Loạt cửa hàng đóng cửa, rao cho thuê mặt bằng trên đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận, TP.HCM) hồi tháng 3-2020 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Theo tôi, Việt Nam có thể nới lỏng chính sách tài khóa, chấp nhận bội chi ngân sách tăng, song cần kiểm soát lạm phát để tránh việc các gói hỗ trợ không phát huy tác dụng, thậm chí tác dụng ngược.
Các doanh nghiệp đề xuất phân nhóm để hỗ trợ cho những doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nhất. Trong đó doanh nghiệp ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang cần trợ lực mạnh nhất. Cần có sự hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp các địa phương áp dụng Chỉ thị 16, tránh sự cào bằng trong chính sách.
Ngoài ra có thể hỗ trợ ngược lại cho những doanh nghiệp đã tích cực đóng thuế thu nhập doanh nghiệp trong những năm trước đây. Các năm trước doanh nghiệp đóng thuế, năm nay khó khăn nên có thể hoàn lại theo một tỉ lệ nhất định tùy vào ngân sách, có thể "thối lại" 10%, 20%... theo một cơ sở rõ ràng.
Đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 với số tiền trên 2,87 triệu tỉ đồng đã được Quốc hội thông qua, cần rà lại xem có những khoản nào hiện chưa có danh mục dự án chưa được duyệt, chưa có hồ sơ thì tạm thời dừng lại.
Cắt giảm các khoản này sẽ dôi ra khoảng vài chục ngàn tỉ đồng đưa ra hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay vốn.
Khi đó, tùy theo khả năng cắt giảm đầu tư công, ngân sách sẽ hỗ trợ 10.000 - 20.000 tỉ đồng. Chẳng hạn nếu gói hỗ trợ lãi suất quy mô 20.000 tỉ đồng với mức hỗ trợ lãi suất 2% của dư nợ vay thì doanh nghiệp sẽ vay được 1 triệu tỉ đồng.
Bên cạnh đó, trong chính sách tài khóa có thể cân nhắc củng cố lại Quỹ bảo lãnh tín dụng để hỗ trợ DN tiếp cận vốn, bởi hiện nay nhiều doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp.
Một điều hết sức lưu ý là việc hỗ trợ lãi suất chỉ có ý nghĩa khi kiểm soát được lạm phát tốt để lãi suất thị trường không tăng. Nếu hỗ trợ mà lãi suất thị trường tăng thì việc hỗ trợ vô nghĩa.
Nếu dự kiến lãi suất thị trường 8%, Nhà nước hỗ trợ 2%, người vay chịu 6%. Song nếu điều hành không tốt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ sẽ khiến lạm phát bùng lên, lúc đó lãi suất thị trường tăng, lên tới 10 - 12%, thì việc bù 2% cũng khiến doanh nghiệpchịu lãi suất lên đến 8%. Vậy thôi thà đừng bù, giữ nguyên lãi suất như trước đây tốt hơn.
Trong trường hợp này còn tùy thuộc vào sự phối, kết hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để làm sao kéo giảm, ít ra là giữ được lãi suất, không nên để mặt bằng lãi suất lên, đó là vấn đề thách thức trong điều hành hiện nay.
Cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu giai đoạn 2008 - 2009 tác động mạnh đối với Việt Nam. Việt Nam chịu tác động bởi lạm phát kép, vừa lạm phát của thế giới vừa giá đôla tăng, trong khi Việt Nam là nước nhập siêu.
Việt Nam tái cơ cấu liên tục từ 2011 nên hiện đã ổn hơn, nhưng bối cảnh mới đặt chúng ta vào thách thức mới.
COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng nên giá cả trên thế giới tăng. Cơn sốt về năng lượng cũng tác động trực tiếp đến Việt Nam, giá các mặt hàng khác cũng leo thang. Tôi cho rằng Việt Nam hiện có phần đỡ hơn là kinh tế vĩ mô đang ở thời điểm ổn định, nhưng nếu không rút ra bài học trước đây thì sẽ rơi vào tình trạng lạm phát. Do đó Việt Nam phải nhìn nhận được vấn đề để "phòng thủ", phải giữ cho được ổn định kinh tế vĩ mô để giữ lạm phát, giữ tỉ giá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận