Phóng to |
Ban đầu là cú hắt xì...
Bạn đang trò chuyện trước đám đông bỗng thấy ngứa ở một hoặc hai bên cánh mũi rồi bật ra tiếng “hắt xì… hơi”. Thoáng chút ngượng ngùng, bạn lấy khăn lau mũi rồi tiếp tục (bởi ai chả có lúc hắt cả rổ… hơi ra như thế).
Tối về xem tivi mới biết do “cái thằng” áp thấp nhiệt đới, sắp bão hay gió mùa Đông Bắc tận… ngoài Bắc “nhắc nhở” cái mũi mình. Đó là viêm mũi dị ứng (allergic rhinitis). Thống kê cho thấy 58% người lớn bị dị ứng mũi theo nha khí… gió. Trẻ em ra đời, tiếp xúc với môi trường khói bụi, phấn hoa, hóa chất, bông vải, thời tiết… đều có thể nay nghẹt (phải há miệng ra thở), mai lại chảy nước như 2 cái ống cống. Các bà mẹ lấy khăn chùi, lau, hút chúng vẫn từ từ chảy, lau mãi đến mức 2 lỗ mũi bé từ trắng chuyển sang đỏ. Tại sao thế?
Niêm mạc mũi có lớp màng nhầy chứa 95% là nước, còn lại là các ion, protein, glycoprotein nên khi có lệnh “tiết dịch” thì nước, nhầy và tất cả mọi thứ như được bật cầu dao điện, bởi nơi đây có hệ thống thần kinh thuộc loại phản ứng nhanh. Chúng không chỉ là những nhà “dự báo” mà bất cứ biến đổi gì của môi trường, chúng đều có hệ thống rada bắt xa hàng ngàn cây số.
Lớp nhầy giữ các vật lạ để các lông chuyển đẩy chúng ra phía sau với nhịp độ 400 - 800 lần/ phút. Dị vật nhỏ bị đẩy xuống họng với tốc độ 10 mm/phút vì vậy lang thang ở ngoài đường về đến nhà bạn có thể khạc từ trong họng ra cơ man là bụi, nếu ráng nuốt chắc đỡ được... nửa bữa cơm! Dưới màng nhầy là lớp tế bào biểu mô giống như tấm thảm. Nó chứa nhung mao, lông chuyển và các tế bào tiết dịch nhầy có hình đài hoa. Chúng sinh ra các thực bào và yếu tố miễn dịch như IgG, IgA, IgM. Cơ quan hô hấp có cửa khẩu là mũi. Mũi có chức năng thở, phát âm và ngửi. Nhờ mũi mà không khí được lọc, cản bụi, làm ấm, làm ẩm rồi mới đi vào phổi. Những khi mũi không “hoàn thành nhiệm vụ” hoặc nhiệm vụ bất khả thi, thì bệnh về mũi xuất hiện.
Dị ứng mũi làm lớp nhầy tăng tiết, lớp niêm mạc phù nề, các xương cuốn cũng phồng ra theo. Bệnh cảnh rầm rộ, đương sự sẽ thấy tắc mũi, chảy nước mũi, ngứa mũi và… hắt xì hơi…
Nhiều tác giả đã đi sâu tìm hiểu mối liên hệ giữa bệnh viêm mũi dị ứng và suyễn. Kết quả cho thấy có khoảng 28 - 78% bệnh nhân bị suyễn có thêm bệnh viêm mũi dị ứng, ngược lại, có khoảng 5- 15% bệnh nhân viêm mũi dị ứng được chẩn đoán là có bệnh suyễn kèm theo. Một số công trình nghiên cứu cho thấy bệnh suyễn dị ứng có tỉ lệ mắc viêm mũi dị ứng là 99% đối với người lớn và 93% bệnh nhân tuổi thanh niên. Công trình nghiên cứu của Greisner.W.A., thuộc trường đai học Brown ở Hoa Kỳ, đã ghi nhận kết quả theo dõi sau 23 năm, các sinh viên bị bệnh viêm mũi dị ứng, và đã ước tính: nguy cơ mắc bệnh suyễn về sau của các sinh viên này cao gấp 3 lần so với nhữmg người không bị bệnh. Đừng tưởng nó là chuyện nhỏ nhé!
Hàng xóm vạ lây
Mũi thông với miệng và xoang, nên hai láng giềng bị viêm thì vi khuẩn nhảy qua mũi. Trẻ viêm mũi thường được mô tả bằng hình ảnh “thò lò mũi xanh”. Đôi khi mủ đặc ứ lại bên trong khoang mũi, phải chờ động tác nín thở dùng hơi “xì” với áp suất cao, chúng mới chịu “thò” ra ngoài thành 2 cọng to như cọng… nui 2 line gồm màu vàng xanh trộn lẫn. Lúc ấy thì kháng sinh đổ vào miệng, nước muối nhỏ vào 2 cái ống thở cho nhanh kẻo vi khuẩn tiếp tục di cư xuống họng, xuống phế quản. Họng sưng, phế quản phù nề, trẻ ho, sốt, khóc rấm rứt, khiến cả nhà bấn loạn. Người lớn bị viêm mũi dị ứng lâu ngày, các xương cuốn trong mũi phì đại, chẹn đường thở y như cảnh tắc đường mà nhà chuyên môn gọi là “nghẹt”. Muốn cho không khí có lối thoát, lại phải dùng mấy món thuốc co mạch nhỏ vào, vài tiếng đồng hồ thuốc hết tác dụng lại ngửa mặt lên trời mà “châm” thêm vài giọt.
Tình trạng viêm mãn tính sẽ dẫn bạn đến với tổn thương mới: Polype mũi xoang. Nó là một cục thịt thừa mọc ra choán đường đi của không khí và đẩy bạn vào tình trạng “tắc thở”. Không khí muốn đi vào phổi đành phải mượn đỡ cái miệng. Khi ngủ thường cửa khẩu đóng, thì nay nó phải mở làm 3 ca liên tục, khiến miệng hôi, khô và mệt mỏi vì quá sức. Bệnh nhẹ khi polype nhỏ, còn nằm trong các khe mũi. Bệnh nặng khi polype to, bít tắc hốc mũi, gây nghẹt mũi hay mất khứu giác (không ngửi được mùi).
Những ai bị “tịt” mất những tế bào ngửi kể như cuộc đời mất đi một nửa thi vị cuộc sống, còn đâu “hương hoa thơm”, còn đâu cảm giác tiết nước miếng mỗi khi mùi chiên xào từ nhà bếp khuếch tán tới. Trẻ nhỏ bị viêm mũi, viêm VA thường xuyên phải thở đường miệng thì xương hàm trên chĩa ra thành hình mái nhà, sụn sống mũi bị biến dạng làm mũi tẹt, các nhà “Tai- Mũi… hỏng” gọi là “Bộ mặt VA”. Tiếc là nhiều bà mẹ vùng nông thôn đến nay vẫn chưa để ý. Láng giềng thân thiết sát với mũi là xoang hàm (nằm hai bên mũi, trong xương hàm trên) nên bên này chảy mũi thì bên kia các lỗ thoát của xoang bị phù nề, bít kín gây nhức đầu “như búa bổ”. Sâu răng, đặc biệt là răng số 5, 6 hàm trên, vi khuẩn cũng “vi hành” lên xoang hàm rồi tung tăng chạy xuống mũi. Các “vùng chiến lược” cứ thế mà hành chúng ta dài dài.
Làm sao khi mũi bị bệnh? Xin đừng coi thường. Cách tốt nhất vẫn là đến với các bác sĩ chuyên khoa, đừng bỏ mặc 2 cái ống thở vật vã hay dùng miệng thay mũi, bởi mỗi “ông” có mỗi chức năng riêng. Chỉ ví dụ đang nghẹt mũi mà hôn nhau lại muốn hôn dài để chứng tỏ yêu nhiều thì coi chừng… mém xỉu vì thiếu ôxy đấy các bạn ạ!
Tuổi Trẻ Cười số 344(ra ngày 15-01-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận