14/06/2017 10:14 GMT+7

Coi chừng teo da khi dùng “soap làm trắng”

MẠNH KHANG - XUÂN MAI
MẠNH KHANG - XUÂN MAI

TTO - Gần đây có rất nhiều video được lan truyền trên các mạng xã hội, một số diễn đàn về chuyện tẩy trắng “siêu tốc” hay xà bông (soap) “tắm trắng tức thì”. Nhiều quảng cáo khá sốc kiểu thách thức mọi làn da… Thực hư ra sao?

Dùng mỹ phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc dễ làm hư tổn da - Ảnh: Duyên Phan
Dùng mỹ phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc dễ làm hư tổn da - Ảnh: Duyên Phan

Trước khi quyết định mua và dùng loại mỹ phẩm nào, nên quan tâm đến thương hiệu, nơi xuất xứ, nơi kinh doanh sản phẩm đó, vì việc làm giả rất dễ dàng.

PGS.TS LÊ NGỌC DIỆP

BS Lê Đức Thọ - chuyên khoa da liễu - cho biết: chất có trong một số loại tắm trắng là hydroquinone nồng độ cao (>4%) là chất tẩy nhanh và rất mạnh, có khả năng gây ung bướu, teo da và gây ra các vết da dày xanh đen (exogenous ochronosis) rất khó điều trị.

Không thể có chuyện trắng da tức thì

PGS.TS Lê Ngọc Diệp - trưởng phòng khám da liễu (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, cơ sở II) - nhấn mạnh những video lan truyền trên mạng xã hội về chuyện tắm trắng “siêu tốc” hay soap tắm trắng “tức thì” đều không đáng tin vì rất có thể có sự dàn dựng, kỹ thuật hậu kỳ.

Trên thực tế, dù mỹ phẩm có cao cấp đến đâu cũng không có chuyện trắng ngay tức khắc. Kể cả những loại sản phẩm làm trắng bằng cách gây lột da thì cũng phải mất vài ngày sau khi sử dụng, da mới bắt đầu lột nhẹ.

PGS.TS Nguyễn Hữu Đức cho biết các loại soap hay mỹ phẩm nói chung được giới thiệu làm từ nguyên liệu thiên nhiên như tinh chất này kia như ốc sên, nho, dâu tây, mật ong, dứa... giúp da trắng “cấp tốc” chắc chắn không thể nào làm trắng da được.

Hoạt chất làm trắng da phải là các hóa chất có tính acid như AHA (tức alpha hydroxy acid), acid azelaic, acid ascorbic, acid kojic, acid retinoic (tức tretinoin)...

Biến chứng của trắng da tức thì

BS Lê Đức Thọ cho biết trắng da ngay lần đầu tắm thực chất chỉ là tác dụng lột, tẩy đi lớp tế bào biểu bì trên cùng bị đen hoặc sạm màu do tác động của thời gian, của môi trường.

Sau khi tẩy, lớp da bên trong còn mới nên thoạt nhìn có vẻ trắng, mịn màng hơn nhưng lại chưa có khả năng bảo vệ tự nhiên, rất dễ bị tổn thương. Về lâu dài, sau khi dùng các loại thuốc tẩy, kem lột... để tắm trắng, da của người dùng các loại này sẽ trở nên sạm đen, tăng nám, sần sùi như da cóc.

Theo BS Võ Thị Bạch Sương (Bệnh viện ĐH Y dược - cơ sở I), để làm trắng da chóng vánh, các sản phẩm không rõ nguồn gốc có thể chứa các chất không an toàn cho da. Các biến chứng bao gồm nổi mụn, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn trên da, teo da, giãn mạch, rạn da, lệ thuộc (nghiện)...

PGS.TS Nguyễn Hữu Đức lưu ý nếu sản phẩm có chứa hóa chất mà không thông báo cho người dùng thì càng nguy hiểm.

Ví dụ phụ nữ có thai tuyệt đối không được dùng sản phẩm chứa acid retinoic vì sẽ gây quái thai. Hay trẻ em có làn da mong manh và dễ nhạy cảm với nhiều sản phẩm bôi ngoài da. Người già thì sự đáp ứng với các sản phẩm bôi ngoài da rất bất thường, có khi chỉ có hại.

Người tắm trắng nhiều nguy cơ ung thư da

Yếu tố di truyền quy định màu da của mỗi người. Dùng những biện pháp tác động bên ngoài để tẩy trắng da vĩnh viễn là không tưởng.

Nhu cầu làm đẹp cần phải hài hòa với sức khỏe, tâm lý, trang phục, mỹ phẩm sử dụng. Nghệ thuật làm đẹp phải đi đôi với văn hóa làm đẹp.

Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Học viện Nghiên cứu phòng bệnh quốc tế Pháp và Học viện Nghiên cứu ung thư Ý phối hợp thực hiện cho biết những người đã tắm trắng có nguy cơ ung thư da cao hơn nhóm chứng 20%.

BS LÊ ĐỨC THỌ

Trị nám: phải biết nguyên nhân

Làm trắng da là tìm cách cải thiện nám sạm da, đen da. Thông thường, nơi hay bị nám là mặt. Nám da mặt có thể chia làm 2 loại nguyên nhân:

Nguyên nhân nội sinh là những nguyên nhân xảy ra bên trong cơ thể làm cho nám da như mang thai, do thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ, do uống thuốc ngừa thai (thay đổi 2 nội tiết tố của người nữ là estrogen và progesteron), do yếu tố tâm lý (stress thường xuyên dễ nám da mặt)…

Nguyên nhân ngoại sinh là những nguyên nhân xảy ra bên ngoài cơ thể như nám do ánh nắng, do dùng mỹ phẩm, do hóa chất có trong môi trường, do dùng thuốc (tetracyclin, sulfamid, thuốc lợi tiểu thiazid)… làm da dễ bắt nắng.

Như vậy, khi bị đen da hay nám da, cách chữa trị tốt nhất là nên đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được khám, cho hướng xử trí đúng đắn. Vì để trị nám cần phải xác định nguyên nhân, chữa trị đúng vào nguyên nhân mới có hiệu quả. Không nên dùng mỹ phẩm và thuốc trôi nổi ở bên ngoài.

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC

MẠNH KHANG - XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp