01/10/2019 10:56 GMT+7

Cổ viện Chàm - Những chuyện chưa biết - Kỳ cuối: Giữ sức hút ngàn năm

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - "Địa chỉ văn hóa nào không thể bỏ qua nếu thăm Đà Nẵng?". Câu hỏi được một nghiên cứu sinh Đại học Quốc lập Yokohama (Nhật Bản) đặt cho ông Huỳnh Văn Hùng, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao Đà Nẵng, trong cuộc trò chuyện chúng tôi có dịp tham dự.

Cổ viện Chàm - Những chuyện chưa biết - Kỳ cuối: Giữ sức hút ngàn năm - Ảnh 1.

Khai quật di tích Chăm Phong Lệ, các nhà khảo cổ đã phát hiện nền móng tháp Chăm niên đại thế kỷ thứ IX-XI cùng nhiều hiện vật - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Chúng ta đang có "viên ngọc quý" là Bảo tàng Điêu khắc Champa duy nhất trên thế giới để bạn bè quốc tế ngưỡng mộ.

Ông Huỳnh Văn Hùng (giám đốc Sở Văn hóa - thể thao Đà Nẵng)

Di sản trong di sản

Ông Hùng đã không ngần ngại khẳng định ngay rằng đó là Bảo tàng Điêu khắc Champa duy nhất trên thế giới đang hiện diện bên bờ sông Hàn.

Với một thành phố trẻ như Đà Nẵng thì ngay cả kiến trúc tòa nhà Bảo tàng Điêu khắc Chăm mà người Pháp xây dựng hơn trăm năm trước cũng đã là một thiết chế văn hóa, tài sản quý cần đáng trân giữ. Một bảo tàng đi qua thế kỷ mang vẻ đẹp thanh nhã, sâu thẳm, cuốn hút, chứa đựng kho báu cả ngàn năm của một dân tộc. Ông Hùng đã mở đầu câu chuyện với chất giọng xứ Quảng pha rõ tự hào trong đó.

Quan điểm mới của các nhà nghiên cứu lịch sử rằng lịch sử Việt Nam phải bao gồm toàn bộ những nền văn minh từng tồn tại trên đất nước Việt Nam. Và như thế, thành phố bên sông Hàn có quyền tự hào khi đang được giữ gìn giá trị khổng lồ của di sản văn hóa Chăm trải dài gần 18 thế kỷ qua.

Với góc độ của người làm văn hóa, ông Hùng cho rằng ở lĩnh vực văn hóa, một số học giả, nhà nghiên cứu người Pháp đã có công giúp chúng ta xây dựng và bảo tồn một số thiết chế văn hóa quan trọng. Để từ đó ngày hôm nay chúng ta có một điểm đến đặc biệt mà biết bao thượng khách là lãnh đạo các quốc gia phải ghé thăm khi tới với thành phố trẻ năng động này.

Nhìn lại lịch sử "đi qua trăm năm, kể chuyện ngàn năm", người Pháp mang những hiện vật đầu tiên về công viên Tourane trước khi xây dựng bảo tàng vào năm 1915, rồi giúp người Việt Nam làm quen với khái niệm bảo tàng khi mở cửa đón khách vào 100 năm trước. Bảo tàng này đã đi qua những giai đoạn cải tạo, mở rộng vào các năm 1935, 2002, 2016... và rất nhiều lần bổ sung các bộ sưu tập cổ vật để đến hôm nay tái hiện sinh động những câu chuyện của quá khứ.

"Thành quả chắt chiu ở đây là biểu tượng văn hóa đầy tự hào của người dân Đà Nẵng, nơi mà du khách có thể "nhìn thấu" được chiều dài lịch sử thăm thẳm của một vùng đất từ thuở hồng hoang" - ông Hùng nhấn mạnh.

Cổ viện Chàm - Những chuyện chưa biết - Kỳ cuối: Giữ sức hút ngàn năm - Ảnh 4.

Tượng Gajasimha đầu voi mình sư tử hoàn hảo hiếm có đang được trưng bày tại bảo tàng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Nối tiếp mai sau

Không phải đến bây giờ bảo tàng này mới là "viên ngọc quý" của Đà Nẵng mà từ đầu thế kỷ trước, nơi đây đã được xem là kết tinh của giá trị khảo cổ, mỹ thuật điêu khắc với một lối công trình kiến trúc tiêu biểu.

Trong cuốn Lịch sử Đà Nẵng (1306 - 1975), tác giả Võ Văn Dật cho rằng Đà Nẵng những năm đầu thế kỷ 20 là thành phố sống về thương mại. Những nhân tố cho hoạt động văn hóa và cơ quan văn hóa rất hạn chế so với ba thành phố lớn, nhưng lại có một Cổ viện Chàm làm nhiều người kinh ngạc. Đó không những là một cơ sở văn hóa nổi tiếng mà còn gìn giữ những tài sản nghệ thuật vô giá, ghi lại dấu vết một nền văn minh độc đáo từng vang vọng một thời.

Ngày nay với lượng khách tham quan gấp sáu lần số dân hơn 1 triệu đến với thành phố mỗi năm, bảo tàng này đang có cơ hội to lớn để vươn mình ra thế giới. Cùng với quá trình cải tạo, nâng cấp để công chúng được tiếp cận trực quan với các giá trị của di sản cổ xưa, những năm qua bảo tàng hạng 1 này đã áp dụng các phương tiện khoa học kỹ thuật gồm thiết bị trình chiếu 3D Hologram.

Thông qua các thiết bị này, khách tham quan có thể quan sát được hiện vật dưới bất kỳ góc nhìn nào và được nghe thuyết minh hiện vật với các ngôn ngữ khác nhau. Ngoài ra, các ứng dụng thông minh "thời kỳ 4.0" như hướng dẫn tự động qua mã quét QR cũng được khai thác triệt để nhằm mang đến "sức sống mới" cho cổ vật kể chuyện.

Theo ông Hà Minh Trí, di sản viên làm việc tại bảo tàng, kho hiện vật ở đây vẫn còn tiềm năng vô cùng lớn để hấp dẫn du khách. Khối lượng hiện vật khổng lồ lên tới hơn 2.000 cổ vật đến nay chỉ giới thiệu đến công chúng chừng 1/4.

Tuy vậy không phải hiện vật nào mang ra trưng bày cũng là nguyên bản. Như trường hợp tượng Bồ tát Tara, một trong 30 cổ vật đầu tiên được công nhận bảo vật quốc gia ở nước ta, đang được trưng bày tại bảo tàng là một phiên bản có tỉ lệ 1:1 đã được các chuyên gia Úc phục dựng.

"Những bảo vật quý phải được bảo quản đặc biệt, một số cổ vật nguyên bản chỉ trưng bày qua các triển lãm chuyên đề đặc biệt hoặc chỉ phục vụ hạn chế cho những chuyên gia nghiên cứu" - ông Trí nói.

Cùng đi qua những không gian trải dài thăng trầm, ông Hồ Tấn Tuấn, giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, nói điều may mắn là suốt chiều dài đầy biến động của lịch sử dân tộc, nơi lưu giữ các giá trị văn hóa Champa này đã không bị "sứt mẻ".

Với việc được xếp vào danh sách các bảo tàng hạng 1 tại Việt Nam, ông Tuấn cho rằng đây là một cột mốc mới khẳng định vai trò và những đóng góp trong hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Từ sự trân quý những đường nét, phong cách kiến trúc, trang trí từ thuở sơ khai của tòa nhà, ông Tuấn tin rằng "những phiến đá kể chuyện" sẽ mãi được gìn giữ cho con cháu mai sau.

Ý tưởng "bảo tàng mở rộng"

Từ năm 2011, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã tiến hành ba đợt khai quật khảo cổ tại di tích Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) và đã phát lộ một nền móng tháp Chăm có niên đại từ thế kỷ thứ 9-11.

Từ việc phát hiện một nền móng tháp Chăm có quy mô lớn cùng với nhiều hiện vật độc đáo bằng các chất liệu sa thạch, thạch anh và kim loại quý, ông Bùi Văn Tiếng, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng, đã có một đề xuất táo bạo về một "bảo tàng Chăm mở rộng" làm vệ tinh cho địa điểm hiện nay.

Ông Tiếng cho rằng quận Cẩm Lệ, nơi đóng chân của di tích Phong Lệ, đang có lợi thế về nguồn gốc Champa bản địa. Từ đó đề xuất ngay tại nền móng quần thể phế tích đền tháp Champa lần đầu tiên được phát hiện trên đất Đà Nẵng - thành lập một khu trưng bày bảo tàng điêu khắc Champa mới.

"Đây là nơi sẽ có đủ chỗ để trưng bày hết số cổ vật đang được bảo quản trong kho cộng với số dự báo tiếp tục được sưu tầm; có đủ chỗ để phục dựng những tháp Champa nổi tiếng dưới dạng mô hình. Cũng như có đủ chỗ để khách tham quan có thể giới thiệu những thành tựu mới về nghiên cứu Champa, nơi tìm mua những mặt hàng lưu niệm cao cấp khó có thể mua được ở đâu khác liên quan đến nền văn hóa Champa vang bóng một thời" - ông Tiếng gợi ý.

Thay vì đi Mỹ, Úc hay Singapore, nhiều người Việt trẻ đang chọn học tiếng Anh ở Philippines. Hiệu quả mà rẻ, đặc biệt là không quá cách biệt về văn hóa, lối sống. Thực tế thế nào?

Đón đọc hồ sơ: Đi học tiếng Anh ở Philippines

Trăm năm cổ viện Chàm - những chuyện chưa biết - Kỳ 4: Cổ vật đi Trăm năm cổ viện Chàm - những chuyện chưa biết - Kỳ 4: Cổ vật đi 'ngoại giao'

TTO - Những cổ vật mang hình tượng nghệ thuật có niên đại hơn 1.000 năm trước tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã nhiều lần xuất ngoại để quảng bá về một nước Việt với nhiều di sản văn hóa quý giá...


TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp