP.HCM - cho rằng đứng về góc độ quản lý đối với các đơn vị vi phạm về chất lượng thuốc, từ Bộ Y tế đến Sở Y tế TP rất quyết liệt trong việc xử lý như rút số đăng ký, đình chỉ lưu hành và kiểm nghiệm 100% đối với các lô thuốc từ đầu nguồn.

Theo ông Dũng, đối với thuốc tân dược trong vòng 24 giờ nếu có vi phạm sẽ bị thu hồi. Các thông tin này đều được giao cho các phòng y tế quận, huyện triển khai tận các nhà thuốc để niêm phong trả lại cho nhà cung ứng thuốc.

"Tuy nhiên việc xử lý thu hồi thuốc kém chất lượng còn một số khó khăn chưa đáp ứng được nhu cầu. Cụ thể, vẫn có nhà thuốc cố tình bán cho bằng hết lượng thuốc kém chất lượng nên sắp tới chúng tôi sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, có công cụ xử phạt thật nặng để răn đe" - ông Dũng khẳng định.

Thuốc kém chất lượng đi đâu?

Tháng 7-2018, Cục Quản lý dược liên tiếp có ba quyết định đình chỉ lưu hành hàng trăm thuốc trị huyết áp, tim mạch sử dụng nguyên liệu có thể gây ung thư. Tại thời điểm này, khảo sát tại thị trường Hà Nội và TP.HCM, chúng tôi đều thấy các nhà thuốc vẫn bán sản phẩm trong danh sách đình chỉ. Tại TP.HCM, rất nhiều trong số các nhà thuốc được hỏi đang có sẵn thuốc, còn tại Hà Nội, chủ nhà thuốc cho biết cứ đặt cọc tiền là ngày hôm sau sẽ có thuốc đúng tên, đúng chủng loại!

anh 3 (11) 4(read-only)

Dầu gội đầu chống gàu Hairnew bị cấm lưu hành trên toàn quốc

Về quy trình, sau khi phát hiện có thuốc kém chất lượng hay thuốc giả, Cục Quản lý dược hoặc các sở y tế sẽ phát đi thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi lô thuốc. Tuy nhiên, với các thuốc kém chất lượng, việc thu hồi lại hoàn toàn giao cho doanh nghiệp sản xuất và phân phối thuốc, cơ quan quản lý nhà nước chỉ cần "giám sát" rồi báo cáo về Cục Quản lý dược. "Vì không thể giám sát hết mà chỉ có thể kiểm tra một số lượng cửa hàng rất nhỏ, hoàn toàn có thể để lọt thuốc kém chất lượng" - một lãnh đạo thanh tra sở y tế khu vực phía Bắc chia sẻ.

Người tiêu dùng VN chưa có thói quen xem kỹ lô, số, ngày sản xuất và hạn dùng khi mua thuốc, trong khi thuốc đình chỉ thường theo lô. Trường hợp lọt thuốc kém chất lượng đã có tên trong danh sách thu hồi, nhà sản xuất vẫn tiếp tục cho bán và thu hồi vốn. Trong trường hợp này, doanh nghiệp được lợi vì vẫn thu hồi được vốn, nhưng người tiêu dùng thì buộc phải dùng thuốc kém chất lượng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ phụ trách truyền thông của Cục Quản lý dược cho rằng cục này vẫn nhận được các báo cáo thu hồi thuốc. Ông này cũng cho rằng việc thu hồi thuốc kém chất lượng là đúng quy trình và không để lọt các thuốc bị thu hồi. Nhưng khảo sát trên thị trường cho thấy thuốc trong danh sách bị thu hồi vẫn được bán, điều đó cho thấy hiệu quả thu hồi chưa cao.

anh 2 (16) 3(read-only)

Thuốc kháng Amoxicilin 500mg, lô 291217 do Công ty cổ phần dược phẩm Tipharco (Tiền Giang) được cơ quan chức năng phát hiện bị làm giả - Ảnh: CQCN

Đó là chưa kể việc ra các quyết định thu hồi, cảnh báo chất lượng, tương tác hay tai biến thuốc ở VN thường chậm hàng tháng, thậm chí nhiều tháng so với cảnh báo của cơ quan quản lý dược châu Âu và Mỹ. Điều đó gây lo ngại cho người tiêu dùng bởi sự chậm trễ này rất có thể sẽ dẫn tới tai biến hoặc tương tác thuốc ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Nhưng cơ quan quản lý thuốc ở VN dường như chưa chú ý lắm đến việc này. Họ phát đi văn bản thu hồi thuốc nhưng chưa công khai việc thu hồi được bao nhiêu, thu hồi ở đâu.

HOÀNG LỘC - LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp