05/11/2013 11:20 GMT+7

Có view mới có quảng cáo, nhưng...

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TT - Nhiều báo điện tử, trang mạng đầu tư vào nội dung để làm sao câu càng nhiều view (pageview - lượt truy cập) càng tốt để hi vọng câu được nhiều quảng cáo, và cách câu là những xìcăngđan, tít giật gân, câu chuyện gây sốc hoặc mua view bằng công nghệ. Thế nhưng điều oái oăm là có nhiều view chưa hẳn đã bán được quảng cáo.

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3:

4dpXCBG1.jpgPhóng to

Ai quảng cáo trên trang tin giật gân?

Thảm họa câu view dẫn đến vô số hậu quả ai cũng có thể thấy, nhưng từ trước đến nay chưa thấy mấy trường hợp bị xử lý. Vì sao?

Bà Nguyễn Minh Hương - tổng giám đốc Công ty Golden, một trong những nhà quảng cáo khá lớn ở VN - cho biết thường những quảng cáo trên các trang mạng giật gân ít có sản phẩm cao cấp, đáng tin cậy mà hầu hết là những mặt hàng thực phẩm chức năng của các công ty VN, các thẩm mỹ viện hay trang bán hàng trên mạng ít tên tuổi.

Không ít trong đó là những sản phẩm chức năng nhắm vào các khách hàng có bệnh lý nhạy cảm như yếu sinh lý, giảm béo cấp tốc... mà bản thân sản phẩm, dịch vụ đó do không thể xin giấy phép để quảng cáo trên báo chí hay truyền hình nên chọn quảng cáo trên mạng vừa rẻ tiền lại không gặp những đòi hỏi thủ tục pháp lý.

Theo bà Minh Hương, đối với những công ty quảng cáo lớn, việc đặt quảng cáo trên mạng dựa trên rất nhiều yếu tố. Thứ nhất, dựa trên chỉ số gọi là “comscore” do một tập đoàn chuyên về nghiên cứu thị trường đưa ra nhằm giúp nhà quảng cáo phân tích đối tượng, số lượng truy cập ra vào mỗi trang web... để xem có phù hợp với chiến lược phát triển nhãn hàng của công ty hay không. Để có được dữ liệu này, các nhà quảng cáo lớn phải trả tiền.

Thứ hai, chọn theo nội dung của trang web đó, cho dù nhiều trang web có chỉ số “rating” (xếp hạng) cao nhưng nội dung không phù hợp mà nhãn hàng nhắm đến thì cũng không phải là ưu tiên. Yếu tố thứ ba là dựa vào bạn đọc của trang đó. Một số công ty quảng cáo nhỏ do không đủ chi phí để nghiên cứu một cách đầy đủ nên họ chỉ dựa trên lượng view của trang mạng mà quảng cáo.

“Các trang web tìm mọi cách câu view là để nâng chi phí quảng cáo hoặc lôi kéo các nhà quảng cáo để mắt tới, nhưng khi dùng chiêu câu view thì nội dung của tờ báo cũng sẽ ảnh hưởng theo, mà đây chính là một trong những yếu tố xem xét khi các công ty quảng cáo lớn làm việc. Một nhãn hàng đàng hoàng đáng tin cậy, có nghiên cứu kỹ càng và muốn tạo dựng vị trí lâu dài trên thị trường thì không ai muốn sản phẩm của mình xuất hiện trên những trang web câu khách theo kiểu rẻ tiền, giật gân” - bà Hương nhận định.

Ông Đỗ Kim Dũng, phó chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo VN, cho biết trong một thị trường quảng cáo còn chập choạng, việc câu view để có nhiều người truy cập, từ đó câu quảng cáo vẫn còn đất sống trong những chiến dịch sinh lời tức thì, bán hàng nhanh mà không nghĩ đến lâu dài. “Với những người làm quảng cáo chuyên nghiệp, họ không chọn lối quảng cáo nhiều tai tiếng hay gây phiền phức cho khách hàng vì về lâu dài khó xây dựng được thương hiệu cao cấp. Đặt quảng cáo vào những trang rẻ tiền, giật gân thì cũng có nghĩa nhãn hàng đó vô tình cản trở những người có học, thành đạt sử dụng sản phẩm của mình” - ông Dũng nói.

“Đánh” doanh nghiệp để câu quảng cáo

Theo các công ty quảng cáo, số tiền quảng cáo mạng thường được tính theo tỉ lệ thuận với số nhấp chuột các bài viết trên đó. Tuy nhiên, nếu xuất hiện không đúng chỗ mà chỉ mãi chạy theo view thì hình ảnh nhãn hàng cũng bị ảnh hưởng. Những nhà quảng cáo chuyên nghiệp đều cho rằng họ luôn cân nhắc, không ủng hộ những web nổi lên nhờ tính giật gân vì lâu dài hệ quả rất lớn. Người đọc hôm nay có thể vào những trang tin này vì tò mò, nhưng ngày mai với những tin tức nhảm nhí nó không còn đáng tin cậy nữa.

Theo ông Đỗ Kim Dũng, thực tế nhà quảng cáo lẫn nhãn hàng thường chỉ quan tâm đến “rating” nhưng một trang web có đầy tai tiếng, phản ứng tiêu cực xã hội thì rõ ràng chỉ số lòng tin người đọc dành cho trang web đó là thấp, nó không phù hợp với những nhãn hàng đang cố gắng xây dựng uy tín, chất lượng trên thị trường. Một nhãn hàng thành công là phải mua được tình yêu của người tiêu dùng, nếu như để xã hội lên án xem như nhãn hàng đó khó sống nổi.

Ông Nguyễn Khoa Mỹ - giám đốc đối ngoại Coca Cola VN, một trong những thương hiệu được đánh giá sử dụng khá nhiều chiến dịch trực tuyến - nói rằng hoạt động truyền thông của công ty ông không tìm kiếm tính giật gân, vì vậy khi chạy chiến dịch quảng cáo mạng, công ty luôn chọn những cơ quan truyền thông chính thống. Tuy nhiên, ông Khoa Mỹ cũng thừa nhận với tốc độ mạng xã hội, trang web tăng chóng mặt hiện nay, việc doanh nghiệp có thể kiểm soát được nội dung quảng cáo trên mạng là một thách thức không nhỏ.

Bà Amy Kunrojpanya, giám đốc truyền thông khu vực Mekong của Google châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng trong thế giới trực tuyến, sự cạnh tranh chỉ ở một cái click chuột. Vấn đề muốn thành công, nhà cung cấp dịch vụ phải cung cấp thông tin có giá trị và liên quan đến người dùng hay với khách hàng tiềm năng, để khi tìm kiếm họ tìm được cái mình muốn. “Cách tốt nhất để chiếm được lòng tin người dùng là hướng đến họ, cung cấp thông tin có giá trị” - bà Amy nói.

Hiểu được điều đó, nhưng do không đủ tiềm lực để tạo ra thông tin giá trị, chỉ có thể dùng cách câu view để có quảng cáo, nên đã xảy ra tình trạng báo điện tử hoặc trang mạng “đánh” doanh nghiệp để câu quảng cáo. Không ít trang lá cải cố tình dựng chuyện để “đánh” các nhãn hàng, làm cho thương hiệu nào đó điên đảo với những cái tít giật gân, với lối suy nghĩ võ đoán, nêu những sơ hở của doanh nghiệp để bắt doanh nghiệp đó phải đăng quảng cáo trên trang web của mình. Nhiều doanh nghiệp “chịu trận” chấp nhận bỏ tiền mua quảng cáo mà lòng hết sức ấm ức.

Giám đốc một công ty kinh doanh thực phẩm kể: “Có thời gian, một trang web suốt ngày ra rả “dập tơi tả” sản phẩm của công ty kém chất lượng, hết có vật thể lạ trong sản phẩm, bốc mùi đến hư thối khi mở vỏ hộp. Khi chúng tôi chấp nhận đăng quảng cáo trên trang web này thì loạt bài dừng lại bất ngờ!”. Nhưng cũng không ít doanh nghiệp chuyên nghiệp chấp nhận lôi luật ra để nói chuyện, cho dù kết quả chẳng đâu vào đâu.

Bầu chọn nhãn hàng quảng cáo trên trang web “bẩn”

Đạo đức trong quảng cáo luôn được đặt ra ở các nước, trong khi ở VN chỉ là sự ngầm hiểu với nhau. Ở Singapore không có luật quảng cáo nhưng lại có bộ quy tắc về hành nghề quảng cáo, đưa ra những quy định đạo đức, khống chế các nhà quảng cáo nếu làm sai sẽ bị xử phạt. Hình thức xử phạt là đưa ra công luận để cho nhãn hàng phải biết xấu hổ và biết... sợ. Do vậy bộ quy tắc này điều chỉnh hành vi trong lĩnh vực quảng cáo của doanh nghiệp.

Cụ thể, bộ quy tắc này đề cập đến các cơ quan truyền thông, tổ chức xã hội như nghiệp đoàn quảng cáo, hội phụ nữ hay các tổ chức giáo dục quốc tế không được đăng quảng cáo trên những trang web độc hại cho người tiêu dùng dù nguồn trang đó ở nước ngoài. Bởi việc đăng quảng cáo của những nhãn hàng, tổ chức này chẳng khác gì giúp các trang web đó tồn tại, vô tình tiếp tay sự độc hại cho người tiêu dùng.

Hay hằng năm ở nhiều nước đều có một tổ chức bầu chọn những nhãn hàng quảng cáo trên các trang web “bẩn” sống nhờ tin giật gân, lá cải, xâm phạm đến đời tư, bôi nhọ danh dự cá nhân hay nội dung đồi trụy, ảnh hưởng xấu đến người tiêu dùng. Trong trường hợp này, những trang web dùng các chiêu giật gân để câu view sẽ “dính” đòn đầu tiên. Nhờ những “giải thưởng” này đã hạn chế rất nhiều việc đăng quảng cáo trên các trang web không lành mạnh mà chính quyền chưa thể đóng cửa được.

________________

Kỳ tới:Không ai phạt nên cứ câu

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp