Sau bài "Cò trục lợi từ người hiến trứng" đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 24-5, ông Nguyễn Anh Dũng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết chiều cùng ngày, Thanh tra sở đã làm việc với Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh (TP.HCM).
Những "cò" này lên mạng xã hội chào mời "hiến trứng bồi dưỡng cao, chỉ cần căn cước công dân". Sau đó đưa người "hiến" trứng vào bệnh viện siêu âm đếm trứng, xét nghiệm, hướng dẫn ghi và "ghép" hồ sơ, tiêm thuốc kích trứng và cuối cùng là chọc hút trứng.
Sau khi chọc hút trứng thành công, người "hiến" trứng nhận được 18 triệu đồng từ "cò", trong khi "cò" nhận 27-30 triệu đồng từ gia đình người xin trứng.
Bác sĩ Lý Thái Lộc - trưởng khoa hiếm muộn Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) - cho hay theo quy định, người cho trứng phải đảm bảo nhiều tiêu chuẩn, trong đó phải có ít nhất một con khỏe mạnh. Do đó nếu là người độc thân chưa sinh con lần nào thì không được hiến trứng.
Những người hiến trứng đã sinh con khỏe mạnh rồi nhưng ly dị chồng thì cần có giấy ly hôn và giấy khai sinh của con mình sinh ra.
Nghị định 10 năm 2015 nêu rõ: trong trường hợp hiến trứng, vợ chồng người xin trứng phải tự tìm và đưa vào bệnh viện để thực hiện các quy trình chuyên môn, trên nguyên tắc tự nguyện nhân đạo, không được mua bán trứng vì mục đích thương mại. Vì vậy trong trường hợp này, người xin trứng và người hiến trứng biết nhau.
Khi thực hiện các trường hợp này, bệnh viện luôn khuyến cáo bên cho và bên nhận không được để cho con mình sau này kết hôn với nhau, vì sẽ gây hiện tượng đồng huyết thống, nguy hiểm cho thế hệ sau.
Trong thực tế, những trường hợp xin hiến trứng thường là các chị em ruột, hoặc chị em họ trong gia đình (của bên vợ). Trường hợp người ngoài dòng họ hiến trứng vì mục đích nhân đạo là hiếm có, bởi quá trình hiến trứng và nhận trứng thường qua nhiều quy trình phức tạp, nhiều biến chứng, nguy hiểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận