Phóng to |
“Cò” giới thiệu dẫn tham quan vườn cây trái sum sê, cuối cùng vườn chỉ lèo tèo vài cây không trái - Ảnh: H.LỘC |
Sáng 16-7, taxi từ TP.HCM chở một nhóm du khách gồm sáu người vào cầu Ngang (ấp Hưng Thọ, xã Hưng Định, thị xã Thuận An) để tham quan vườn trái cây. Xe vừa qua cầu, bốn “cò vườn” chạy xe máy bám theo, đập cửa hét lớn: “Tham quan vườn trái cây đúng không? Đi lối này! Đi lối này”.
“Treo đầu dê bán thịt chó”
Xe chạy đến trước khu vườn khá vắng, không trưng bảng hiệu. “Cò” tên Thủy đon đả: “Sắp vào tới vườn rồi, các anh chị xuống xe đi bộ tham quan một đoạn sẽ đến trung tâm vườn trái cây”. Rồi “cò” này tiếp thị một lèo: “Vườn có đủ các loại trái cây đặc sản nổi tiếng của Lái Thiêu như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, dâu, bòn bon... Anh, chị tha hồ thưởng thức”. Thế nhưng đi lòng vòng khắp vườn là một khu đất trồng độc mỗi cây... chuối và lác đác vài ba cây mít khẳng khiu không có trái. Để cho ra vẻ vườn “sinh thái”, chủ vườn thiết kế thêm “hệ thống” dẫn nước nhưng lâu ngày rác rưởi, vỏ trái cây vứt vương vãi dưới mương.
Sẽ kiểm tra, chấn chỉnh Tại khu vực chân cầu Ngang, ấp Hưng Thọ, xã Hưng Định (Thuận An) thường xuyên tụ tập các nhóm “cò vườn”. “Cò” Thủy chuyên “câu” khách vào vườn bà Ba, “cò” Đoàn “câu” khách vào vườn Ngọc Linh... Khi phát hiện “con mồi”, các “cò” chạy bám theo hoặc chạy trước đón lõng “câu” khách vào các vườn trái cây để ăn chia hoa hồng. Một cán bộ quản lý nông nghiệp UBND xã Hưng Định cho biết các vườn trái cây trên đều hoạt động tự phát. Những vườn trái cây được cấp phép đều có bảng hiệu, giá cả niêm yết rõ ràng theo quy định. “Một số vườn tính cả tiền chỗ nghỉ mát, hướng dẫn như nêu trên vô lý. Việc “cò” chèo kéo ăn chia hoa hồng với chủ vườn sẽ được kiểm tra, chấn chỉnh. Chính quyền địa phương đang nỗ lực kêu gọi đầu tư để cải thiện hình ảnh vườn trái cây cùng với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phân bón, cây giống, hướng dẫn chăm sóc cây trồng cho người dân” - vị này cho biết. |
Bà Ba, quản lý vườn, kéo ghế đon đả mời khách vào chòi, nói: “Cứ ngồi nghỉ ngơi uống nước đã, mới sáng ra vườn còn ướt hơi sương, nắng lên khô ráo sẽ có người dẫn đi”. Lại phải chờ đợi, cuối cùng “trung tâm” vườn mà khách được dẫn đi tham quan chỉ có lèo tèo vài cây măng cụt, mít, chuối... không có trái. Một người khách cho biết họ từ miền Bắc vào TP.HCM thăm người thân và tiện thể đi tham quan du lịch.
“Nghe giới thiệu ở Bình Dương có vườn trái cây Lái Thiêu nổi tiếng với nhiều loại trái cây thơm, ngon nên háo hức đi xem. Nếu biết trước cảnh cây cối hoang tàn, trái cây hiếm như thế này thì chúng tôi đã không tới” - người này bức xúc.
Hai du khách khác chạy xe máy từ TP.HCM tới cầu Ngang cũng bị “cò” Thủy “câu” vào vườn trái cây này tham quan. Tại đây, tiếp viên mang một trái dừa và một chai trà xanh theo yêu cầu của khách, rồi “lặn” mất tăm. Khoảng 30 phút, hai vị khách gọi tính tiền thì một người đàn ông đưa giấy tính tiền là 98.000 đồng, gồm cả tiền giữ xe, hướng dẫn vào vườn và cả tiền... chỗ ngồi nghỉ mát. Khách yêu cầu dẫn đi tham quan, ông này huỵch toẹt: “Mùa này hết trái cây rồi, muốn tham quan thì phải đi vào... mùa khác”.
Tương tự, vườn 99 được các “cò” quảng cáo rầm rộ, dẫn mối khách vào cũng chỉ là một khoảnh đất nhỏ. Xen lẫn trong đám cây sầu riêng, măng cụt... còi cọc, già nua không có trái là những ngôi mộ nằm ngổn ngang lộ thiên. Sáng 18-7, chủ vườn dẫn khách ra phía sau tham quan nhưng chỉ mới sải chân dạo vài phút thì không còn gì để ngắm.
Chủ vườn 99 thú nhận: “Vườn trái sum sê chỉ là quá khứ, giờ cây cối chết dần chết mòn vì ít ai chịu đầu tư chăm sóc, lại không có kinh tế nên phải tranh thủ mời chào khách”.
Ngoài khu vườn của bà Ba, vườn Ngọc Linh, vườn 99..., tại khu vực cầu Ngang còn có khoảng 10 vườn khác cũng hoạt động theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”. Mượn “vỏ bọc” là khai thác kinh doanh du lịch sinh thái nhưng thực chất các vườn này lại rất ít cây, trái mà chủ yếu “câu” khách vào để... thu phí.
Ăn chia hoa hồng
Với tổng diện tích 1.320 hecta, trải dài trên địa bàn sáu xã, thị trấn ven sông Sài Gòn gồm An Sơn, An Thạnh, Hưng Định, Bình Nhâm, Lái Thiêu và Vĩnh Phú (Thuận An, Bình Dương), vườn trái cây Lái Thiêu từng được ví von là “thiên đường trái cây” của vùng Đông Nam bộ. Thế nhưng, hiện nay “thiên đường trái cây” một thuở đang đi về bên kia triền dốc của sự lụi tàn... Ngoài nguyên nhân về môi trường khiến cây cối chết dần (chết già) còn do cách làm ăn chụp giật, bát nháo của một số chủ vườn và các “cò”.
Bà Ba cho biết để “câu” khách vào vườn, chủ vườn thỏa thuận ăn chia hoa hồng với “cò” theo từng khoản: từ tiền thức ăn, tiền khăn lạnh, tiền nước, tiền tham quan, cả tiền... chỗ ngồi. Theo đó, nếu “cò” dẫn vào 15 khách, chủ vườn sẽ thu 140.000 đồng tiền... chỗ ngồi (20.000 đồng/khách). Số tiền đó “cưa” đôi, “cò” 70.000 đồng, chủ vườn 70.000 đồng. Các khoản khác như trái dừa bán cho khách 20.000 đồng, “cò” được 5.000 đồng, chai trà xanh 18.000 đồng, “cò” được 5.000 đồng. Một khăn lạnh 6.000 đồng, “cò” hưởng 3.000 đồng.
Theo một số chủ vườn, tùy vào khách tham quan khó hay dễ tính mà “điều chỉnh” giá cả cho “phù hợp”. Bà Ba khẳng định các chủ vườn đều có vài “cò” làm đối tác chuyên đi “câu” khách cho vườn. Trưa 21-7, sau khi chở một nhóm du khách bảy người từ vườn ra taxi, một “cò” vườn khoe: “Tui mới chém được mỗi khách 10.000 đồng tiền chở ra xe. Coi như hôm nay tạm đủ sở hụi”.
Sáng 21-7, khi nghe có người nhận sẽ dẫn đoàn khách từ TP.HCM đến tham quan vườn, bà Linh - chủ vườn trái cây Ngọc Linh - ngã giá: “Ví dụ trái dừa chị bán cho khách 15.000 đồng, chị sẽ chi em 2.000 đồng. Các đồ ăn, thức uống khác cũng tương tự. Mọi khoản đều có hoa hồng, yên tâm dẫn mối”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận