27/09/2024 11:27 GMT+7

Cởi bỏ áp lực dự giờ

Có cán bộ quản lý đi dự giờ và bắt bẻ giáo viên từng chút một, toàn những nguyên tắc cứng nhắc. Hoặc giáo viên muốn linh hoạt nhưng trường không cho.

Cởi bỏ áp lực dự giờ - Ảnh 1.

Giáo viên Trường tiểu học Khánh Yên (Văn Bàn, Lào Cai) trong giờ dạy đầu năm học 2024 - 2025 - Ảnh: VĨNH HÀ

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có văn bản hướng dẫn chuyên môn cấp tiểu học năm học 2024 - 2025. Một trong những yêu cầu là ban giám hiệu trường tiểu học đổi mới trong quản lý trường học nói chung và trong khi dự giờ thăm lớp nói riêng.

Thực tế cho thấy thời gian qua nhiều trường tiểu học và trung học ở TP.HCM và nhiều địa phương đã có những đổi mới trong dự giờ.

Dự giờ không phải "vạch lá tìm sâu"

"Việc dự giờ hiện nay không nặng nề để đánh giá tay nghề giáo viên như trước. Vì vậy, tôi rất thích đi dự giờ đồng nghiệp để học hỏi, rút kinh nghiệm cho bản thân. Ngoài ra, tôi cũng thích được đồng nghiệp dự giờ, để họ góp ý, giúp mình phát triển", cô Cao Thị Nguyệt, giáo viên môn lịch sử - địa lý Trường THCS Mạc Đĩnh Chi (quận Tân Bình, TP.HCM), cho biết.

Theo cô Nguyệt, có những tiết dạy cô sẽ nhờ đồng nghiệp dự giờ, không những đồng nghiệp trong tổ bộ môn mà cả ở bộ môn khác. "Nhiều khi mình đứng trên bục giảng không phát hiện ra nhưng đồng nghiệp ngồi dưới sẽ sáng hơn, phát hiện ra những điều chưa tốt của mình. Điều này đặc biệt quan trọng trong giai đoạn đổi mới chương trình - sách giáo khoa hiện nay", cô Nguyện nói.

Tương tự, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP.HCM) nhiều năm nay đã đổi mới dự giờ. "Những giáo viên trẻ, giáo viên mới chuyển khối sẽ được dự giờ nhiều hơn. Mục đích dự giờ là tư vấn, hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới và phát triển chứ không phải "vạch lá tìm sâu". Đánh giá giáo viên cũng không thể căn cứ vào 1 - 2 tiết dạy mà nhiều yếu tố khác nhau", cô Đỗ Ngọc Chi, hiệu trưởng nhà trường, thông tin.

Một giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (đề nghị không nêu tên) thừa nhận: "Trước đây, mỗi lần phòng GD-ĐT xuống dự giờ là tôi rất áp lực. Bây giờ việc dự giờ như một hoạt động thường xuyên, giáo viên không còn căng thẳng nữa.

Ban giám hiệu tạo điều kiện cho chúng tôi đổi mới phương pháp giảng dạy. Lãnh đạo trường quan tâm những yếu tố như học sinh có học hứng thú, giáo viên đã xác định yêu cầu cần đạt của bài dạy, hình thức tổ chức các hoạt động... Do đó, chúng tôi tự tin thực hiện mô hình lớp học mở, lớp học xanh (mời phụ huynh vào dự giờ học cùng con) nhiều năm nay".

Việc dự giờ không còn căng thẳng, giáo viên cũng không phải "gà bài" trước, bắt học sinh học thuộc lòng để "diễn" trong tiết dự giờ.

Tuy nhiên, một giáo viên khác cũng có ý kiến: "Dự giờ là tư vấn, hỗ trợ nên người dự giờ cần am hiểu về đổi mới giáo dục. Có cán bộ quản lý đi dự giờ và bắt bẻ giáo viên từng chút một, toàn những nguyên tắc cứng nhắc. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu giáo viên phải linh hoạt, giảng dạy tùy thuộc vào đối tượng học sinh. Đi tập huấn được dặn như thế nhưng về trường ban giám hiệu không cho phép linh hoạt".

Hướng vào học sinh

Cô Phạm Thị Thanh Thủy, phó hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), cho biết giáo viên hằng ngày có nhiều việc nên không phải giờ dạy nào cũng đầu tư sâu. Nhưng khi có dự giờ giáo viên phải suy nghĩ, tìm phương pháp, cách tổ chức dạy học hay ứng dụng công nghệ. Có áp lực nhưng cũng có thể xem đó là động lực để thầy cô giáo cố gắng.

"Tôi cho đó là cách giữ chất lượng và giúp giáo viên tự nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình dạy học", cô Thủy nói.

Còn cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), cũng cho rằng để thay đổi tâm thế đón nhận dự giờ của giáo viên cần một quá trình khi nhà trường có thể tạo nên được một văn hóa dự giờ.

"Tôi cho rằng vấn đề căn bản là thay đổi mục tiêu đánh giá và cách đánh giá, góp ý. Việc đánh giá không nhằm soi giáo viên để phê phán mà hướng vào học sinh. Cụ thể là học sinh đã tiếp nhận bài học thế nào, còn có khó khăn gì, nên thay đổi cách dạy như thế nào để giúp học sinh khắc phục khó khăn hoặc để phù hợp với đối tượng học sinh.

Và cách góp ý cho giờ dạy của mỗi giáo viên cũng phải thiện chí, có ý nghĩa chia sẻ kinh nghiệm chung để cùng điều chỉnh, hoàn thiện. Cách đổi mới dự giờ như thế sẽ dần dần giúp giáo viên được cởi trói, thoát khỏi nỗi sợ "dự giờ" như trước", cô Nhiếp nêu ý kiến.

Cô Ngô Thị Nương, giáo viên Trường tiểu học Khánh Yên (huyện Văn Bàn, Lào Cai), chia sẻ: "Chúng tôi không đặt ra câu hỏi giáo viên đã làm tốt chưa mà đặt câu hỏi học sinh đã tiếp thu bài học tốt chưa? Nếu chưa tốt thì giáo viên chúng tôi cần thay đổi gì. Và chúng tôi phát huy chất xám tập thể. Việc đó rất khác với cách làm trước đây là chỉ dự giờ để xếp loại, đánh giá giáo viên".

Triển khai linh hoạt hơn

Ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho rằng việc thực hiện sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học.

"Cụ thể là xây dựng bài học minh họa, tổ chức dạy học, dự giờ để rút kinh nghiệm dựa trên phân tích hoạt động học của học sinh. Như vậy, thay vì quy định bắt buộc dự giờ mang tính hình thức, việc dự giờ trong nhà trường phổ thông triển khai linh hoạt hơn và nằm trong kế hoạch sinh hoạt chuyên môn của tổ, nhóm chuyên môn ở mỗi nhà trường", ông Thành nhấn mạnh.

Cởi bỏ áp lực dự giờ - Ảnh 2.Phụ huynh dự giờ, thấy thương thầy cô quản 'nguyên đàn con nghịch ngợm'

TTO - 'Tôi không ngờ con mình lại năng động như thế. Nhưng dự giờ lớp học của con rồi mới thấy thương thầy cô giáo quá, vừa dạy vừa quản gần 50 học sinh, em nào cũng nghịch ngợm, cá tính...'

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp