Nhóm nghiên cứu cho biết sự kiện thiên thạch đâm vào Trái đất cách đây khoảng 66 triệu năm khiến kỷ nguyên của loài khủng long chấm dứt không phải là sự kiện duy nhất xảy ra với hành tinh của chúng ta.
Theo báo Guardian ngày 3-10, các bản quét chi tiết miệng hố dưới nước nằm ngoài khơi bờ biển Guinea ở Tây Phi cho thấy hố, có tên gọi là Nadir, hình thành khi một thiên thạch lớn khác đâm vào Trái đất vào cuối kỷ Phấn trắng.
Vụ va chạm dữ dội xảy ra cách đây khoảng 65 - 67 triệu năm đã tạo ra một miệng hố rộng hơn 8km, theo dữ liệu thu được. Nhóm nghiên cứu ước tính thiên thạch này rộng khoảng 400m và đã lao vào Trái đất với vận tốc lên đến 72.420km/h.
Mặc dù có kích thước nhỏ hơn thiên thạch đã gây ra sự tuyệt chủng hàng loạt mà chúng ta đã biết, thiên thạch này vẫn đủ lớn để để lại những "vết sẹo" trên bề mặt hành tinh.
Hình ảnh quét được đã giúp nhóm nghiên cứu hình dung ra bức tranh về sự kiện thảm khốc này, theo tiến sĩ Uisdean Nicholson, nhà địa chất biển tại Đại học Heriot-Watt (Scotland). Vào thời điểm năm 2022 khi ông Nicholson là người đầu tiên phát hiện ra hố Nadir, các chi tiết về vụ va chạm vẫn chưa rõ ràng.
Để hiểu hơn về vụ va chạm, nhóm nghiên cứu đã dùng hình ảnh địa chấn 3D để lập bản đồ vành miệng hố và các "vết sẹo" nằm sâu 300m dưới đáy đại dương. Nhóm phát hiện vụ va chạm dường như đã gây ra những rung chấn dữ dội làm hóa lỏng trầm tích dưới đáy biển và gây ra các vết đứt gãy dưới đáy biển.
Vụ va chạm cũng gây lở đất, với dấu vết hư hại có thể quan sát được trong phạm vi hàng nghìn km2 xung quanh miệng hố Nadir. Đồng thời cũng gây sóng thần cao hơn 800m có thể đã di chuyển khắp Đại Tây Dương.
Nhóm nghiên cứu không thể xác định chính xác thời điểm thiên thạch nói trên đâm vào Trái đất, song việc phát hiện hố va chạm Nadir cũng như ước lượng gần đúng tuổi của nó có thể thúc đẩy suy đoán rằng thiên thạch này thuộc về một nhóm các va chạm xảy ra vào cuối kỷ Phấn trắng.
Thiên thạch dẫn đến sự tuyệt chủng của khủng long có kích thước lớn hơn và để lại miệng hố va chạm rộng 160km (ở bán đảo Yucatan của Mexico ngày nay).
"Dữ liệu từ nghiên cứu sẽ giúp giới khoa học kiểm chứng các giả thuyết về hố va chạm, phát triển các mô hình mới về sự hình thành miệng hố va chạm dưới biển và hiểu hậu quả của một sự kiện như vậy", ông Nicholson cho biết.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications Earth & Environment.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận