Các cổ động viên vui mừng theo từng pha bóng của đội nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN
Ngày 9-12, fanpage chính thức của Liên đoàn Bóng đá Thái Lan lại tiếp tục chặn mọi IP từ Việt Nam sau trận chung kết bóng đá nữ giữa Việt Nam - Thái Lan và các cô gái Việt đã chiến thắng.
Biến mình thành "ông kẹ"
Một số người cho rằng đây là hành động cay cú của người Thái. Nhưng vì sao họ phải làm vậy?
Trước và sau một sự kiện bóng đá lớn, cư dân mạng Việt lại hay vào các trang web, tài khoản mạng xã hội của đội bóng khác. Thay vì chia sẻ quan điểm lành mạnh về thể thao và tôn trọng đội bạn, thì lại "nói lời cay đắng" khi thua và "nổ vang" khi thắng.
Ngày 27-11, trang fanpage chính thức của bóng đá hơn 844.000 lượt theo dõi của Thái Lan đã chặn IP từ Việt Nam. Phía bạn không nêu lý do chặn.
Sáng 7-12-2019, họ đã mở chặn địa chỉ IP đến từ Việt Nam, sau khi đội bóng nam của họ chia tay SEA Games 2019 sau vòng bảng. Nhiều người hay tin này lại tiếp tục vào bình luận sôi nổi bằng tiếng Việt móc ngoáy, châm chọc về thất bại của đội bạn.
Tôi thấy đây là chuyện hơi bị... vô duyên! Bạn có quyền tự hào, nhưng không nên vào "nhà" người khác cố tình nói điều người ta không thích hay chọc tức họ. Tự hào về đội nhà nhưng cũng phải thể hiện mình biết ứng xử đẹp. Biết đùa và biết dừng đúng lúc.
Hành động leo thang bằng ngôn ngữ không phải cách thể hiện tinh thần thể thao đẹp, trong sáng, cho một hình ảnh người Việt thân thiện, dễ mến… mà đó là việc gây loạn, quấy rối người khác.
Chúng ta cần ứng xử tế nhị hơn trên mạng. Hành động thiếu kiềm chế của một số cư dân mạng đã biến người Việt bỗng thành ra những "ông kẹ" - nỗi sợ thường trực của người khác (không chỉ Thái Lan).
Vui trong an toàn
Một năm trước, 15-12-2018, sau khi đội tuyển Việt Nam giành chức vô địch AFF Cup 2018, người hâm mộ cả nước nô nức đổ ra đường. Trong cơn hào hứng, một nam thanh niên điều khiển xe máy va chạm với xe bồn ở Q.Tân Bình và tử vong.
Cũng vào khuya hôm đó, trên đường Tây Thạnh (Q.Tân Phú) xảy ra một vụ va chạm liên hoàn khiến nhiều người bị thương...
Trên đường Phạm Văn Đồng, quốc lộ 1… hàng loạt người vô tư không đội mũ bảo hiểm, chở ba chở bốn trên xe máy, phóng nhanh vượt ẩu, thậm chí dùng pháo nổ và pháo sáng... để ăn mừng! Có người ăn mừng bằng cách đốt xe máy...
Nhớ năm đó, trong khi CSGT TP.HCM tạm giữ hàng trăm xe máy vi phạm thì CSGT TP Hà Nội cũng tạm giữ 7 người, thu giữ gậy ba khúc, 21 quả pháo sáng.
Trong đêm "ăn mừng" đó, đã xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông, 14 người chết và 10 người bị thương... Có những gia đình mất mát người thân, có những người bị thương tật sau cuộc ăn mừng.
"Đi bão" vẫn thường kèm theo gia tăng nhiều vụ vi phạm luật giao thông như từng xảy ra ngày 6-12-2018, khi đội tuyển Việt Nam thắng Philippines, nhiều người bị thương từ việc đi ăn mừng vào khoảng hơn 22h trên cầu Chương Dương, Hà Nội.
Chưa hết, những vụ ẩu đả do mâu thuẫn trong lúc "đi bão" cũng thường xảy ra...
Khi xem qua các video clip ăn mừng chiến thắng trận Việt Nam - Campuchia vừa qua, không khó để nhận ra có những người đi cổ vũ không đội mũ bảo hiểm, rú ga trên đường, thậm chí có người chở trẻ em cũng không đội mũ bảo hiểm...
Đừng cuồng nhiệt qua trớn mà bất chấp luật pháp, quên ý thức, xem nhẹ tính mạng, sức khỏe của người khác và cả chính mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận