Nhiều người dân quê tôi trước đây đi làm công nhân may mặc ở TP.HCM, nay về quê “đầu quân” cho xưởng may gần nhà - Ảnh: TẤN KHÔI
Xa quê 15 năm tròn, năm nay về đón tết và lưu lại quê nhà khá lâu, tôi mừng vì sự thay đổi nhiều mặt ở quê mình (xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn, Quảng Nam). Đó là những ngôi nhà mới xây tươm tất, là con đường đã trải nhựa thẳng băng, sạch sẽ, nhà nào cũng có cổng ngõ đàng hoàng.
Đi quanh, nghe nhiều người quê nói ở quê giờ không thiếu thứ chi, y như thành phố. Vùng quê hẻo lánh của tôi (bao quanh là núi, khá xa trung tâm tỉnh lỵ) cũng đã có một hãng taxi mang chính tên huyện nhà. Muốn ra sân bay Đà Nẵng hay đi khám bệnh, chỉ cần gọi là xe tới nhà đón trong vòng mươi phút.
Ngay sát nhà tôi còn có một xưởng may mới mở, chị em ở quê xin vào làm công nhân, lương tuy không bằng ở Sài Gòn nhưng ổn định lại không phải xa nhà. Người làm nông cũng có thể tranh thủ lúc nông nhàn nhận hàng về cắt chỉ, xỏ hạt cườm... kiếm thêm thu nhập.
Không chỉ vậy, ở quê bây giờ có dự án trồng rừng (keo lá tràm) để bán, cứ trồng hết vạt này đến vạt khác, xoay vần nên gần như quanh năm suốt tháng người dân đều có thể làm thêm ở rừng keo với công việc phát chồi non, lột vỏ khi cây thu hoạch hoặc đi trồng cây mới...
Tiền công mỗi ngày cho chị em là 180.000 đồng, còn đàn ông thanh niên là 220.000 đồng. Thu nhập đó cũng coi là ổn định.
Người quê tôi nói rằng họ đang tận dụng thời gian rảnh để kiếm tiền.
"Ở quê giờ không rảnh rỗi như xưa. Có nhiều việc làm, chỉ là có sức khỏe để làm và có muốn làm hay không" - mợ Bảy của tôi cho biết. Nghe mợ nói và thấy hình ảnh quê nhà phát triển, tôi lại nhớ đến lúc mình mới rời đi, nhà nào cũng nghèo, mái tranh thì nhiều, mái ngói ít...
Chợt nghĩ người quê vốn siêng năng, chỉ là trước đây không có công việc để làm nên chỉ biết bám vào ruộng đồng với thu nhập không đủ sống, ai muốn đổi đời phải bỏ quê đi làm ăn xa.
Kinh tế phát triển đã thay đổi làng quê. Không chỉ có công ăn việc làm nhiều hơn, người dân quê tôi giờ cũng bớt cảnh túm tụm nói chuyện thiên hạ, chuyện thị phi trong thôn xóm bớt đi. Mợ Bảy tôi gọi đó là cái lợi kép, khi người ta bớt nhàn cư thì xóm làng sẽ văn minh hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận